Những hành động tưởng chừng đơn giản khi người lớn chơi đùa cùng trẻ có thể gây nguy hiểm khó lường.
Nhiều cha mẹ có thói quen dắt, nắm tay trẻ sai cách như đột ngột kéo tay bé, cho bé đu người lên cao khi đồng thời nắm tay bố và mẹ… khiến bé gặp vấn đề về sức khỏe đặc biệt là trật khớp.
Trật khớp khuỷu tay
Các xương khuỷu tay và khớp khuỷu tay được nối bởi các dây chằng có tính đàn hồi, chắc và bền hơn khi chúng ta trưởng thành. Ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, các dây chằng vẫn còn lỏng lẻo, điều này dễ dẫn đến tình trạng trật khớp đầu xương khuỷu tay.
Thông thường trẻ gặp phải chấn thương khi được người lớn đón hoặc kéo bằng tay. Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ bị nhất do hệ xương và khớp lúc này chưa cứng cáp, một số trường hợp nặng dẫn tới hậu quả bị gãy xương.
Khi người lớn kéo tay mạnh và đột xuất bé có nguy cơ bị trật khớp khuỷu tay. (ảnh minh họa)
Trẻ bị trật khớp khi người lớn kéo tay mạnh và đột xuất, kéo lên cao bằng một tay hay khi bé được kéo lại lúc sắp ngã. Ở độ tuổi này, các khớp tay chân của trẻ còn non yếu, xương chưa phát triển hoàn thiện dễ bị lệch khỏi vị trí khi bị tác động mạnh.
Đứa trẻ bị trật khớp đầu xương khuỷu tay sẽ thấy đau ở cánh tay, nhưng những chấn thương này không gây tổn thương lâu dài. Tuy nhiên, điều này ít xảy ra với các bé trên 5 tuổi vì khi đó dây chằng và khớp của các bé đã phát triển hơn rất nhiều.
Trật khớp háng
Muốn con có đôi chân dài thẳng không ít bà mẹ có thói quen nắn chân cho bé. Song chỉ cần mẹ sơ xuất, tác động mạnh sẽ làm các khớp xương đặc biệt là khớp háng chấn thương dẫn đến trật khớp háng.
Trật khớp háng nếu được phát hiện kịp thời và được điều trị đúng cách, khả năng khỏi hoàn toàn của bé là khoảng 90 - 95% mà không cần phải can thiệp phẫu thuật. Vì vậy, khi nhận thấy bé có dấu hiệu khóc khi khớp háng bị va chạm, sưng bất thường mẹ nên đưa bé tới bệnh viện kiểm tra và điều trị kịp thời.
Trẻ bị trật khớp háng do thói quen sai lầm của người lớn.
Xử lý thế nào khi trẻ bị trật khớp?
Ngay khi bị trật khớp trẻ thường đau và la khóc nhiều. Mẹ cố gắng dỗ dành bé và tránh tiếp xúc tới bộ phận vừa bị tác động. Tuyệt đối không cố nắn bóp, cố định khớp.
Giữ trẻ ở tư thế thoải mái, tránh va chạm tới vùng tay hoặc chân bị trật khớp và đưa bé đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt.
Nếu trẻ không bị thương tích nào khác thì quá trình điều trị càng dễ dàng, không cần sử dụng thuốc giảm đau, bác sĩ chuyên môn có thể nắn chỉnh khớp về đúng vị trí.
Thời gian các bé có thể di chuyển bình thường là từ 10-15 phút sau khi đặt lại khớp. Tuy nhiên, lời khuyên của bác sĩ dành cho các bậc phụ huynh là cố định bộ phận bị trật trong 15 phút, tái khám khi trẻ có triệu chứng đau, khó di chuyển hoặc cử động.
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia uy tín. Những thắc mắc của quý độc giả về Sức khỏe trẻ em sẽ được các chuyên gia giải đáp vào 15h30 thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần trên chuyên mục Làm mẹ - Eva.vn. |