Theo chị Quỳnh Anh, nếu con ăn, vận động và ngủ theo lịch trình lặp lại sẽ thành thói quen.
Nuôi con là cả một hành trình dài mà trong mọi dấu mốc trưởng thành của con đều có bàn tay nâng đỡ, dìu dắt của mẹ. Thế nhưng, trong hành trình ấy không phải lúc nào cũng tràn ngập niềm vui mà có cả những vất vả của mẹ khi cùng con yêu trải nghiệm cuộc sống mới.
Là một nữ biên tập viên trẻ của kênh truyền hình về thiếu nhi và gia đình, ngay từ những ngày đầu sinh con, chị Quỳnh Anh (Hà Nội) đã nắm trong tay được khá nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ. Tuy nhiên, với vô vàn tình huống “không báo trước” khiến không ít lần mẹ trẻ 9X gặp thất bại, đặc biệt khi rèn nếp ngủ cho con trai - bé Ting Ting.
Nữ biên tập viên Quỳnh Anh từng gặp thất bại khi rèn con tự ngủ.
“Mình là người mẹ thất bại khi luyện ngủ CIO cho con (khóc đến khi tự ngủ). Hết 2 tuần "trăng mật" sau sinh, bé thường xuyên ngủ ngày cày đêm, đỉnh điểm có lần thức từ 12h đến 6-7h sáng liên tục 3 ngày. Quá mệt mỏi. Mình đã chọn cách bỏ ra thật nhiều thời gian và sự kiên nhẫn để luyện con không nước mắt.”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.
Bắt đầu từ đó, chị Quỳnh Anh quyết tâm dành ra 20 ngày liền để thực hiện chiến dịch luyện con hết ngủ ngày cày đêm và kết quả thu được quá bất ngờ: “Mình bắt đầu tạo thói quen cho con khi con 15 ngày tuổi, đến khi 1 tháng 5 ngày con mới bắt đầu không thức đêm và ngủ được những giấc 2,5 tiếng. Đến 3 tháng tuổi con bắt đầu ngủ đêm được những giấc 4-5 tiếng, dậy ăn đêm 1 lần vào 2 giờ hoặc 3 giờ. 4 tháng tuổi con ngủ xuyên đêm 11 tiếng không ăn”.
Tóm tắt phương pháp:
- Giúp con phân biệt ngày - đêm
- Lịch ăn và ngủ hợp lý, khoa học
- Cả nhà cần hợp tác và tự đi ngủ sớm cùng bé
- Cho bé đi ngủ đêm sớm, tốt nhất là 19 giờ.
Dưới đây là chiến dịch 20 ngày đêm chị Quỳnh Anh rèn con hết "ngủ ngày cày đêm":
10 ngày đầu: Dạy con biết ngày - đêm
Ban ngày sáng đèn, thực hiện tắt đèn tối từ 19h đến hết sáng hôm sau.
Như vậy cứ 6-7h tối mình đều để đèn ngủ chỉ đủ mẹ nhìn pha sữa và canh chừng con. Đóng cửa và hạn chế tất cả các hoạt động khác, không chơi cùng con. Tuyệt đối không tạo tiếng ồn, không dỗ... Có thể tạo âm thanh "xuỳ xuỳ" giống xi tè bên tai để trấn an con.
Ban đầu để tạo thói quen ngủ vào 1 giờ nhất định buổi tối, những ngày đầu mẹ nên dùng mọi cách: ru, ti giả, đung đưa... để con ngủ đúng giờ, hình thành thói quen ngủ và nhịp sinh học. Đừng lo vì em bé sơ sinh chưa bị làm hư bởi những thứ đó.
10 ngày sau đó: Giúp con ngủ liền mạch giấc đêm
- Gọi dậy để đêm buồn ngủ: Giấc ngủ cuối trước giờ đi ngủ đêm (giấc chiều muộn), mẹ nên cho bé ngủ 30-40 phút là đủ.
Ví dụ: Bữa chiều của bạn Ting Ting là 17h, ăn xong 45p đến 1 tiếng sẽ đi ngủ (lịch trình bé 3 tháng, bé sơ sinh chỉ 15-20p cần đi ngủ luôn). Như vậy giấc ngủ ngày cuối cùng của bé vào khoảng 18h. Sau 3 tiếng tức 20h tối bé sẽ ăn bữa đêm cuối cùng.
Như vậy mẹ sẽ cho ngủ 30 phút đến 18:30 là gọi dậy, tắm táp hoặc chơi cùng bé để bạn tỉnh táo và thức đến bữa ăn cuối (20h). Sau khi ăn xong bữa cuối thì con cũng đã rất buồn ngủ vì thức dài, nên bé sẽ dễ dàng đi ngủ đêm luôn mà không thức để chơi quá lâu nữa.
Rèn con ban ngày
Ban ngày đánh thức con lúc 7h sáng (kể cả con thức cả đêm và vừa mới ngủ): vệ sinh cá nhân cho con, bật nhạc Tiếng Anh vui vẻ, cho con tập vận động... báo hiệu đêm đã kết thúc. Việc đánh thức vào 1 giờ nhất định rất quan trọng, giúp con biết một ngày mới đã bắt đầu. Mẹ đừng để con thoải mái ngủ, như vậy chỉ khiến bé quen với việc ngủ ngày. Ngủ ngày quá dài thì đêm sẽ thức.
Sau mỗi cữ ăn vỗ ợ, cho con vận động, chơi cùng con một lúc tuỳ vào thời gian thức theo độ tuổi giúp bé biết ban ngày ăn xong mình sẽ được chơi, khác với ban đêm.
Ban ngày khi con ngủ mẹ không cần giữ im lặng tuyệt đối như ban đêm, vẫn làm mọi việc bình thường nhưng âm thanh nhỏ vừa phải, chỉ tránh tiếng động lớn và đột ngột. Điều này giúp bé quen với những âm thanh của ban ngày, còn ban đêm sẽ hoàn toàn tĩnh mịch.
Để bé hợp tác hơn với việc ngủ, đồng thời ăn uống tốt hơn. Mẹ nên tìm hiểu và thực hiện cho bé một nếp sinh hoạt đều đặn như Easy 3.
Tóm tắt phương pháp Easy 3 là cho bé ăn - vận động - ngủ theo quy trình lặp đi lặp lại, lâu dần bé sẽ thành thói quen cứ khi nào là đói, tầm nào là buồn ngủ. Nhờ sự ghi chép lại giờ giấc mẹ sẽ nắm được lịch trình của bé để đáp ứng phù hợp.