6 lời nói dối “kinh điển” của mẹ

Ngày 01/09/2013 07:46 AM (GMT+7)

Cùng kiểm tra xem mẹ có từng nói dối con những lời cho là “vô hại” này bao giờ chưa nhé.

Nói dối – hành vi cấm kỵ mà cha mẹ nào cũng khuyên răn con cái không được phép mắc phải ngay từ thuở mới lọt lòng. Thế nhưng mẹ có chắc là  mẹ không nói dối con? Tôi đoán là có tới 99% các bậc cha mẹ bắt đầu nói dối con từ khi trẻ biết nhận thức. Cùng điểm mặt những câu nói dối dễ thương mà cha mẹ thường xuyên sử dụng trong giai đoạn trẻ còn “dễ bị bắt nạt”:

“Hết kẹo rồi con nhé”

Lâu lâu mới có dịp gặp cô cháu gái hai tuổi, bắt đúng sở thích của cháu là ăn kẹo dẻo, tôi mua cho con bé hẳn một túi kẹo dẻo hình con thú to đùng. Nó đã vô cùng sung sướng khi nhận quà của tôi và lăng xăng khoe hết lượt ông bà, hai bác và còn thì thầm với tôi khiến tôi phì cười: “Cháu yêu dì nhất! Mẹ Hạnh chưa bao giờ cho Na nhiều kẹo thế này cả.” Thế nhưng sau khi ăn đến chiếc kẹo thứ ba, chị gái tôi đã dỗ con: “Đưa mẹ cất kẹo vào tủ cho không thì bạn Mít sang xin hết của Na đấy”. Na ngoan ngoãn nghe lời và cầm thêm một chiếc kẹo nữa rồi thôi. Khoảng nửa tiếng sau, chợt nhớ ra, Na lon ton ra hỏi kẹo mẹ thì nhận được câu trả lời: “Ôi, hết kẹo rồi mà con. Con với bạn Gấu đã ăn hết kẹo rồi thôi”. Tôi quay sang nhìn chị gái thì chị nháy mắt ra hiệu tỏ ý: sắp đến giờ ăn cơm rồi, cho cháu ăn thế thôi!

“Mất rồi”

Vài ngày trước, nhân một dịp đi chơi bằng xe khách, chứng kiến cảnh một chị dỗ con mà tôi cũng thấy “tài”. Đứa bé khoảng hơn hai tuổi cứ dán mắt vài cái iphone, mẹ nói thế nào cũng nhất định không chịu trả máy cho mẹ. Sau khi có chuông điện thoại, cu cậu nhanh nhảu đưa máy cho mẹ rồi trèo lên ghế, ngó ra cửa sổ ngắm đường xá. Nhân lúc con không để ý, nghe điện thoại xong mẹ nhanh chóng bỏ vào túi xách. Vài phút sau, cu cậu cũng nhớ ngay ra món đồ chơi yêu thích, quay sang với tay mẹ đòi điện thoại nhưng gương mặt mẹ chợt nhăn nhó: “Mất rồi, điện thoại biến đâu mất rồi con ạ”.

“Để lần sau!”

 Đây cũng là một chiến thuật mà nhiều cha mẹ áp dụng trước những đòi hỏi của con trẻ. Ví dụ như: “Hôm nay mẹ hết tiền rồi, bim bim thì để mai mẹ mua cho nhé” hay “Lần sau mẹ sẽ cho chơi lâu, hôm nay muộn lắm rồi”. Những câu hứa suông có vẻ rất có tác dụng trọng những trường hợp cha mẹ muốn trì hoãn một yêu cầu, nhưng chỉ là khi trẻ còn nhỏ, từ khoảng 4 hoặc 5 tuổi trở lên thì hãy chắc chắn thực hiện lời hứa đối với trẻ. Đừng để con mất niềm tin vào bố mẹ.

6 lời nói dối “kinh điển” của mẹ - 1
Liên tục nói "để lần sau" mà không thực hiện, mẹ đang làm mất lòng tin nơi con (ảnh minh họa)

“Mẹ gọi chú cảnh sát nhé”/ “Ông Ba Bị kìa”

Rất nhiều bậc cha mẹ đã mượn uy của một nhân vật thứ ba để “dọa con trẻ” mỗi khi trẻ không nghe lời. Chị gái tôi là một ví dụ điển hình. Dù đã rất nhiều lần tôi khuyên chị không nên tạo nỗi sợ hãi cho trẻ nhưng chỉ chỉ biết than thở: “Cún nhà chị bướng lắm, mẹ nói không chịu nghe. Thế là đi đâu không bảo được con, chị đều nhờ ai trông dữ tướng đe cho con một câu thì Cún mới không nghịch nữa. Ở nhà thì phải dọa mẹ gọi chú cảnh sát mới ngoan ngoãn ngồi ăn cơm. Không muốn dọa con đâu nhưng chẳng biết làm thế nào”.

“Mẹ sinh con ra từ nách”

Chắc hẳn câu hỏi ngây ngô của trẻ rằng: “Mẹ sinh con ra như thế nào?” khiến nhiều bậc phụ huynh phải bối rối. Có người chọn cách đánh trống lảng, lơ đi không trả lời câu hỏi của con, có người thì vẽ ra một câu chuyện về thế giới toàn trẻ thơ và bỗng một ngày em bé tự nhiên xuất hiện, có người thì trả lời: “Mẹ sinh con ra từ nách” hay “Con nằm trong bụng và chui ra từ rốn mẹ”.

“Nó hỏng mất rồi con ạ”

Làm thế nào để trẻ ngừng xem tivi, ngừng ngồi trước màn hình máy tính, hay là tạm cất chiếc ô tô điều khiển từ xa để đi tắm,…? Một số bậc phụ huynh đã chọn cách rút nguồn điện hoặc ngắt pin và thông báo với bé yêu rằng: “Thôi, nó hỏng mất rồi con ạ”. Thế là vấn đề được giải quyết và với phương pháp này thì có vẻ có ít tranh cãi xảy ra.

Trong phạm vi bài viết này, tôi không bình luận về việc cha mẹ nói dối trẻ những câu như trên là đúng hay sai, mà chỉ nhận định rằng: những lời nói dối dễ thương có thể giúp trẻ nghe lời cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý, không được lạm dụng lời nói dối, và phải biết sử dụng chúng một cách có chừng mực, đúng thời điểm và lứa tuổi của trẻ, tránh để những lời nói tưởng như vô hại đó ảnh hưởng xấu đến tâm lý và tính cách của trẻ sau này.

Mai Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé