Ai bảo cứ mẹ Tây là dạy con hay?

Ngày 21/10/2013 05:04 AM (GMT+7)

Cực kỳ nhiều những sai lầm trầm trọng trong cách dạy con của mẹ Đức có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống con trẻ sau này.

Tôi có may mắn được sinh sống và học tập tại một thành phố Cộng hòa liên bang Đức trong một thời gian khá dài gần 8 năm và ở trọ tại một gia đình bản địa chính hiệu. Nhờ đó mà tôi đã được chứng kiến cách một người mẹ Đức nuôi dạy con trẻ, chăm sóc con và nhìn những em bé đó lớn dần lên theo thời gian. Chưa kể tiếp xúc với cuộc sống của người Đức, con người Đức cùng rất nhiều bạn bè học cùng, tôi đã thấy và cảm nhận được dần những bất cập trong vấn đề nuôi dạy trẻ ở đây. Nếu không tính đến các điều kiện sinh hoạt của một cuộc sống văn minh như môi trường học tập, làm việc, không khí trong lành, sạch sẽ, y tế và văn hóa, đất nước này có sự phát triển vượt bậc so với nước Việt nhỏ bé của chúng ta, nhưng chưa chắc cách chăm con và dạy con của họ đáng để chúng ta học tập đâu các mẹ nhé. Vô cùng nhiều những bất cập và những sai lầm nghiêm trọng để mẹ Việt rút kinh nghiệm đó.

Chăm con đến mức béo phì

Tỷ lệ trẻ em béo phì ở Đức đang đạt mức độ cảnh báo nghiêm trọng. Theo thông báo mới nhất của tổ chức nghiên cứu và phát triển, chăm sóc trẻ em Đức vào tháng 7 năm 2013 vừa qua thì số lượng trẻ béo phì trong độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi chiếm gần 30% số lượng tổng trẻ em giai đoạn này. Nước Đức đang phải đối mặt với nguy cơ có nhiều người béo phì nhất thế giới. Nguyên nhân không đâu khác đó chính là sở thích ăn nhanh, đồ nghiền nát béo ngậy và món ăn truyền thống không bao giờ thiếu trong tất cả các bữa của người Đức: bánh mỳ và khoai tây. Chính bởi thói quen này nên các mẹ Đức khi chăm con cũng thường xuyên lặp lại các cách chế biến béo ngậy, nhiều khoai tây, nhiều váng sữa và bơ, đường, phần nào ảnh hưởng rất lớn đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Điển hình nhất chính là gia đình mà tôi ở trọ cùng, họ có một cô con gái lớn tên Anike, năm 2010 bé được 5 tuổi và đạt mức cân gần 26kg, một trọng lượng đáng báo động vô cùng. Vậy nhưng bữa tối của bé mà tôi thường thấy đều xoay quanh các món ăn nhanh, súp béo, khoai tây nghiền và bánh mỳ pho mát điển hình.

Ai bảo cứ mẹ Tây là dạy con hay? - 1
Trẻ con Đức rất lười ăn rau (ảnh minh họa)

Nguyên tắc một cách áp đặt

Một tính cách đặc trưng của người Đức chính là tuân thủ nguyên tắc một cách bảo thủ và cứng nhắc. Mẹ Đức dạy con cũng vậy. Cha mẹ trong gia đình mà tôi ở trọ thuê thật không may lại có đầy đủ những tính cách này. Năm bé gái lớn của họ đi học lớp 1, mẹ Anike tự lập một thời gian biểu hàng ngày cho con, trong đó ghi rõ giờ nào đi học, giờ nào ăn tối, giờ nào phải học bài về nhà và giờ đi ngủ. Việc mẹ quan tâm đến thời gian và giờ giấc của con là vô cùng cần thiết nhưng oái oăm ở chỗ mẹ Anike lại nguyên tắc khủng khiếp và áp đặt, bắt ép Anike phải thực hiện theo thời gian biểu ngày qua ngày, kể cả lúc bé ốm hay đi học ở trường về quá mệt mỏi. Bị áp đặt nhiều và thường xuyên, Anike sau này bắt đầu hình thành những phản kháng đầu tiên, chống đối lại mẹ và những cuộc quát mắng của mẹ dành cho con gái cũng dần nhiều hơn, cả mẹ và con cùng căng thẳng tột độ.

Để con tự lập một cách tự do

Người Đức có một luật bất thành văn, không, thậm chí là có một điều luật riêng trong bộ luật dân sự. Ý nghĩa nôm na của là “trẻ đủ 18 tuổi có toàn quyền tự do quyết định cuộc sống của mình”. Chính vì thế mà có rất nhiều bi kịch gia đình đã sớm xảy ra. Những gia đình nghèo mà chỉ một người lao động không đủ nuôi cả gia đình sẽ được nhận trợ cấp xã hội để đảm bảo sinh hoạt sớm. Cả những trẻ em đủ 18 tuổi cũng vậy. Nếu các em muốn ở riêng hay tự thu xếp cuộc sống của mình phần lớn đều sẽ nhận được sự ủng hộ của bố mẹ bởi các em luôn có sự trợ cấp, bảo trợ của xã hội, của chính phủ để các em có thể đảm bảo sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên một khi đã dọn ra ở riêng cũng có nghĩa các em sẽ phải tự lo đến toàn bộ các vấn đề khó khăn mình phải đối mặt mà không có sự trợ giúp của gia đình. Vì thế mà tỷ lệ mang thai tuổi vị thành niên, nghiện ma túy, say rượu hay đập phá chốn công cộng không hiếm để nhìn thấy ở nơi này. Chưa kể cuộc sống độc lập quá sớm cũng khiến tình cảm gia đình ngày càng xa cách hơn, không có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau giữa các thành viên trong nhà. Không hiếm để bắt gặp những cảnh người già một mình đẩy xe đi chợ, tay chân run rẩy không ai giúp và nếu hỏi sẽ thấy họ được nuôi trong nhà dưỡng lão đầy cô quạnh. Người Đức độc lập quá sớm trở nên lạnh lùng hơn và vô tâm hơn với chính những người thân của mình.

Dù trẻ em nước ta không được giàu có vật chất như các bé ở Đức nhưng tình yêu mà các em nhận được từ mẹ, từ gia đình và người thân chắc chắn sẽ giàu có hơn bên đó rất nhiều. Vì thế mà các mẹ hãy yên tâm chăm con và dạy con theo bản năng, theo những cách truyền thống mà chính những người đi trước đã truyền lại. Chắc chắn các bé yêu sẽ trở thành những em bé khỏe mạnh và giàu tình cảm các mẹ nhé.

Hương Quỳnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ tây dạy con