Đúng là con của mẹ, nhiều ông bố đọc xong bài văn mà “toát cả mồ hôi”.
Nói về tính chân thật, không ai qua những đứa trẻ, đặc biệt là khi bé đang trong quá trình hoàn thiện nhận thức. Ở độ tuổi tò mò, thích khám phá, trẻ sẽ luôn để mắt và quan sát mọi thứ xung quanh. Bố mẹ cứ nghĩ con còn nhỏ nên làm gì cũng không cân nhắc kỹ, nhưng nào có ngờ mọi nhất cử nhất động của mình đều bị “chiếc camera chạy bằng cơm” này dòm ngó 24/24. Nếu làm đúng thì không nói, nhưng làm sai thì chắc chắn bố mẹ sẽ dễ bị con “bóc phốt” ngay.
Thậm chí, trẻ còn đưa hẳn bố mẹ vào làm nhân vật chính trong các bài tập làm văn của mình. Đơn cử như bài văn kể về bố của một học sinh tiểu học khiến ai đọc cũng cười bể bụng, hội mẹ bỉm thì xuýt xoa khen ngợi vì nói lên được nỗi lòng của bản thân, còn những ông bố thì “toát cả mồ hôi” vì bị con “bóc phốt” không trật chút nào.
Cụ thể khi được cô giáo giao đề tài viết về bố, học sinh này đã thẳng thắn chia sẻ những suy nghĩ, cái nhìn bản thân về người bố thân yêu của mình sau khi dành sự quan sát kỹ lưỡng bố trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày ở nhà.
Bài văn "bốc phốt" bố khiến nhiều bà mẹ thích thú.
Tưởng sẽ sướt mướt, cảm động như văn mẫu, nhưng nào có ngờ nó lại “cảm lạnh” và lầy lội đến mức không ai có thể nhịn được cười. Theo đó, nội dung của bài văn như sau: "Bố em đi làm và ở nhà là 2 phong cách khác biệt nhau. Đi làm bố vuốt keo, chải tóc, sơ mi đóng thùng như thanh niên trai tráng chưa lấy vợ. Ấy vậy mà về nhà bố ở bẩn như lợn. Về đến nhà là áo quần, giày dép vứt mỗi cái một nơi. Giá như bố mà gọn gàng, sạch sẽ hơn một chút thì em sẽ yêu bố hơn".
Đọc được bài văn này hẳn ông bố sẽ xấu hổ lắm, như thế thì mất hình tượng quá rồi. Nhưng phải dành lời khen vì con đã tả bố ở góc nhìn chân thật nhất của bản thân, “có gì nói nấy” chứ không chút bịa đặt, trái sự thật để “lấy lòng” và làm cho bố vui. Nhờ vậy mà bố mới hiểu rõ hình tượng của mình trong mắt con, từ đó có những sự điều chỉnh để trở nên hoàn mỹ hơn.
Ai cũng bảo các bà vợ hay nói xấu chồng lắm, nào ngờ trong nhà còn có người theo phe mẹ, “soi” không kém. Bài văn trên quả thực đã nói hộ nỗi lòng của biết bao bà mẹ. Tuy có phần bá đạo, nhưng qua đó ai cũng có thể cảm nhận được rõ sự quan tâm và tình cảm của em học sinh này dành cho bố mình.
Trẻ học văn, nhất là văn tả, ngoài tính chính xác cũng cần rèn luyện khả năng tư duy thông minh và trí tưởng tượng phong phú mới tạo nên một bài văn hay. Chính vì thế, để góp phần giúp con học tốt môn văn, bố mẹ cần giúp con phát huy khả năng tư duy và trí tưởng tượng phong phú thông qua:
Đọc sách và kể chuyện cho con nghe
Đọc sách và kể chuyện là cách tuyệt vời để khơi gợi trí tưởng tượng và phát triển khả năng ngôn ngữ cho con. Bố mẹ có thể chọn các tác phẩm phù hợp với độ tuổi và sở thích của con, cùng thảo luận về nội dung và khuyến khích con đưa ra ý kiến của mình.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể để con tự chọn một số câu chuyện để đọc hoặc kể lại, như vậy thì có thể giúp con rèn luyện khả năng ghi nhớ, sự tự tin và tư duy sáng tạo.
Cung cấp đồ chơi và dụng cụ sáng tạo
Cung cấp đồ chơi và dụng cụ sáng tạo là một trong những cách tuyệt vời nhất, để giúp con phát triển khả năng sáng tạo và tư duy logic. Bố mẹ có thể cung cấp cho con các loại đồ chơi và dụng cụ sáng tạo như lego, mô hình giấy, bút chì, màu vẽ, xếp hình, mô hình khoa học...
Khi con được cung cấp đồ chơi và dụng cụ sáng tạo, con sẽ được khuyến khích để khám phá sơ đồ, tự tạo ra các mô hình, bức tranh hay giải các câu đố, từ đó giúp con rèn luyện khả năng tư duy, khả năng giải quyết vấn đề và đồng thời kích thích trí não phát triển.
Khuyến khích con tham gia hoạt động nghệ thuật, thể thao và các hoạt động xã hội
Tham gia hoạt động nghệ thuật và thể thao không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng về nghệ thuật và thể chất, mà còn giúp khơi gợi sự sáng tạo và khả năng tư duy vượt trội của trẻ.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội như tình nguyện, giúp đỡ người khác, tham gia các câu lạc bộ và nhóm học tập... cũng là phương pháp hiệu quả để trẻ có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp, trau dồi kiến thức và khơi gợi sự sáng tạo của mình.
Không giới hạn con trong tưởng tượng
Bố mẹ cần đồng hành và không giới hạn trẻ trong tưởng tượng, tạo điều kiện, môi trường và cho phép con tự thực hiện ý tưởng, cũng như suy nghĩ của mình một cách tự nhiên và thoải mái nhất.
Khi trẻ được khuyến khích tưởng tượng, trẻ có thể tìm thấy chính xác và khám phá thế giới xung quanh bằng con đường sáng tạo hơn.