Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Bùi Nhài, khi trẻ bị bạo lực học đường rất dễ có những ám ảnh về thể chất và tinh thần.
Mới đây (5/2), một trang mạng xã hội đã đăng tải đoạn video dài gần 2 phút ghi lại cảnh hai cô giáo mầm non bạo hành trẻ nhỏ. Theo clip, một cô giáo mặc áo logo trường Mần non Sen Vàng (Hoàng Mai- Hà Nội) cầm dép đập thẳng vào đầu và mặt bé trai khiến cháu kêu khóc. Sau đó, một cô mặc đồ thể thao, hai tay đút túi quần đã dùng gối thúc nhẹ vào bụng một bé khác đang khóc kèm lời quát tháo. Hành động của 2 cô giáo đã khiến nhiều người phẫn nộ.
Liên hệ với chuyên gia tư vấn tâm lý Bùi Nhài (Trung tâm tư vấn tâm lý Thành Đạt), chị cho biết, khi xem đoạn clip trên, chị thấy rất bức xúc trước hành vi của 2 cô giáo mầm non khi cầm dép đánh liên tiếp vào đầu và dùng gối thúc nhẹ vào bụng học sinh.
Chị Bùi Nhài cho biết thêm, dưới góc độ tâm lý học, hành động bạo lực học đường dễ để lại cho trẻ những ám ảnh về thể chất và tinh thần kéo dài.
Trước tiên, việc trẻ bị bạo hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên cơ thể trẻ khiến thể chất của trẻ bị tổn thương, nguy hại. Tiếp đó, hành động ấy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, hành vi và cách ứng xử của trẻ trong tương lai. Điển hình, khi bị bạo hành, trẻ sẽ thay đổi tính cách, đang hiền lành bỗng trở nên hung dữ, lì lợm. Thậm chí, có trẻ mang tính cách nhút nhát, không muốn tiếp xúc với người khác. Ngoài ra, có những đứa trẻ bị ảnh hưởng tâm lý đến mức ảo giác, bị khủng hoảng tâm thần và gây ra tự kỉ. Những tổn thương này có thể hồi phục, cũng có thể sẽ đi theo các em mãi mãi nếu như gia đình không có biện pháp điều trị.
“Trẻ bị bạo lực học đường rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ để vượt qua sự sợ hãi và nỗi ám ảnh. Do vậy, cha mẹ cần giải thích, động viên và cử xử nhẹ nhàng để trẻ cảm nhận được sự yêu thương. Từ đó, những bất an, sợ hãi, lo lắng trong trẻ có thể giảm đi. Bên cạnh đó, phụ huynh cần đưa trẻ đi thăm khám để đánh giá mức tổn thương của trẻ hoặc nhờ chuyên gia tâm lý ổn định tâm lý cho trẻ, tránh những sang chấn tâm lý nghiêm trọng. Đặc biệt, cha mẹ nên chuyển lớp, chuyển trường học cho trẻ”, chuyên gia tư vấn tâm lý Bùi Nhài nói.
Dưới góc độ tâm lý học, hành động bạo lực học đường dễ để lại cho trẻ những ám ảnh về thể chất và tinh thần
Trao đổi với Luật sư Trần Thu Nam – Trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội, vị luật sư cho biết, hành vi của 2 cô giáo mầm non bạo hành trẻ em là hành vi hành hạ trẻ em. Hành vi này bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 6, Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004;
Ngoài ra, hành vi này còn vi phạm quyền trẻ em được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.
Những người có hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, tùy theo mức độ và tính chất nghiêm trọng của hành vi, họ có thể bị xử lý hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo điểm a, khoản 2 điều 27 Nghị định 144/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người có hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Trường hợp hành vi xâm phạm quyền trẻ em gây ra hậu quả nghiêm trọng, tuỳ từng mức độ, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe đối với trẻ em (Điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009); hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác theo Điểm a Khoản 2 Điều 110 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009.
Luật sư Trần Thu Nam nhấn mạnh: "Đối với hành vi của hai cô giáo trong video trên, nếu đứa trẻ được đưa đi giám định mà không có tỉ lệ thương tật (tỉ lệ thương tật bằng 0%) thì hành vi bạo hành đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a, khoản 2 điều 27 Nghị định 144/2013 là phù hợp".