Vụ cô giáo mầm non tát xối xả học sinh 3 tuổi tại Thanh Trì (Hà Nội) khiến nhiều người phẫn nộ chỉ là một trong vô số vụ trẻ mầm non bị bạo hành, cảnh báo cha mẹ cần lưu ý tới những dấu hiệu dưới đây.
Vấn nạn bạo hành trẻ em tại các trường mầm non, mẫu giáo dường như vẫn chưa bao giờ hết nóng khi mới đây, lại có một vụ cô giáo mầm non tát xối xả học sinh 3 tuổi tại Thanh Trì (Hà Nội) khiến nhiều người phẫn nộ. Theo đó, cô giáo này còn dùng nhiều hành động đầy vũ lực khác như cấu tai, véo đùi, ép cháu bé ăn cho bằng hết bát cháo.
Những hình ảnh về vụ cô giáo mầm non tát xối xả học sinh 3 tuổi tại Thanh Trì (Hà Nội) khiến bất cứ bậc cha mẹ nào cũng phải xót xa, phẫn nộ .
Vốn dĩ đây không phải là lần đầu tiên có vụ việc trẻ mầm non bị bạo hành. Liên tiếp trong những năm gần đây, tình trạng trẻ bị bạo hành tại các cơ sở mầm non xảy ra thường xuyên khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.
Con trẻ còn quá non yếu và ngây thơ để có thể tự bảo vệ mình. Trước khi chờ đợi pháp luật và cơ quan có thẩm quyền ra tay ngăn chặn những hành động đáng lên án này, cha mẹ hãy là những bậc phụ huynh thông thái và tinh ý, kịp thời phát hiện ra dấu hiệu bất thường cảnh báo con bị bạo hành để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Dưới đây là 6 dấu hiệu trẻ có thể đã bị bạo hành ở trường bố mẹ cần lưu ý:
Quyến luyến hay sợ hãi khi phải đến trường
Phản ứng một cách dữ dội mỗi khi phải đến trường là một trong những dấu hiệu cảnh báo có điều gì đó khiến việc đến trường của bé đang là cơn ác mộng. Bé thường xuyên mếu máo “Con không muốn đến trường”, khóc lóc và không chịu vào lớp. Đặc biệt, nỗi sợ của bé dâng cao và bé khóc to hơn khi nhìn thấy cô giáo. Khi được bố mẹ đến đón, trẻ thường bám chặt lấy bố mẹ và khóc đòi về nhà ngay lập tức.
Phản ứng một cách dữ dội mỗi khi phải đến trường là một trong những dấu hiệu cảnh báo có điều gì đó khiến việc đến trường của bé đang là cơn ác mộng. (Ảnh minh họa)
Giấc ngủ của trẻ
Bé khi ngủ thường giật mình và khóc ngay sau đó, giấc ngủ không được ngon và sâu, có thể là dấu hiệu trẻ bị bạo hành, làm tổn thương ở trường học hoặc môi trường bên ngoài.
Thói quen ăn uống
Bé có biểu hiện lười ăn, nhìn thấy thức ăn là sợ hoặc không chịu ăn, có thể còn nôn ọe mặc dù trước đó không có biểu hiện này.
Những vết lạ trên cơ thể
Bé có những vết bầm, vết xước, vết thương trên người.
Tâm trạng, cảm xúc thay đổi đột ngột
Cảm xúc của những em bé từng bị bạo hành thường rất dễ bị bùng nổ. Bé có thể đột nhiên bám dính lấy cha mẹ hoặc lảng tránh những biểu hiện yêu thương của cha mẹ. Tâm trạng tức giận hoặc chán nản diễn ra thường xuyên. Trẻ trở nên khép nép và thụ động hơn hoặc hay cáu gắt, bướng bỉnh hơn (mặc dù trước đó không hề có tình trạng này).
Ngôn ngữ cơ thể
Bé có biểu hiện hồi hộp, hay toát mồ hôi, thở nhanh, nghiến răng, cắn móng tay khi về nhà.