Yêu lao động, không để lại hết tài sản cho con, dành nhiều thời gian cho con... là những gì mà các tỷ phú dưới đây chia sẻ trong quá trình nuôi dạy con.
Yu Pang-lin: “Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này”
Yu là Chủ tịch hãng bất động sản Foo Tak và khách sạn Shenzhen Panglin. Khi còn sống, ông không chỉ nổi tiếng bởi khối tài sản khổng lồ mà còn bởi cách nuôi dạy con cái rất đáng được học tập từ ông.
Khi tuyên bố chuyển toàn bộ khối tài sản 9,3 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2 tỷ USD) vào ngân hàng để làm từ thiện sau khi qua đời tại một buổi tiệc năm 2010 Yu Pang-lin đã nói rằng: "Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng mà thôi".
Ông từng đứng đầu danh sách các nhà từ thiện của tạp chí Hurun suốt 5 năm liên tiếp. Nhiều năm qua, ông đã quyên góp tổng cộng 25 triệu Nhân dân tệ nhằm cải thiện sức khỏe cho người dân địa phương.
Ông cho biết những đóng góp cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe của mình xuất phát từ ký ức thời ấu thơ, khi ông chứng kiến các bệnh nhân qua đời vì xe cứu thương không đến kịp. "Khi ấy tôi quyết tâm một ngày nào đó sẽ mua xe cứu thương cho họ", ông nói. Ông cũng từng chia sẻ làm từ thiện chính là bí quyết giúp ông sống thọ.
Tỷ phú bia Jim Koc: Khuyến khích con làm việc chăm chỉ và tận hưởng nó
Năm 1984, khi sự nghiệp tại Tập đoàn Tư vấn Boston đang thành công, Jim Koch quyết định nghỉ việc để thành lập hãng bia Boston. Tại thời điểm đó, hãng bia nội địa Budweiser và bia nhập khẩu Heineken đang “làm mưa làm gió” trên thị trường Mỹ, vì vậy quyết định của ông bị xem là “điên rồ”. Ngay đến cha của Koch cũng nói rằng "đó là ý tưởng ngu ngốc nhất" mà ông từng nghe.
Thế nhưng, bỏ lại sau lưng những lời chê bai, Koch đã sử dụng công thức của gia đình để xây dựng thành công đế chế bia thủ công trị giá 2 tỷ USD. Theo ông, trong một số trường hợp, sự mách bảo của trực giác có thể đem lại kết quả tốt hơn lời khuyên từ những người thân.
Từ kinh nghiệm của mình, Koch tin rằng 2 điều quan trọng nhất có thể dạy cho con cái chính là những giá trị mà ông học được từ cha mẹ khi còn nhỏ.
“Những điều tôi học được từ cha mẹ thật sự rất giá trị - đó là tình yêu đối với giáo dục, học tập và đạo đức nghề nghiệp. Nếu bạn có thể giúp đứa trẻ hiểu được 2 điều đó, bạn đã cho chúng một món quà vô giá.”, Koch chia sẻ với CNBC.
Sau 2 cuộc hôn nhân, vị doanh nhân 69 tuổi này hiện có 4 người con. Hai người con lớn sinh ra khi Koch chưa giàu có, thậm chí trong những ngày đầu khởi nghiệp với Boston Beer, ông còn lỗ mất 2 triệu USD.
“Hai con lớn của tôi khi đó ở tuổi thiếu niên. Phòng ngủ của chúng không để vừa 2 chiếc giường. Nó chỉ đủ cho 1 chiếc giường tầng và 1 tủ quần áo”, vị tỷ phú nhớ lại.
Hai đứa trẻ còn lại ra đời khi sự nghiệp kinh doanh của Kock rất phát triển. Trên thực tế, chính cô con gái út lại là người đầu tiên thông báo cho Koch biết ông đã trở thành tỷ phú.
“Con gái út của tôi làm việc múc kem với mức lương 7 USD/giờ. Một cô gái hỏi con bé “Ôi trời ơi, mình đọc trên báo thấy bố bạn là một tỷ phú. Tại sao bạn phải làm việc này?”. Con bé nhìn vào cô gái kia và trả lời “Vì mình cần tiền”, ông kể.
“Tôi rất tự hào về con gái”, Koch nói và nhấn mạnh cách tốt nhất để dạy về đạo đức nghề nghiệp là làm gương cho con cái. “Chúng thấy tôi làm việc chăm chỉ và tận hưởng nó. Vì vậy, chúng học được rằng lao động là điều tuyệt vời và không có gì đáng bị xem là tiêu cực. Bạn có thể cảm thấy rất hài lòng khi làm việc chăm chỉ”.
Chuck Feeney: Bắt con lăn lộn từ nhỏ để biết quý trọng giá trị của đồng tiền
Chuck Feeney là một doanh nhân người Mỹ gốc Ireland rất thành công. Điều thú vị là hiện nay giá trị tài sản ròng của ông chỉ khoảng 2 triệu USD, nhưng số tiền mà ông đã cho đi trong suốt 30 năm qua lên tới 7,5 tỷ USD.
Các con ông cũng phải tự lăn lộn kiếm sống từ khi còn nhỏ cho đến tuổi trưởng thành. Feeney cho biết, đây chính là cách để ông giáo dục các con biết quý trọng giá trị của đồng tiền. Ông yêu cầu con trai đi làm hầu bàn, con gái làm bồi phòng khách sạn hoặc thu ngân trong các kỳ nghỉ hè và phải tuân thủ các quy tắc chi tiêu nghiêm ngặt.
Feeney thường nói, ông quý trọng tiền bạc nhưng rất ghét phung phí nó. Điều này cũng được ông cố gắng truyền lại cho 5 người con ngay từ khi còn bé. Mặc dù có tiền, ông vẫn làm việc hết mình và không muốn con cái trở thành “những đứa con nhà giàu hư hỏng”.Ông muốn con cái phải biết “keo kiệt” với chính bản thân mình, không được sống phung phí và trở thành những đứa trẻ nhà giàu biết tự lập.
“Cha đã giúp chúng tôi sống như những người bình thường khác”, Leslie Feeney Baily (con gái đầu lòng) của ông cho biết.
Mark Cuban: Dành nhiều thời gian tốt nhất ở bên con
Mark Cuban là chủ hãng phim Magnolia, chủ tịch công ty cáp viễn thông HDNet, một điển hình tỷ phú Mỹ.
Gia đình của Cuban
"Các con tôi vẫn nhỏ, cháu lớn nhất mới hơn 10 tuổi. Chúng tôi đang làm hết khả năng để chúng có ý thức và thái độ đúng mực. Nhưng đúng là tôi luôn có nỗi sợ rằng chúng sẽ lớn lên với cảm giác mình là người được phục vụ, được ưu tiên", Cuban nói trên tờ Forbes.
Cuban và vợ ông cố gắng tránh điều này bằng cách dành cho con cái tuổi thơ như những đứa trẻ bình thường nhất có thể. Lời khuyên tốt nhất của ông là: "Dành nhiều thời gian nhất có thể ở bên con. Chúng tôi không cần người giúp việc vào cuối tuần vì chúng tôi có thể tự làm mọi thứ bằng khả năng của mình như bất cứ gia đình nào khác". Vào những ngày cuối tuần, vợ chồng tỷ phú thường tổ chức những buổi dã ngoại, cùng con cái nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm.
Mark Cuban là ông bố rất tình cảm. Ông luôn ôm hôn con và cho rằng đó là hành động thể hiện sự gần gũi, yêu thương, giúp con luôn gắn bó và cởi mở với cha mẹ. Ông ít khi quát mắng, đánh đập hay nặng lời với các con nhưng luôn đảm bảo mọi hành động của trẻ ở trong tầm kiểm soát.