Ca phẫu thuật thành công nhưng lại lấy mất đi của cậu bé 4 tuổi 18 chiếc răng trên tổng số 20 chiếc.
Nong Kaa được làm phẫu thuật nha khoa ở Phuket, Thái Lan vào hôm thứ 3 vừa qua, ngày 9/4 sau khi bị đau răng dữ dội.
Nong Kaa mới trải qua ca phẫu thuật nhổ 18 chiếc răng.
Tình trạng răng của bé lúc đó rất kinh khủng, bé phải chịu 14 mũi tiêm gây mê và nhổ 18 cái răng trong cuộc phẫu thuật kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Trong miệng Nong Kaa hiện tại chỉ còn 2 chiếc răng, những phần nướu đã nhổ răng thì được khâu lại bằng chỉ để cầm máu.
Chị Supatra Tumkin (mẹ của Nong Kaa) cho biết, nguyên nhân dẫn đến trường hợp này là do con trai hay bú sữa đậu nành mỗi đêm nhưng lại không chịu đánh răng sau đó.
"Tôi rất thiếu kinh nghiệm trong việc bảo vệ răng của con. Bé từng bị bệnh cúm dạ dày khi 1 tuổi và bác sĩ bảo nên cho con uống sữa đậu nành. Vì thế tôi thường xuyên cho con uống sữa đậu nành bằng bình sữa. Sau khi thay đổi loại sữa, tôi thấy răng của con có nhiều vết ố vàng nên cố gắng làm sạch nó nhưng con đã không chịu cho mẹ làm sạch".
Các bác sĩ đã phải khâu nướu lại sau khi nhổ răng
Bà mẹ Supatra Tumkin cũng cho biết thêm, cô cũng thôi việc làm sạch răng cho con trai vì mỗi lần đánh răng đều thấy chảy máu. Cô cũng nghĩ sâu răng là vô hại vì răng sữa cuối cùng cũng sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn.
"Tôi nghĩ rằng nó sẽ ổn vì dù sau răng vĩnh viễn cũng mọc nhưng tôi nhận ra đây là sai lầm cho đến thời điểm hiện tại".
Nha sĩ Sathian Suravisankul cảnh báo các bậc cha mẹ phải chăm sóc răng miệng cho bé đúng cách vì thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng nướu và tổn thương vĩnh viễn.
Anh nói: "Lý do tại sao tôi quyết định nhổ 18 chiếc răng của cậu bé là vì cậu ấy bị đau răng liên tục. Không có cách nào khác để chữa trị cơn đau ngoại trừ loại bỏ tất cả các răng sâu".
Sathian nói thêm: "Tôi muốn khuyên tất cả các bậc cha mẹ hãy chăm sóc răng sữa của bé thật cẩn thận vì chúng cũng quan trọng như răng vĩnh viễn của chúng ta. Không chỉ để nhai, chúng còn giúp phát triển thể chất, cảm xúc và IQ của trẻ".
18 chiếc răng sâu của Nong Kaa
Không có bằng chứng nào cho thấy uống sữa đậu nành có hại cho răng nhưng một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2012 cho thấy các đồ uống từ đậu nành thường có tính axit hơn sữa thông thường. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do bé Nong Kaa đã không được vệ sinh răng thật kĩ sau khi dùng sữa. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên chú ý vệ sinh răng miệng cho bé thật kĩ càng sau khi ăn.
Cách vệ sinh răng cho bé
- Đối với trẻ từ 18 tháng đến 6 tuổi, mẹ nên cho trẻ dùng loại kem đánh răng có hàm lượng fluoride thấp.
- Khi mới dạy trẻ cách đánh răng, mẹ nên đứng phía sau trẻ hoặc để trẻ ngồi lên đùi mình, tay mẹ vòng ra đằng sau gáy của con, rồi đứng như thế cầm bàn chải đánh răng cho bé. Tốt nhất hãy cho trẻ học đánh răng trước gương để bé có thể thấy được cách hướng dẫn của mẹ.
- Mẹ có thể kiểm tra xem trẻ có răng sâu hoặc bị viêm nhiễm gì trong miệng hay không bằng cách bảo bé nói “A”. Khi trẻ nói “A”, mẹ hãy dùng tay đỡ cằm cho bé.
Mẹ hãy bảo vệ răng sữa của con như bảo vệ răng vĩnh viễn. Ảnh minh họa
- Mẹ cần dạy trẻ cách đánh răng đúng như sau: đặt lòng bàn chải hướng về phía đường viền nướu một góc 45 độ so với răng, chải mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai, đánh răng theo hướng lên xuống, vòng tròn một cách nhẹ nhàng.
Tuyệt đối không đánh răng theo chiều ngang, không chải răng quá mạnh gây trầy xước nướu, mòn răng và không lấy sạch hết mảng bám trên răng nữa đấy.
Mẹ nhất định phải dạy bé cách súc miệng, súc nước cho kêu sùng sục trong miệng trẻ và nhổ đi. Nếu trẻ nuốt quá nhiều kem đánh răng sẽ gây ra bệnh thừa chất florua, điều này khiến những đốm trắng xuất hiện trên răng của bé.