Với những triệu chứng ban đầu như ho và lạnh, chị Beth cứ nghĩ con mắc cảm lạnh thông thường nhưng thực ra bé đang mang trong mình bệnh viêm tiểu phế quản.
Rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc bệnh nặng, thậm chí là tử vong sau khi được các bác sĩ chẩn đoán nhầm bệnh hoặc kê đơn thuốc sai. Trường hợp của Myah bé gái 6 tuần tuổi dưới đây tiếp tục là một lời nhắc nhở dành cho các bậc phụ huynh.
Theo chị Beth (21 tuổi) sống tại Stourbridge, West Midlands (Anh) chia sẻ trên trang cá nhân, con gái Myah của chị bắt đầu bị ốm với các triệu chứng của bệnh cảm lạnh thông thường như ho, thở khó. Cách đây 1 tuần, khi cảm thấy bất an về sức khỏe của con, chị Beth có đưa đi thăm khám bác sĩ nhưng bé lại được kê... thuốc nhỏ mắt.
Khi thấy con có những biểu hiện của bệnh cảm lạnh, chị Beth đưa con đi khám nhưng lại được bác sĩ kê thuốc nhỏ mắt.
Tuy nhiên, hôm thứ 7 vừa qua, chị phát hiện ra con có những biểu hiện bất thường nặng hơn ở nhịp thở. "Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bụng của đứa trẻ nào hoạt động nhanh và mạnh như thế, con bé thở khó và tôi đã rất sợ", chị Beth cho biết. "Sắc mặt của con thậm chí còn tím dần đi 15 giây".
Sau khi gọi cấp cứu, bé được các bác sĩ cho thở bằng oxy và chẩn đoán chính xác là mắc viêm tiểu phế quản. Chị Beth không ngờ rằng tình trạng bệnh của con lại nghiêm trọng đến thế.
Hiện tại cô bé Myah đang được điều trị phục hồi.
Bé Myah mắc bệnh viêm tiểu phế quản với các triệu chứng ban đầu giống hệt cảm lạnh nên mẹ và các bác sĩ không phát hiện ra.
Bức ảnh về cô bé mới chỉ 6 tuần tuổi với những ống dây xung quanh người thực sự khiến bao người xót xa.
Câu chuyện được chị Beth được chia sẻ rộng rãi với mong muốn cảnh báo các bà mẹ không nên lơ là trước những triệu chứng ho hay lạnh thông thường của bé trong những ngày mùa đông. "Bản thân tôi thậm chí cũng không biết bệnh viêm tiểu phế quản là gì nên xin mọi người hãy cẩn thận", chị Beth nhắn nhủ.
Theo bác sĩ Vũ Thị Lan Anh cho biết trên báo Sức khỏe và đời sống, viêm tiểu phế quản thường là do virut, đứng hàng đầu là virut hợp bào hô hấp, chiếm 30-50% các trường hợp mắc bệnh. Virut này có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có khả năng xảy ra thành dịch; Người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Nhưng nếu trẻ dưới 2 tuổi bị lây nhiễm có thể biểu hiện dưới dạng nặng là VTPQ. Virut cúm và á cúm cũng gây bệnh cho khoảng 25% số trẻ bị VTPQ. Ngoài ra phải kể đến Adenovirus cũng chiếm 10% số ca mắc. Viêm tiểu phế quản là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là 3-6 tháng tuổi. Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn. Các bậc cha mẹ không được chủ quan khi thấy trẻ có những dấu hiệu như ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau từ 3- 5 ngày thì trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít. Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngừng thở. Những trẻ đến viện khi thăm khám thường thấy nhịp thở của trẻ nhanh, sốt vừa, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên. Tiếng thở có thể nghe ran rít, ran ngáy. Sau đó, trẻ ho nhiều hơn kèm khò khè và có thể bị khó thở (thở nhanh hơn, thở co kéo lồng ngực). Nặng hơn nữa trẻ có thể bỏ bú, tím tái. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, ho giảm dần trong khoảng 14 ngày rồi khỏi hẳn nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, trong khoảng 1/5 trường hợp, bệnh có thể kéo dài nhiều tuần. |