Tiểu Phượng ra đến nơi thì thấy mẹ chồng đang cho con cô ăn một thứ gì đó, khi đấy tay bà vẫn còn dầu mỡ cầm vào bình sữa.
"Hễ đứa trẻ khóc là do nó đói" là suy nghĩ của rất nhiều người già khi chăm cháu. Tuy ngày nay, khoa học đã chứng minh quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Vậy nhưng nhiều gia đình vẫn lục đục chỉ vì câu chuyện muôn thủa xoay quanh vấn đề ăn uống của đứa trẻ.
Bé sơ sinh 2 tháng nhập viện vì bà nội lén ninh xương nấu cháo "chờ cháu tăng cân"
Tiểu Phượng là một bà mẹ trẻ người Trung Quốc, lấy chồng cùng làng. Sau khi kết hôn không lâu, Tiểu Phượng mang bầu và hạ sinh được một bé trai, mẹ chồng cô vui mừng khôn xiết, dành nhiều sự quan tâm và chăm sóc cho “cháu đích tôn”.
Như mọi mẹ chồng châu Á thông thường, bà có thói quen luôn luôn can thiệp vào việc nuôi dạy cháu của con dâu. Bà cuống lên mỗi khi em bé khóc, không cần biết đứa trẻ đói hay không, bà luôn cho rằng Tiểu Phượng không cho con ăn no. Dù Tiểu Phượng ra sức giải thích nhưng vẫn không thể thay đổi được ý nghĩ của bà, hễ trẻ khóc là do trẻ đói.
Bà cuống lên mỗi khi em bé khóc, không cần biết đứa trẻ đói hay không, bà luôn cho rằng Tiểu Phượng không cho con ăn no. (Ảnh minh hoạ)
Con trai 2 tháng tuổi hay có biểu hiện đau bụng, đi ngoài xì xoẹt nhưng Tiểu Phượng không tìm ra nguyên nhân. Một hôm, Tiểu Phượng vừa từ phòng trong trở ra ngoài thì thấy mẹ chồng cô đang cho cháu ăn một thứ gì đó. Thấy tay mẹ chồng vẫn còn dầu mỡ khi cầm vào bình sữa, Tiểu Phượng hốt hoảng hỏi bà: “Mẹ, mẹ cho cháu ăn gì vậy ạ?”.
Bà liền nói:
“Mẹ thấy sữa của con không nhiều, không đảm bảo được dinh dưỡng cho thằng bé, nên mẹ đã ninh xương nấu cháo cho thằng bé ăn”.
Hoá ra bấy lâu nay, mẹ chồng thường lén cô cho cháu ăn dặm thêm cháo ngoài khi mới chỉ 2 tháng tuổi.
Một thời gian sau, con Tiểu Phượng bỗng gào khóc không ngừng, liên tục đi ngoài và trớ, không chịu ăn sữa, sắc mặt nhanh chóng biến sắc, Tiểu Phượng vội vàng bế con đi cấp cứu. Bác sỹ chẩn đoán cháu bé bị mắc chứng viêm đường ruột cấp tính, cơ thể bị mất nước quá nhiều và phải truyền dịch ngay lập tức.
Tiểu Phượng lòng đau như cắt, xót xa khi nhìn thấy đứa con bé bỏng của mình trên giường bệnh. Mẹ chồng khi ấy cũng hối hận vô cùng.
Tác hại khó lượng của việc ăn dặm sớm
Ăn dặm là một trong những quá trình phát triển của trẻ để bổ sung lượng dinh dưỡng lớn hơn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bé. Tuy nhiên, thời gian ăn dặm cần phải hợp lý.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, cha mẹ nên cho con ăn dặm từ khoảng 6 tháng tuổi. Bởi lúc này, hệ tiêu hoá của trẻ đã phát triển hơn, đủ để tiêu hoá các thức ăn khác ngoài sữa mẹ.
Thế nhưng, nhiều gia đình lại cho con ăn dặm từ tháng thứ 4, thứ 5 vì muốn bổ sung tinh bột sớm để trẻ phát triển nhanh và dễ tăng cân. Đây là một suy nghĩ sai lầm. Việc cho trẻ ăn dặm sớm gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ.
1. Bé sẽ lười bú mẹ, suy dinh dưỡng
Việc cho trẻ ăn dặm sớm khiến cho thời gian bú mẹ cũng như lượng sữa bú giảm đi đáng kể. Lâu dần, trẻ sẽ sinh ra lười bú, chán sữa mẹ. Trong khi, ở trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu và có vai trò quan trọng cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Nếu như lượng sữa bú giảm, trẻ sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, suy giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh hơn. Chưa kể, hệ tiêu hoá của trẻ còn non yếu, chưa thể chuyển hoá thức ăn thành chất dinh dưỡng, bé khó hấp thụ, dẫn đến tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng.
2. Tổn thương thận
Hệ tiêu hoá non nớt nên khi trẻ ăn dặm sớm khiến dịch nhầy tiêu hoá tiết ra không đủ, thiếu enzyme để phân tách các dạng thức ăn nên thận của bé phải hoạt động hết công suất. Các chất như protein, tinh bột hay chất đạm,... bị lắng cặn ở thận gây tổn thương nghiêm trọng. Đặc biệt, việc trẻ bị táo bón, tiêu chảy cũng xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của con.
3. Tổn thương dạ dày, rối loạn tiêu hoá
Ở trẻ, lớp niêm mạc dạ dày và dịch nhầy rất mỏng, khi thức ăn được đưa vào sẽ cọ xát, gây tổn thương thành dạ dày. Chưa kể, trẻ nhỏ men tiêu hoá có rất ít, lượng nhỏ tiết ra không đủ để tiêu hoá các chất dinh dưỡng được đưa vào. Trẻ dễ bị tiêu chảy, đi phân sống, không hấp thụ dưỡng chất.