Việc sơ cứu con trai bị bỏng sai cách của bà mẹ Anh chính là bài học dành cho tất cả các bậc cha mẹ.
Bỏng nước sôi là trường hợp rất hay xảy ra với trẻ nhỏ bởi các em chưa ý thức được những việc làm của mình như thế nào là an toàn. Đặc biệt, nếu trẻ bị bỏng không được xử lý đúng cách rất có thể gây ra nguy hiểm đáng sợ hơn. Đó là trường hợp xảy ra với một cậu bé có tên Jace (sống tại Prudhoe, Northumberland, Anh) khoảng đầu năm ngoái, khi em mới 17 tháng tuổi.
Cậu bé Jace bị bỏng hồi đầu năm ngoái do bị một ấm trà nóng đổ lên người (ảnh trái) và hiện tại còn mang nhiều vết sẹo (ảnh phải).
Theo The Sun, mẹ của cậu bé, chị Tarnya Hillary kể lại rằng thời điểm lúc đó chị đang cùng con ngồi trong bếp để đun một ấm nước. Thế nhưng quay đi quay lại, chị đã thấy cậu bé làm đổ cốc trà nóng ở trên bàn bếp vào người. Nước nóng tràn vào ngực và cánh tay của Jace. "Tôi vô cùng bối rối và hoảng loạn. Tôi không suy nghĩ được gì cả mà lột ngay quần áo trên người con ra nhưng điều đó càng khiến cho các lớp da của con bị bong theo, con kêu đau đớn.
Chồng của tôi đang đi làm việc tại Scotland nên một mình đối diện với thực tại, tôi không biết phải làm gì", chị Tarnya cho biết.
Và thật may mắn khi lúc đó, chị Tarnya đã có một cô con gái lớn 5 tuổi nhanh nhẹn, tỉnh táo và biết việc - Alyssa.
Trong khi mẹ hoảng loạn không biết làm gì thì cô bé 5 tuổi Alyssa đã làm rất tốt.
Alyssa ngay lập tức gọi điện đến nơi cấp cứu, làm theo hướng dẫn và mở cửa để nhân viên y tế vào giúp đỡ mẹ và em của mình. Sau đó, cậu bé Jace đã được đưa đến bệnh viện, bỏng cấp độ 3 và phải cấy ghép da. Điều đó để lại di chứng cho Jace đến tận bây giờ, các vết sẹo dưới cằm, ở vai trái và phía dưới tay trái.
Từ câu chuyện trên đây xảy ra với Jace hy vọng sẽ là một bài học sâu sắc dành cho tất cả các bậc cha mẹ, cần tỉnh táo hơn nữa trong việc phòng tránh tai nạn và xử lý đúng cách khi trẻ gặp nạn để tình trạng không nặng thêm.
Hiện tại Jace vẫn mang trong mình nhiều vết sẹo.
Trong trường hợp này, để sơ cứu cho trẻ bị bỏng, cha mẹ nên:
- Đầu tiên: ngâm phần cơ thể bị bỏng của con vào nước mát và sạch khoảng 20 phút, không sử dụng nước đá hoặc bất kì loại kem, bơ nào.
- Tiếp theo, loại bỏ quần áo, đồ trang sức khu vực bị bỏng, bao gồm cả tã lót của bé bằng kéo cắt, không được lột, đặc biệt là hình thức lột áo qua đầu con vì có thể gây bỏng ở vùng mặt.
- Giữ ấm cơ thể cho con bằng cách quấn chăn, nhưng không được chà xát vào khu vực bị bỏng.
- Đưa con đến bệnh viện gần nhất để được giúp đỡ.
>> Xem tiếp: CÁCH XỬ LÝ KHI TRẺ BỊ BỎNG MẸ NÀO CŨNG CẦN "NẰM LÒNG"
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. |