Khi trẻ bị nghẹn đường thở do dị vật, cha mẹ cần bình tĩnh sơ cứu đúng cách, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Hôm 16/8 vừa qua, tại Thái Nguyên xảy ra một ca tử vong do trẻ bị hóc hột nhãn. Tai nạn này một lần nữa lại dấy lên hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh cần cẩn thận hơn khi cho con ăn uống, chơi đùa với vật nhỏ, trơn, dễ chui vào đường thở.
Khi trẻ bị hóc, dị vật sẽ nhanh chóng chui vào đường thở khiến bé khó thở, sặc sụa, tím tái. Có những trường hợp khi không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong chỉ sau 5 phút.
Để giúp trẻ khắc phục tình trạng hóc, nghẹn một cách nhanh nhất, bố mẹ cần trang bị cho mình các cách xử lý cơ bản.
Video mô phỏng cách sơ cứu trẻ khi bị hóc dị vật
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Đầu tiên, hãy đặt bé nằm úp trên đùi mình. Một tay giữ bé, một tay vỗ mạnh vào lưng bé từ 1-5 cái. Điều này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực bé tăng lên, giúp đẩy dị vật trong cổ họng bé ra ngoài. Sau mỗi lần vỗ, kiểm tra xem dị vật đã bật ra chưa.
Nếu cách trên không hiệu quả thì đặt bé nằm ngữa. Đặt 2 ngón tay đè ở ngực và ấn 5 lần lên vị trí nằm giữa xương ức của trẻ, ấn sâu 1,3 đến 2,5 cm cho đến khi vật bị hóc nghẹn bật ra ngoài. Kiểm tra sau mỗi lần ấn để xem dị vật đang ở đâu.
Nếu bé vẫn còn bị nghẹn, bạn nên gọi ngay cấp cứu. Trong thời gian chờ xe cứu thương, lần lượt thực hiện 5 lần vỗ lưng và 4 lần ép ngực như đã hướng dẫn. Nếu bé bất tỉnh, cần lập tức hô hấp nhân tạo cho bé.
Đối với trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên
Để trẻ ngồi ngả về đằng trước và sử dụng bàn tay vỗ mạnh vào lưng, phần giữa hai bả vai. Vỗ mạnh, dứt khoát khoảng năm lần. Nếu dị vật chưa bật ra, tiếp tục đến bước số 2.
Đặt một tay ở lưng (phần giữa hai bả vai), tay còn lại đặt ở ngực. Lúc này, trẻ vẫn ở tư thế ngồi cúi người. Dùng tay ấn ngực chậm nhưng dứt khoát khoảng 5 lần.
Nếu dị vật vẫn chưa bật ra, bạn cần gọi ngay cấp cứu. Trong khi chờ đợi, tiếp tục đập lưng 5 lần và ép ngực 5 lần như hướng dẫn.