Cô giáo đã đưa câu chuyện ra để kể với mẹ bé vào cuối buổi học.
Dạy dỗ và giáo dục con nhỏ là điều cần thiết tuy nhiên dạy làm sao để trẻ phục và vâng lời mới là điều quan trọng. Bởi rất nhiều cách giáo dục của bố mẹ không những không hiệu quả mà phản tác dụng, gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề trong nhiều đứa trẻ. Câu chuyện dưới đây chắc chắn là hồi chuông khiến nhiều ông bố bà mẹ cảnh tỉnh về cách dạy dỗ con sai.
Theo chia sẻ trên Sohu, bé trai 4 tuổi tên Tô (Phúc Kiến, Trung Quốc) là một đứa trẻ khá bướng và nghịch ngỗ. Chính vì thế trước khi gửi Tô đến trường mẫu giáo, mẹ của Tô đã dặn dò rất kĩ về tính cách của bé để cô giáo chú ý đến con và có hướng giáo dục đúng đắn.
Vào một ngày nọ, khi tất cả các bạn học sinh trong lớp đều đã ngủ trưa thì cô giáo phát hiện từ phía giường Tô đang nằm có điều gì đó không ổn. Cô giáo đã tiến lại gần và phát hiện Tô trùm kín chăn lên đầu, không chỉ vậy đằng sau tấm chăn đó lại phát ra âm thanh gì đó kì lạ mà cô giáo nghe không rõ.
Lo sợ học sinh đã có chuyện gì xảy ra, cô giáo liền mở tấm chăn mà Tô đang đắp ra thì vô cùng giật mình với những gì mà cô chứng kiến. Hóa ra là Tô đã ngủ rồi nhưng đang nói mơ. Trong lúc mơ có lẽ cậu nhóc nhớ lại khung cảnh sợ hãi gì đó nên đã trùm kín chăn, hai tay chắp vào nhau và miệng liên tục nói "Tô sai rồi, Tô xin lỗi mẹ". Bên cạnh đó nước mắt từ khóe mắt liên tục trào ra.
Quá thương cậu học trò nhỏ, cô giáo đã bế Tô vào lòng và an ủi, vỗ về để cậu nhóc ngủ say giấc hơn, không còn lo sợ trong giấc ngủ nữa. Buổi chiều hôm đó, khi mẹ Tô đến đón con trai, cô giáo cũng đem câu chuyện này để kể cho phụ huynh. Mẹ của Tô cũng rơm rớm nước mắt thương con. Chị cho biết khả năng cậu bé bị ám ảnh bởi trận đòn roi tối ngày hôm qua của bố. Tối hôm qua Tô có hơi bướng và trong lúc nghịch ngợm đã làm vỡ chiếc bình quý của bố nên bị bố đánh. Cô giáo cũng đồng cảm với phụ huynh tuy nhiên cũng không quên nhắc nhở, giáo dục, dạy dỗ con ở độ tuổi bé Tô là cần thiết nhưng hãy dạy dỗ con khéo léo để bé không bị ám ảnh bởi những trận đòn roi của bố mẹ.
Đã có rất nhiều nghiên cứu thực tiễn giữa những đứa trẻ thường xuyên bị bố mẹ phạt bằng đòn roi và những đứa trẻ không bị đánh và kết quả là sự khác biệt rõ rệt. Những đứa trẻ bị đánh không chỉ bị đau về thể chất mà còn để lại tác hại tâm lý vô cùng lớn, không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Hậu quả khôn lường khi bố mẹ đánh con:
Sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái bị ảnh hưởng
Việc đưa ra sự trừng phạt hay đánh con sẽ cản trở mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Bởi vì, con người không cảm thấy yêu thương những người làm chúng ta bị tổn thương. Sự hợp tác của trẻ và cha mẹ mà phụ huynh mong muốn chỉ có thể hình thành thông qua tình yêu và sự tôn trọng. Việc cha mẹ đánh, trừng phạt có thể chỉ khiến trẻ tỏ ra sợ hãi bên ngoài cho đến khi trẻ đủ tuổi kháng cự lại. Ngược lại, sự hợp tác giữa cha mẹ và con cái trên tinh thần tôn trọng sẽ tồn tại mãi.
Trẻ trở nên hung hãn, khó bảo
Thực tế cho thấy nhiều tên tội phạm nguy hiểm thường có thời thơ ấu bị đe dọa và chịu những hình thức đánh đập hay trừng phạt. Theo lẽ tự nhiên, trẻ sẽ học theo thái độ, hành vi của cha mẹ thông qua bắt chước hành động. Do đó, trách nhiệm của cha mẹ cần là hình mẫu về sự thông cảm, chia sẻ và sáng suốt trong mọi hoàn cảnh để con học tập. Khi trẻ bị đánh đập hoặc trải qua thơ ấu bạo lực, lớn lên sẽ đối xử với người khác bằng bạo lực.
Trẻ không học được cách giải quyết tình huống
Sự trừng phạt hay đánh đòn của cha mẹ sẽ khiến đứa trẻ không học được cách giải quyết những vấn đề nảy sinh một cách hiệu quả và nhân văn. Khi một đứa trẻ bị trừng phạt, chúng sẽ quan tâm đến cảm giác tức giận và nghĩ đến cách trả thù. Khi tâm trí trẻ chỉ nghĩ đến những điều này sẽ không còn nghĩ đến cách giải quyết các vấn đề trong khả năng của mình. Do đó, một đứa trẻ thường xuyên bị đánh, trừng phạt sẽ học được rất ít cách xử lý nhằm tránh những tình huống tương tự nảy sinh trong tương lai.
Trẻ em xứng đáng được yêu thương
Nhiều cha mẹ vẫn còn quan niệm "thương cho roi cho vọt", nhưng đánh không phải là cách để giáo dục một đứa trẻ nên người. Trẻ em như tờ giấy trắng, chúng ta cần phải gieo vào đứa trẻ những suy nghĩ tích cực, cách hành xử đúng mực và đúng đạo lý cùng tình thương, sự quan tâm nhẹ nhàng để trẻ có đạo đức tốt. Cha mẹ không thể dạy con bằng cách đánh đập, quát tháo... Bởi những lời lẽ và trận đòn đó sẽ ăn sâu vào tiềm thức của trẻ ảnh hưởng đến suy nghĩ và tâm lý như một vết thương khó xóa bỏ.
Cha mẹ thiếu quan tâm nên đừng vội đánh trẻ
Trong nhiều trường hợp các hành vi xấu của trẻ đơn giản chỉ là sự phản ứng lại thái độ thiếu quan tâm của cha mẹ đối với các nhu cầu như: ngủ, ăn uống,tự do khám phá xung quanh trong khả năng có thể...Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng được đáp ứng vì bố mẹ bận rộn. Khi bố mẹ bận rộn, trẻ thường không được quan tâm và chú ý. Cho nên, nếu bạn đánh con khi trẻ có phản ứng trong tình huống này là điều không nên và thật sự không công bằng với con.
Vì vậy, thay vì mắng chửi hay đánh đập, hãy bình tĩnh giao tiếp với con để giải quyết vấn đề.