Từ ngày có Tít, tôi mới hiểu thêm về nỗi lòng, sự lo lắng mà bố dành cho tôi trong suốt tuổi thơ không mẹ
Một sáng cuối tuần đẹp trời, tôi quay trở lại ngôi nhà nhỏ xinh trên tầng 5 của một khu tập thể vốn đã quá cũ kỹ - nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Dừng xe dưới tầng 1, bất chợt tôi nhìn sang chiếc ghế đá nhỏ ngày nào, hình dung đến những buổi sáng cũng trong lành như vậy năm xưa, khi tôi còn là một cô bé con ngồi chờ bố đèo đi ăn phở, đi dạo Bờ Hồ.
Lên nhà, lấy khóa mở cửa, nhớ ngày cuối cùng tôi bước chân ra khỏi nơi đây về làm dâu nhà người, bố đã ôm tôi mà nói: “Bố luôn mở rộng của đón con quay trở về. Dù con có đi đâu, đây vẫn luôn là nhà của con.” Ngày cuối tuần bố đi công tác, ngôi nhà bỗng trở nên thật trống trải biết bao. Nhìn cái áo bố vắt lên trên ghế, chiếc áo gió màu xanh biển bố hay mặc ở nhà, những tờ báo thể thao bóng đá của bố để trên mấy quyển luận văn đang chấm dở. Cái mùi thơm phòng lavender yêu thích của hai bố con, bộ chăn ga kẻ sọc vàng với cái gối lông vũ tôi tặng bố nhân dịp sinh nhật 50 tuổi. Gạt tàn của bố trên bàn, cái bật lửa, bao thuốc. Cái cốc hình con mèo của tôi, những khung ảnh gia đình chỉ có hai bố con mà bố suốt ngày lau cho khỏi bụi… Từng đồ đạc cứ đứng im lặng nhìn tôi như nhắc nhở đây là không gian nơi hai bố con tôi đã có những buổi tối xem tivi cười rinh rích, những giờ cơm bếp thơm lừng mùi gia vị, những lúc bố mướt mồ hôi dạy tôi học bài ngày hè mất điện. Tôi chỉ định về qua nhà lấy đồ thôi, vậy mà sao lại ngồi trên sofa òa khóc vì thương bố.
Bố có thể không hoàn hảo nhưng bố yêu tôi theo cách hoàn hảo (ảnh minh họa)
Đã 2 năm kể từ ngày tôi rời xa vòng tay chăm sóc của bố. Mới hôm nào còn được bố trêu đùa: “Bố có cô con gái rượu phải chăm như chăm trứng hứng như hứng hoa chứ”. Thế mà giờ đây, cô con gái rượu của bố đã có chồng, có con rồi bỏ bố lại một mình. Đôi lúc tôi ngồi ăn cơm cùng cả gia đình chồng mà không khỏi giấu đi những giọt nước măt. Cứ chợt nghĩ đến giờ bố đang ăn cơm thui thủi trong căn phòng trống trải mà lòng như thắt lại.
20 năm mẹ rời xa bố con tôi, 20 năm bố vò võ thân gà trống nuôi con, chăm lo cho tôi từng miếng ăn manh áo, dạy tôi nét chữ dáng đi, sát cánh bên khi tôi thành công, ở bên tôi mỗi khi va vấp. Ở trường, bố là giảng viên được bao học sinh yêu quí. Ở nhà, bố là đầu bếp, bố là thợ may, bố là cả cô giáo dạy tôi hát múa. Tuổi thơ tôi tuy chẳng được lớn lên dưới sự dạy bảo của cả bố cả mẹ như bao bạn nhỏ khác: bố mắng có mẹ vỗ về, mẹ rầy la có bố động viên an ủi…cũng chẳng có những búp bê đẹp, được mẹ tết tóc đuôi sam. Nhưng bù lại, tôi được thừa hưởng sự cứng rắn, nét tính cách mạnh mẽ cương nghị, bộ óc tư duy cực logic và cả tính tự lập của bố. Có ai liệu đã được chính bố mình may cho những bộ váy đẹp để tham gia thi hát ở quận?, có ai đã được bố cầm tay dắt đi từng bước trong ngày cưới? có ai đã từng được bố đèo đi siêu âm khi mang bầu? được bố vò khăn ấm rồi lau đi những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán vì đau đẻ? được bố nấu cho từng bát cháo chân giò, từng cốc sữa khi sinh con? Tôi thật may mắn vì đã được bố yêu thương bằng cả sự mạnh mẽ của người cha và sự ân cần của mẹ. Bố không bao giờ khiến tôi tủi thân, cô đơn vì không có mẹ. Có lẽ với tôi đó đã là sự bù đắp vô cùng lớn lao rồi.
Tôi bỗng giận bản thân vì những lúc nổi cáu vô cớ với bố, những khi bố nhắc tôi mặc quần áo ấm cẩn thận, nhắc đi nhắc lại muốn tôi về nhà sớm, tôi chỉ vội dập máy vì bận rộn và chán nản. Những khi mải vươn mình ra xã hội bên ngoài nhiều sôi động,khi tôi trở thành thiếu nữ rồi biết yêu, các bữa cơm cùng bố thưa dần. Tôi như con chim non háo hức vội vã bay vào đời mà quên nhìn lại. Bố đã hy sinh cả cuộc đời để chăm sóc nuôi nấng tôi mà không màng đến hạnh phúc cá nhân của mình, cũng chẳng nề hà những lúc vất vả, những tối cô đơn. Đôi bàn tay to lớn vốn quen những công việc đàn ông, chẳng hiểu tự bao giờ đã trở nên thành thạo với chuyện đàn bà tỉ mẩn.
Tôi nhớ mãi sinh nhật 18 tuổi của mình. Bố đã hì hụi từ sáng sớm, mua quà, sơn tường, thay lại cho tôi cái bóng đèn, tự tay chuẩn bị cho tôi những món ngon tôi thích. Vậy mà đáp lại bố, tôi thẳng thừng chê món quà trẻ con rồi bỏ đi cùng chúng bạn, để lại bố một mình với mâm thức ăn ê hề mà nguội ngắt. Hôm ấy tôi đã say, tôi uống nhiều tới mức nôn ra khắp nhà. Bố không quản một đêm thức trọn bên giường tôi. Sáng hôm sau, khi nhìn vào tròng mắt bố đã hằn bao nhiêu vết đỏ, tôi không hiểu là vì khóc hay vì một đêm trắng trông tôi. Phải có bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu bao dung mới có thể tha thứ cho đứa con gái vô tâm như tôi đây?
Người ta nói có nuôi con mới biết lòng cha mẹ, quả đúng như vậy. Từ ngày có Tít, nuôi con, thương con tôi mới hiểu thêm về nỗi lòng, sự lo lắng mà bố dành cho tôi trong suốt tuổi thơ không mẹ. Liệu tôi và chồng có làm được với Tít như bố đã làm cho tôi không ?
Tôi không dám hứa những lời hứa viển vông, và tôi chắc bố cũng không muốn nghe những điều mây gió. Tôi chỉ muốn một điều nhỏ nhoi rằng bố hãy cho tôi được ở bên bố dài lâu, được hằng tuần về ăn cơm cùng bố, được ngắm bố chơi với Tít, được kể cho Tít nghe về ông ngoại đã chăm mẹ chăm Tít thế nào, rằng ông đã hy sinh cuộc đời mình để bù đắp cho mẹ ra sao. Mai là ngày của cha rồi, tôi sẽ đưa Tít về thăm căn nhà xưa này, đón bố về và gian bếp sẽ lại hồng lên với những món ăn ngon ấm cúng chờ đợi ba thế hệ chúng tôi sum họp.
Theo tâm sự của độc giả ở địa chỉ mail trang_nguyen...@...,