Hiện nay bệnh thủy đậu đang diễn biến phúc tạp, các ca bệnh tăng nhanh. Bệnh thủy đậu tuy lành tính nhưng dễ biến chứng nặng. Trong khi đó, rất nhiều người nhầm lẫn bệnh thủy đậu với bệnh sởi khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn.
Theo các chuyên gia y tế, vào thời điểm mùa đông xuân là thời điểm các bệnh lây truyền dễ bùng phát, trong đó có bệnh thủy đậu bùng phát ở trẻ.
Bệnh thủy đậu xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân. Thủy đậu tuy là bệnh lành tính nhưng lại dễ gây biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Điều đáng buồn là có rất nhiều cha mẹ lại nhầm lẫn bệnh thủy đậu với bệnh sởi khiến tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn. Thậm chí có những trường hợp đã tử vong vì vào viện quá muộn.
Bệnh thủy đậu hiện đang "vào mùa", các bậc cha mẹ cần tránh nhầm lẫn với bệnh sởi
Bé N.N.A (15 tháng tuổi, Hưng Yên) đến khám tại viện trong tình trạng da nhiễm trùng, có dấu hiệu sốt cao, bội nhiễm và phải nhập viện điều trị. Trước đó, thấy cơ thể bé phát ban, cha mẹ lại nghĩ cháu bị sởi nên dùng nhầm thuốc điều trị.
Khi các nốt phỏng xuất hiện dày đặc toàn thân, vì không chịu được ngứa, bé gãi gây trầy xước da, vỡ các nốt phỏng, cộng thêm việc mẹ bé kiêng tắm nên khiến bé bị nhiễm trùng, sốt cao phải dùng cả kháng sinh phòng bội nhiễm.
Đau buồn hơn, bé Lý Thị T. (Nghệ An) được đưa vào viện trong tình trạng bị nổi thủy đậu khắp người, sức khỏe yếu. Sau gần 2 ngày nhập viện, bé được chuyển đến bệnh viện tuyến trên khi đã có các dấu hiệu biến chứng lên phổi và phải thở oxy. Tại đây, bệnh nhi T. ho ra máu và tử vong.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi (Trường ĐH Y Hà Nội), bệnh thủy đậu và bệnh sởi là 2 căn bệnh có những dấu hiệu khá giống nhau như sốt và nổi ban. Do đó các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kĩ bệnh thủy đậu và sởi để tránh nhầm lẫn và có biện pháp ứng phó phù hợp.
Bệnh sởi là bệnh do virus gây ra, lây qua đường hô hấp. Triệu chứng của bệnh sởi thường là hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp, tiêu chảy…. Khi cha mẹ phát hiện mắt trẻ đỏ, phát ban, ban nhỏ mỏng trên mặt da, mọc theo thứ tự mặt, lan xuống chân, khi xuất hiện ban bệnh nhân sẽ hết sốt dần, nếu còn sốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi…
Trong khi đó, ban thủy đậu là bọc nước, mọc toàn thân, nếu bị nhiễm khuẩn có thể có mủ. Nếu nghi ngờ phát ban, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để có chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời.
Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter gây ra (bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Khi bị thủy đậu, biểu hiện đầu tiên của trẻ là mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc, khó chịu, sau 1 – 2 ngày thì sốt và đến ngày thứ 3 xuất hiện các nốt phát ban dạng phỏng nước. Trên một khu vực da thường có nhiều ban, có ban mới mọc, có ban cũ. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày.
>> Xem ngay nhé! Kiến thức mẹ PHẢI biết: Bảo vệ con khỏi những căn bệnh bùng phát khi xuân về |
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Bên cạnh đó, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Quan trọng hơn cả là các bậc cha mẹ cần cho con tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu.