Với tôi, phát triển trí thông minh cho con thì phải cho con chơi những trò chơi tư duy chứ đâu phải những đồ chơi làm bằng giấy bóng kính.
Bố chồng tôi là bộ đội, mẹ chồng là giáo viên về hưu nên cuộc sống gia đình rất ngăn nắp và nền nếp. Có thể nói đó là mẫu hình lý tưởng của một gia đình truyền thống Việt với nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà.
Tuy nhiên, chính cái nền nếp của gia đình tưởng chừng như ấm êm quy củ ấy đã khiến cho không ít lần tôi và mẹ chồng xảy ra cãi vã mà chung quy lại cũng chỉ xoay quanh việc nuôi, dạy cháu.
Là con dâu trưởng trong nhà, nhưng tôi lại là cô dâu “trẻ trâu” nhất. Ý là trẻ cả về tuổi, tính cách và cách nuôi dạy con. Tôi thường áp dụng cách chăm con của những bà mẹ Tây - cho con cái tự lập từ nhỏ. Khi con chơi đồ xong tôi thường để cháu phải tự sắp xếp đồ đạc về nguyên vị trí cũ. Nhưng mẹ chồng và bà nội chồng tôi thì khác. Cháu chơi bày đằng trước, bà nội lụi cụi dọn đằng sau. Nhiều lần tôi có ý nhắc khéo nhưng mẹ đều bị gạt phắt đi. Mẹ còn nói tôi không thương con nên mới làm như thế.
Kiểu bà chiều cháu như thế chỉ tổ làm cháu hư (Ảnh minh họa)
Con trai tôi năm nay đã 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1. Bình thường vào những ngày cuối tuần khi làm việc nhà tôi thường rủ con làm cùng bởi tôi luôn hi vọng con mình phát triển một cách toàn diện chứ không đơn thuần chỉ biết cắm mũi vào học hành. Tôi biết, bà nội yêu thương và chiều cháu. Nhưng mỗi lần tôi cho cháu học làm việc nhà thì bà lại tỏ vẻ không thích và nói thẳng “đàn ông không phải làm việc nhà”. Tôi không hiểu, phải chăng tính gia trưởng của đàn ông bắt nguồn từ đây?.
Trong những ngày trung thu đang đến rất gần này, gia đình tôi lại thêm một cuộc chiến nữa – cuộc chiến giữa đồ chơi hiện đại và truyền thống. Chồng tôi thì chọn mua cho bé nào là siêu nhân, súng có đạn, ô tô, máy bay điều khiển từ xa. Tôi phát hoảng vì những loại đồ chơi bạo lực này thì chồng tôi chỉ cười xòa "đồ chơi vui thôi mà, cả năm mới có một ngày tết thiếu nhi". Tôi nhất quyết bỏ hết đi thì chồng giận.
Còn bà nội thì mua cho cháu mấy đồ giấy bóng kính xanh đỏ, đèn ông sao, trống bỏi, đèn lồng, cá kiếc các kiểu, tôi thấy vừa bừa nhà vừa ầm ĩ. Có hôm tôi đang thèm ngủ trưa bé lắc trống liên hồi. Nhắc con mãi không được, tôi điên quá đánh vào mông cho mấy cái. Thấy cháu khóc, bà chạy sang, biết chuyện bà cũng giận luôn.
Với tôi, mua đồ chơi cho con tốt nhất là chọn mấy đồ phát triển tư duy, tài năng và tính sáng tạo của con như bàn tính học đếm, bảng chun học toán, bộ xếp hình không gian… Phải chơi những trò hiện đại này thì con mới phát triển thông minh, bằng bạn bằng bè được chứ. Mấy chị công ty tôi, ai cũng mua những đồ này cho con chơi hết.
Bà nói đồ chơi truyền thống cần đáng trân trọng nhưng với tôi, quan trọng nhất vẫn là sự phát triển của con, làm sao giúp cho con thông minh, bé có phát triển thì lớn mới thành công. Chơi những đồ bà mua thì bao giờ con mới học giỏi được. Đấy là còn chưa kể đến chuyện sức khỏe, ai biết được mấy cái dán bóng kính sơn đỏ choe choét đấy có độc hại gì không, nhỡ con cho lên miệng ngậm thì sao.
Đâu ai biết được những thứ đồ chơi màu mè thế này có hại cho sức khỏe của con không (Ảnh minh họa)
Nếu bà muốn con hiểu về truyền thống, tôi sẵn sàng mua bánh trung thu đảm bảo chất lượng về cho con ăn, kể cho con nghe các câu chuyện liên quan đến trung thu, còn chuyện bảo tôi mua những đồ chơi đó về nhà tôi không chịu, tôi không thể đem sức khỏe và trí tuệ của con ra đùa được.
Từ sau vụ đồ chơi đó, mấy hôm nay, bà cứ làm mặt lạnh với tôi, khiến không khí gia đình căng thẳng. Bà muốn cháu vui nhưng tôi cũng chỉ muốn tốt cho con, muốn con phát triển tốt nhất có thể chứ có phải cho bản thân tôi đâu. Bà cứ chiều cháu như thế này tôi đến không biết phải làm thế nào nữa. Trung thu thì chưa đến ngõ mà trong nhà thì đã lục đục.