Để biết trẻ 6 tháng tuổi có thể làm được những gì, cần phải chăm sóc như thế nào thì các bậc cha mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Sau khi chào đời, tháng thứ 6 là khoảng thời gian đánh dấu những chuyển biến rõ nét của trẻ sơ sinh cả về thể chất và não bộ. Vậy khi trẻ 6 tháng tuổi, bé phát triển như thế nào, biết làm những gì và cần phải chăm sóc như thế nào?
Sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi
Theo Webmd, khi trẻ được 6 tháng tuổi, trọng lượng của trẻ đã tăng gấp đôi so với lúc mới sinh. Tuy trong những tháng đầu, mỗi tháng bé có thể tăng từ 680-900g nhưng kể từ tháng thứ 6, bé sẽ phát triển chậm lại, mỗi tháng chỉ tăng khoảng 450g. Lúc này, chiều cao của bé cũng tăng chậm lại, khoảng 1,27cm mỗi tháng.
Tháng thứ 6 là khoảng thời gian đánh dấu những chuyển biến rõ nét của trẻ. Ảnh minh họa
Ngoài ra, trong thời gian này mẹ cũng có thể nhận thấy màu mắt của bé đã thay đổi so với lúc mới sinh. Hơn nữa, tại thời điểm này không chỉ thị lực mà cả 5 giác quan của trẻ đều đã phát triển vượt bậc.
Trẻ 6 tháng tuổi biết làm những gì?
1. Vận động
- Tự ngồi lên: Trước tiên, em bé sẽ ngồi nhưng vẫn chống tay để đỡ, qua một thời gian bé sẽ tự ngồi được mà không cần tay đỡ.
- Lẫy: Một số trẻ có thể tự lật từ nằm ngửa sang nằm sấp và ngược lại.
- Bò: Trẻ 6 tháng tuổi đã có thể bò tới và bò lui bằng cách bụng dựa vào sàn nhà và dùng lực đẩy lên. Lúc này, các mẹ sẽ thấy bé nâng tay, đầu gối lên và đá qua lại.
2. Giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp của trẻ 6 tháng tuổi cũng phát triển đáng kể:
- Bé sẽ mỉm cười, cười lớn và phát âm được một số phụ âm như m, b
- Nhận ra tên mình khi nghe người khác gọi tên
- Trẻ có thể phát ra âm thanh thể hiện sự vui mừng hoặc buồn chán
- Trẻ thích "trò chuyện", chơi với người khác, đặc biệt là bố mẹ
- Phân biệt được người quen và người lạ.
3. Nhận thức (học hỏi, suy nghĩ)
- Trẻ 6 tháng tuổi thích ngắm mình trong gương.
- Tò mò về mọi thứ và cố gắng lấy mọi thứ ngoài tầm với.
- Cho đồ vật vào miệng.
- Bắt đầu chuyển đồ vật từ tay nọ sang tay kia.
Cách chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi
1. Thời gian ngủ
Một đêm, trẻ 6 tháng tuổi thường ngủ từ 6-8 tiếng. Ảnh minh họa
Trẻ 6 tháng tuổi thường ngủ từ 6-8 tiếng một đêm. Trẻ nhỏ có thể thức dậy ăn vài lần trong đêm nhưng không thường xuyên như trước. Ban ngày, trẻ cũng thường ngủ 2-3 tiếng. Khi ngủ, mẹ nên bỏ tất cả thú nhồi bông, vật cản hay đồ vật khác ra khỏi giường cũi của bé.
2. Cách giao tiếp với trẻ
Tại thời điểm này, bé đã chuẩn bị tới thời điểm học nói, vì vậy mọi thứ bố mẹ nói với bé đều có ý nghĩa. Để giao tiếp với trẻ, bố mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Nói chuyện với bé thật chậm, rõ ràng và đơn giản
- Chơi với bé, cho bé ra ngoài trời chơi mỗi ngày
- Chơi trò bắt chước với trẻ: bé cười, bạn sẽ cười lại. Khi bé phát âm, bạn sẽ nhắc lại và xây dựng những từ đơn giản từ âm đó. Ví dụ, bé nói ''a'', bạn nói ''ba'' hoặc ''bà''.
- Đọc và chỉ cho trẻ những truyện tranh màu sắc
- Chỉ cho bé xem nhiều đồ vật mới và gọi tên của những đồ vật đó. Ví dụ như bạn chỉ vào con mèo và nói "mèo", cầm chiếc cốc và nói "cốc".
- Đặt bé nằm sấp hoặc ngửa rồi đặt đồ chơi xa bé một chút để bé bò đi lấy đồ chơi.
- Bật nhạc hay hát cho bé nghe mỗi ngày.
3. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Hệ thống tiêu hóa của trẻ 6 tháng tuổi vẫn còn non yếu, chưa có khả năng hấp thụ và tiêu hóa thức ăn rắn nên nguồn thức ăn cung cấp chất dinh dưỡng chủ yếu cho trẻ lúc này vẫn là sữa mẹ và sữa công thức. Mặc dù lúc này bé chưa ăn được thức ăn rắn nhưng đã có thể ăn thức ăn dạng lỏng và thường cảm thấy đói rất nhanh. Vì vậy vào thời điểm này, các mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm.
Chất dinh dưỡng của trẻ 6 tháng tuổi cần phải có chất sắt, vitamin D, omega-3. Ảnh minh họa
Sau đây là các chất dinh dưỡng cần phải có trong thực đơn của trẻ 6 tháng tuổi:
- Chất sắt
Chất sắt là chất dinh dưỡng tối quan trọng cho bé khi ăn dặm, có vai trò quyết định cho sự phát triển vĩnh viễn của não bé sau này. Nguồn thực phẩm chứa nhiều chất sắt gồm thịt đỏ, thịt gà, trứng, rau xanh.
- Vitamin D
Vitamin D tốt cho sự phát triển xương của trẻ. Vì vậy, mẹ nên bổ sung một số thực phẩm giàu vitamin D như các loại cá có dầu, trứng, ngũ cốc,... vào thực đơn hàng ngày của trẻ.
- Omega-3
Omega-3 giúp cho não bộ, hệ thần kinh và thị lực phát triển khỏe mạnh. Ngoài các loại cá béo, cá hồi… các mẹ có thể bổ sung thêm omega-3 cho trẻ từ trứng và rau xanh đậm.
4. Thực phẩm trẻ 6 tháng tuổi không nên ăn
Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học sẽ giúp bé phát triển khỏe mạnh. Ngược lại, nếu chế độ ăn uống không phù hợp sẽ khiến bé dễ mắc bệnh, chậm phát triển. Vì vậy, để con phát triển tốt, mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Tránh cho trẻ ăn những thực phẩm chứa nhiều muối
- Không cho trẻ ăn thực phẩm mất vệ sinh, chưa nấu chín
- Tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng như sô cô la, chế phẩm từ sữa, lòng trắng trứng, các loại quả hạch.
- Tuyệt đối không cho trẻ uống nước có ga, nước ngọt.
5. Cách chọn quần áo cho trẻ 6 tháng tuổi
Trẻ 6 tháng tuổi bắt đầu hiếu động hơn nên bố mẹ nên chọn những bộ quần áo thoải mái cho con. Những bộ đồ rộng rãi, thoải mái sẽ giúp bé có nhiều không gian để vận động hơn.
Ngoài ra, các mẹ hãy lựa chọn quần áo làm từ vải cotton, dễ thấm hút mồ hôi, có đường may lộn ra ngoài để không làm ảnh hưởng đến làn da non nớt của bé.
Cách chọn đồ chơi cho trẻ 6 tháng tuổi
Bố mẹ nên chọn đồ chơi phù hợp với giới tính của trẻ.
Để phát triển não bộ cũng như nhận thức, đồ chơi cho trẻ 6 tháng tuổi cần hội tụ một số điểm sau:
- Phát âm thanh: Các trò chơi phát âm thanh sẽ giúp thính giác của bé ngày càng phát triển hơn. Một số đồ chơi phát nhạc là lục lạc, ghế phát nhạc, xe phát nhạc,..
- Chuyển động: Cho bé tiếp xúc với những đồ chơi chuyển động được như xe đẩy, bóng,.. không chỉ thu hút được bé mà còn giúp bé cứng cáp hơn.
- Đồ chơi treo: Những loại đồ chơi treo lủng lẳng sẽ kích thích trí tò mò ở trẻ. Bên cạnh việc rèn luyện thị giác, chúng còn giúp bé tập thể dục với cổ, tay, chân trong quá trình vận động. Ngoài ra, khi đặt gần trong tầm với của bé, kỹ năng nắm bắt bằng tay sẽ phát triển hơn.
Khi chọn đồ chơi cho trẻ 6 tháng tuổi, các bậc phụ huynh nên chọn đồ chơi làm từ chất liệu mềm, an toàn. Không buộc dây vào đồ chơi vì như vậy có thể khiến dây cuốn vào cổ, tay, chân bé trong lúc đang hiếu động nghịch ngợm, khiến bé gặp nguy hiểm.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên chọn đồ chơi phù hợp với giới tính của trẻ.
>> Xem tiếp: THỰC ĐƠN ĂN DẶM CHO BÉ TỪ 6 ĐẾN 9 THÁNG TUỔI NGON MIỆNG MÀ BỔ DƯỠNG