Với cách nấu ăn dặm kiểu Nhật bé sẽ được học ăn thô sớm, làm quen với nhiều loại mùi vị thức ăn giúp chuyện ăn uống sau này dễ dàng hơn.
Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp ăn dặm khoa học mang đến nhiều lợi ích cho bé. Một trong những lợi ích nổi bật của phương pháp này là giúp bé có khả năng ăn thô sớm. Đồng thời phương pháp ăn dặm kiểu Nhật còn tạo cơ hội cho bé được làm quen với mùi vị của từng loại thực phẩm.
Với các ưu điểm vượt trội, ăn dặm kiểu Nhật càng lúc càng được nhiều mẹ lựa chọn. Tuy nhiên, có rất nhiều mẹ còn bối rối, chưa hiểu rõ về cách nấu ăn dặm kiểu Nhật cho bé. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho mẹ các kiến thức cần thiết về phương pháp ăn dặm khoa học này.
1. Ăn dặm kiểu Nhật là gì?
Trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, thay vì ăn bột, bé sẽ bắt đầu ngay với cháo loãng rây qua lưới trong giai đoạn đầu tiên. Sau đó mẹ sẽ chuyển sang cho bé ăn cháo đặc kèm rau củ, tiếp đến sẽ cho bé ăn cơm nhão kèm thịt, cá, rau củ.
Bé sẽ bắt đầu tập ăn với cháo loãng rây qua lưới trong giai đoạn đầu. (Ảnh minh họa)
Khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật, mẹ phải đảm bảo bữa ăn của bé luôn đủ bốn nhóm thực phẩm bao gồm chất béo, tinh bột, chất đạm và vitamin. Các loại thực phẩm phải được chế biến riêng, không thêm gia vị, không trộn lẫn để giúp giữ nguyên mùi vị. Đây là cách mẹ Nhật giúp cho bé làm quen với mùi vị của các loại thức ăn khác nhau, từ đó giúp phát triển vị giác.
2. Ăn dặm kiểu Nhật chia thành giai đoạn như nào?
Ăn dặm kiểu Nhật được chia làm 4 giai đoạn với các cách chế biến phù hợp”
- Giai đoạn 1 (từ 5-6 tháng tuổi): Đây là giai đoạn bé bắt đầu ăn dặm. Mẹ sẽ cho bé tập ăn bằng thìa và làm quen với các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Trong giai đoạn này, bé có thể ăn 5-6 bữa 1 ngày, trong đó 4 bữa là sữa mẹ hoặc sữa công thức, 1-2 bữa còn lại là bữa ăn dặm. Với cách nấu ăn dặm kiểu Nhật cho bé ở giai đoạn này, cha mẹ nên chế biến thành dạng bột loãng, sánh mịn để bé dễ nuốt.
- Giai đoạn 2 (từ 7-8 tháng tuổi): Đây là giai đoạn bé có thể dùng lưỡi để đưa thức ăn xuống cổ họng. Vì vậy mẹ cần ninh mềm, nghiền sơ thức ăn của bé để bé có thể nuốt thức ăn. Trong giai đoạn này bé sẽ ăn 3-4 bữa sữa và ăn thêm 2 bữa ăn dặm.
- Giai đoạn 3 (từ 9-11 tháng tuổi): Đây là giai đoạn bé đã biết nhai trệu trạo vì vậy thức ăn của bé cần được làm thô hơn nhưng vẫn phải đủ mềm để bé có thể dùng lợi nhai. Thức ăn nên cắt khoảng 0,5cm, dài 2-3 cm để bé có thể bốc ăn. Mẹ cũng điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với nhu cầu của bé. Trong giai đoạn này bé có thể ăn 3 bữa ăn dặm 1 ngày.
- Giai đoạn 4 (từ 12- 15 tháng tuổi): Đây là giai đoạn bé đã có nhiều răng hơn nên mẹ có thể cho bé các loại thức ăn thô để nhai. Một ngày bé có thể ăn 3 bữa ăn dặm chính, cộng thêm các bữa phụ và uống thêm sữa.
3. Cách nấu ăn dặm kiểu Nhật
Để giúp bé ăn ngon, lớn nhanh, mẹ hãy tham khảo cách nấu ăn dặm kiểu Nhật sau đây cho bé:
Mẹ nấu cháo theo tỉ lệ 1 gạo 10 nước trong giai đoạn đầu. (Ảnh minh họa)
- Độ đặc của cháo: Tỉ lệ gạo nước là 1:10. Khi bé lớn hơn, độ đặc của cháo sẽ tăng dần.
- Chất đạm: 5-10g (thịt, cá, trứng…) 1 ngày
- Tinh bột: 5-30g (gạo, mì, bánh mì…) 1 ngày
- Rau xanh và hoa quả: 5-10gr (bí ngô, cà rốt, súp lơ, chuối, cà chua, táo…) 1 ngày
- Thịt: Chọn loại thịt nạc tươi ngon,đảm bảo chất lượng. Khi ăn thì luộc chín, rồi giã nhỏ và rây qua lưới. Sau đó hòa loãng ra bằng nước luộc. Thêm môt ít bột năng vào trộn đều. Sau đó đem nấu cùng cháo.
- Cá: Lọc phần thịt cá, luộc chín. Sau đó mẹ rây qua lưới rồi hòa loãng với nước luộc. Cho thêm một ít bột năng vào trộn đều rồi nấu cùng cháo.
- Lòng đỏ trứng: Mẹ không nên cho bé 6 tháng tuổi ăn lòng đỏ trứng. Nếu cho ăn thì chỉ nên cho ăn 1 thìa nhỏ 1 bữa để xem bé có bị dị ứng không hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng.