Cách nuôi dạy gây tranh cãi nhất 2013 (P1)

Ngày 23/12/2013 10:05 AM (GMT+7)

Những xung đột trong quan niệm nuôi dạy này có thể khiến khơi mào các cuộc tranh luận "nảy lửa" của các bà mẹ.

Cùng điểm lại những quan điểm nuôi dạy con gây tranh cãi nhất trong năm vừa qua

Đẻ một con hay hai con

Ngày nay, đi ngược với quan điểm truyền thống, cứ gia đình là phải bố mẹ và hai con, rất nhiều phụ nữ lựa chọn chỉ đẻ một đứa và nuôi dạy cho tốt. Bài viết Nuôi một con mới là văn minh của độc giả Hoàng Lan chia sẻ đã nhận được rất nhiều bình luận của người đọc. Trong bài viết của mình, độc giả này kể lý do chỉ muốn sinh một con ban đầu khá mang tính cá nhân:

Đó là do việc mang thai, sinh đẻ, nuôi con thật quá nhiều áp lực và đến bây giờ, tôi dám cá 100% chị em phải nuôi con nhỏ đều cảm thấy “hãi”. 9 tháng mang thai thì nghén ngẩm, mệt mỏi. Lúc đi đẻ thì đau đớn vật vã như rách đôi cơ thể. Đến khi chăm con thì có những hôm vừa ôm con khóc mà mẹ vừa nước mắt như mưa. Thời gian đấy đối với tôi quả thật khủng khiếp. 

Lý do thứ hai, như độc giả chia sẻ, đó là vì:

Nuôi một con, tôi có điều kiện kinh tế tốt hơn cho con và cho cả gia đình. Tôi và chồng đều làm cho các công ty tư nhân, tổng thu nhập hàng tháng khoảng gần 40 triệu VNĐ – một mức thu nhập không quá lớn nhưng cũng đủ cho hai vợ chồng có được cuộc sống đầy đủ. Trừ tiền thuê một căn chung cư cao cấp, mua và chi trả cho một con xe 4 bánh, tiền sinh hoạt phí hàng tháng, tiền bỉm tiền sữa, tiền học cho con…vợ chồng tôi cũng còn một khoản chỉ gọi là đủ dùng. Nói thế nào thì nói, nuôi một đứa con cũng rất tốn kém. Do vậy, tôi không tưởng tượng được nếu cái “quĩ” 40 triệu của cả hai vợ chồng còn phải chia thêm cho một đứa con nữa, thì chúng tôi sống sao.

Có một con, chúng tôi có thể sáng sáng ăn bát phở, uống cốc café 200 nghìn. Nhưng nếu có hai con, chắc cả gia đình chỉ có thể ở nhà úp mì, uống nước lọc hàng ngày. Có một con, tôi có thể mua quần áo hàng hiệu, cuối tuần đi spa, chăm sóc cơ thể. Nhưng nếu có hai con, chắc tôi chỉ còn nước ra chợ mua những bộ quần áo nhàu nhĩ bình dân. Cuối tuần có rảnh rỗi cũng chẳng có tiền mà chăm sóc bản thân.

Tôi đã thấy rất nhiều cặp vợ chồng vì những gánh nặng cơm áo gạo tiền mà sinh ra cơm không lành, canh chẳng ngọt. Tôi cũng thấy rất nhiều phụ nữ vì một nách hai con mà nhan sắc phai tàn, chồng đi ngoại tình. Tiền không phải là nhất, nhưng là quan trọng. Những gánh nặng về kinh tế không chỉ khiến con tôi không được hưởng những gì tốt nhất, mà tôi cũng sẽ xuống sắc theo thời gian, hạnh phúc gia đình tôi cũng sẽ lao đao vì những áp lực tiền bạc.

Lý do thứ ba cũng là điều khiến các bà mẹ “lung lay” ý chí:

Có một con, tôi có thể cho bé dùng sữa Đức, bỉm Nhật, đi học mẫu giáo Anh…Nhưng nếu có hai con, chắc tôi chỉ có thể cho con dùng toàn “hàng Việt Nam” mà chất lượng thì chẳng biết là cao hay thấp. Sinh con mà không lo cho con đầy đủ tôi thấy áy náy lắm nên tôi muốn dừng lại một con để cháu được ăn học đầy đủ, tử tế.

Cách nuôi dạy gây tranh cãi nhất 2013 (P1) - 1
Đẻ một đứa để nuôi dạy con cho tốt? (ảnh minh họa)

Ngay từ khi con biết ăn, tôi đã tập cho bé ăn cá hồi, uống sữa, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý nên bé rất khỏe mạnh và thông minh. Chúng tôi rất vui vì bé mới 3 tuổi nhưng vô cùng tự tin, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, sống tình cảm. Tôi không quan trọng số lượng, mà thường ưu tiên ‘chất lượng . Có ít con, mình có điều kiện tập trung tối đa lo cho con tốt nhất để bé có thể phát huy mọi khả năng, sau này trở thành người hữu dụng cho xã hội. Như vậy còn tốt hơn là đẻ lắm mà cống hiến cho đất nước chỉ toàn những thế hệ hư hỏng, ham chơi hơn ham học, thần tượng K-pop hơn cả bố mẹ.  

Tuy nhiên, trái với những lập luận khá thuyết phục này, đại đa số các bà mẹ vẫn để lại bình luận và cho rằng quan điểm chỉ đẻ 1 con là vô cùng ích kỷ, chỉ đẻ một đứa để đảm bảo hạnh phúc của bản thân là không được. Thêm vào đó, trẻ là con một thường rất dễ hư, sinh tính đua đòi, độc đoán, lớn lên lại cô độc vì không có anh chị em. Cá biệt một số ý kiến còn cho rằng: “xui xẻo nếu đứa con duy nhất ốm đau hoặc nó giỏi giang quá lấy vợ ở đâu xa xôi không phụng dưỡng được bố mẹ thì còn có đứa con thứ hai thay thế”.

Ngay lập tức khi chủ đề này trở nên gây tranh cãi và quan niêm “chỉ đẻ một con” nhận được rất nhiều “gạch đá” thì lại có một độc giả lên tiếng bảo vệ quan điểm này. Bài viết “Đẻ một đứa sao lại là ích kỷ” nhận được khá nhiều đồng tình. Theo bài viết, những bà mẹ đẻ hai con vì lý do sau này nhỡ đứa này “hỏng” còn có đứa kia phụng dưỡng mới là ích kỷ vì “sinh con ra, là để cho con mình có cuộc đời hạnh phúc, là để cho con được ăn ngon mặc ấm. Tôi đâu sinh con đẻ cái, để mong về sau có đứa phụng dưỡng khi mình về già, có đứa thắp hương khi mình lên ban thờ? Cũng đừng nghĩ rằng đẻ nhiều con thì nó sẽ phụng dưỡng mình khi về già. Đừng trông đợi và đừng lấy đó làm mục tiêu sinh con. Nếu ta không biết cách dạy dỗ con cái, thì dù có sinh đến 5,7 đứa con, khi về già, cũng chẳng có ai bên mình chăm sóc, phụng dưỡng…

Thêm vào đó, “Ngày xưa các cụ nhà ta thích con đàn cháu đống. Càng những người ít tiền, tri thức kém, ở quê làm ruộng lại càng thích sinh nhiều. Cha mẹ vì muốn thỏa mãn nỗi lo sợ của mình rằng sau này tuổi già không có người chăm sóc mà cố sinh. Theo tôi, như vậy mới là ích kỷ. Chỉ vì những suy nghĩ lạc hậu, ta đã làm nghèo đi cả một gia đình, cả một đất nước. Nếu ta đẻ ra được một đứa con, nhưng lại không dạy dỗ cho nó được nên người, được thành tài thì cuộc sống của nó sẽ vô cùng khó khăn."

 Cuối cùng, độc giả này kết luận “Người mà chúng ta trông chờ sẽ chăm sóc ta khi về già, sẽ ‘trả ơn’ cho ta có thể sẽ vẫn khiến chúng ta phải tiếp tục lo lắng, phải tiếp tục kiếm tiền để nuôi không chỉ mình chúng mà cả vợ chúng, cả con chúng?”

Với những quan điểm, lập luận rất thuyết phục này, chủ đề “đẻ một con hay hai con” đã trở nên nóng hơn bao giờ hết. Đa số các bà mẹ đẻ hai con đều đã phải suy nghĩ lại về quan điểm này.

ĐẺ MỘT CON HAY HAI CON

Bạn đồng ý với quan điểm đẻ một con hay hai con




Có nên cho con học trường quốc tế

Nhớ lại khoảng thời gian giữa năm 2013, trước thềm năm học mới, vấn đề rất được các chị em quan tâm, đó là nên chọn trường gì cho con? Trường quốc tế hay là trường công? Bài chia sẻ của độc giả Bình Hoa về lý do vì sao chị “Nghèo vẫn cho con học trường quốc tế” đã trở thành chủ đề đề nóng bỏng và gây tranh cãi nhất của các bà mẹ.

Với các lý do như:

"Ngay từ đầu cho con đi học, tôi và chồng đã xác định trường học không chỉ là nơi truyền dạy cho con kiến thức mà còn là nơi giáo dục nhân cách con người. Mà việc giáo dục nhân cách con người ở các trường công thì tôi “hãi” lắm. Trẻ học trường công lập phải tiếp xúc với rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khác nhau. Trẻ ngoan có, trẻ hư cũng có. Tôi thực sự khó kiểm soát bạn bè của con mình. Trong khi đó, trẻ em ở các trường quốc tế thường có gia đình cơ bản, chí ít cũng được giáo dục cách cư xử đúng đắn."

Ở trường quốc tế, con còn quen được với rất nhiều bạn nhỏ nước ngoài, điều này giúp con tăng cường khả năng ngoại ngữ, hiểu thêm về văn hóa các nước và không ngại ngùng khi phải nói chuyện với “Tây”.

"Các trường công lập hiện nay quá chú trọng vào khoa học, vào các kiến thức hàn lâm thiếu tính ứng dụng. Trong khi đó, với chương trình học được thiết kế theo chuẩn của Mỹ hay Anh... ở các trường quốc tế, các con vừa được học, vừa được thực hành, có những môn học mang tính thực tế cao.

"Một ưu điểm nữa về cách giáo dục ở các trường quốc tế, đó là quan điểm “Không bài tập về nhà”. Rất nhiều cháu nhỏ, ngoài ngày 2 buổi trên trường, tối về lại cả mẹ cả con hò hét ngồi học cuống cuống sao cho hoàn thành đủ số bài tập về nhà cô giáo giao. Có khi mãi 11 giờ đêm mới hoàn thành, 6 giờ sáng hôm sau lai mệt mỏi vác sách đến trường. Việc  học như vậy khác nào đánh cắp tuổi thơ của các em?"

"Không như những trường công lập với những suất ăn 15.000, 20.000 mà vẫn chỉ lèo tèo dăm ba miếng thịt mỡ, cơm nguội, canh “nước lọc”, trường quốc tế hay ký hợp đồng cung cấp thực ăn trưa với một công ty sản xuất nổi tiếng, qui trình chế biến đảm bảo vệ sinh và đặc biệt: Khẩu phần ăn, thực đơn hàng ngày của các con luôn được công khai và thay đổi thường xuyên."

Cách nuôi dạy gây tranh cãi nhất 2013 (P1) - 2
Bữa ăn trưa của trẻ ở trường quốc tế có vẻ là ưu điểm rất hấp dẫn phụ huynh (ảnh minh họa)

…có vẻ, trường quốc tế đang là một lựa chọn tốt cho những gia đình có đủ hoặc gần sát điều kiện. Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến của độc giả để lại dưới bài viết này, chỉ ra những ưu điểm của trường công lập và nhược điểm của trường quốc tế như:

Trường quốc tế nếu nói đến kiến thức ngoại trừ tiếng anh thì thua trường công rất nhiều

Trường công có nhiều em ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng cuộc sống nó vốn như vậy. Phải để con mình biết không phải ai cũng may mắn như mình.

Không phải trường quốc tế nào ở Việt Nam cũng đạt chuẩn đâu bạn ạ. Giáo viên xịn hay tây balô dậy thì còn chưa biết được.

Trẻ học trường quốc tế thường rất tự tin nhưng cùng từ đó dẫn đến tự kiệu, không thích nghe lời.

Những bé đã quen với chương trình dạy của trường quốc tế, sau này khi chuyển trường công sẽ khó theo kịp bạn bè.

Việc học hành và chọn trường tốt cho con luôn vô cùng quan trọng vì nó đặt nền móng cho sự nghiệp, cuộc đời và suy nghĩ, kiến thức của trẻ. Chủ đề có nên cho con học trường quốc tế hay trường công lập vẫn khiến rất nhiều bà mẹ đau đầu và gây tranh cãi. 

CÓ NÊN CHO CON HỌC TRƯỜNG QUỐC TẾ

Nếu gia đình có đủ tiền chi trả, bạn có cho con học trường quốc tế




Xem tiếp Phần 2 Quan niệm nuôi dạy gây tranh cãi nhất 2013 về các vấn đề Ở nhà chăm con, Ăn dặm kiểu Nhật....tại mục Làm mẹ 

Hương Quỳnh (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé