Cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng, bé 14 tháng tử vong vì mắc bệnh bạch hầu

Ngày 19/10/2018 18:32 PM (GMT+7)

Việc cha mẹ không tiêm chủng bệnh bạch hầu cho con đã khiến bé 14 tháng tuổi nhiễm khuẩn và tử vong.

Mới đây, một em bé 14 tháng tuổi ở Johor (Malaysia) đã chết vì căn bệnh bạch hầu (Diphtheria) do không được cha mẹ tiêm vaccin trước đó khiến cho nhiều người vô cùng bàng hoàng.

Cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng, bé 14 tháng tử vong vì mắc bệnh bạch hầu - 1

Trong họng bé 14 tháng có xuất hiện vi khuẩn gây ra bệnh bạch hầu.

Trong một chia sẻ, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết: "Bé bị sốt và đau họng vào ngày 4/10. Em được đưa đến phòng khám tư nhân để điều trị ban đầu vào ngày 11/10. Ngay mấy hôm sau, 13/10 bé nhập viện khẩn cấp trong tình trạng khó thở và chán ăn. Bé cần được trợ giúp bằng máy thở. Cuối cùng em bé xấu số đã không qua khỏi và tử vong vào ngày 15/10 vì căn bệnh bạch hầu".

Cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng, bé 14 tháng tử vong vì mắc bệnh bạch hầu - 2

Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah lên tiếng cảnh báo các bậc cha mẹ nên đưa con đi tiêm chủng đầy đủ.

Một xét nghiệm đã được tiến hành kiểm tra ở vùng cổ họng bé cho thấy các vết bẩn hiện diện một loại vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae. Hiện tại, Bộ Y tế Malaysia vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm hoàn chỉnh.

"Việc trẻ không được tiêm phòng sẽ khiến bé bị nhiễm trùng do vi khuẩn gây nên. Chúng tôi muốn đưa ra trường hợp này để cảnh giác cho tất cả các bậc cha mẹ, họ cần phải cho con đi tiêm chủng đầy đủ. Việc không tiêm chủng ngừa cho trẻ em không chỉ khiến trẻ bị nhiễm trùng mà còn có thể gây hại cho cộng đông" - Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng bệnh khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Bệnh bạch hầu có 2 thể thường gặp nhất, đó là bạch hầu họng và thanh quản. Đặc biệt, độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể khiến 5-20% người bệnh mắc căn bệnh này tử vong. Theo đó, khi mắc bệnh, nếu màng giả lan rộng ở vùng hầu có thể gây tắc nghẽn đường thở, nếu độc tố mạnh, hấp thu lượng lớn có thể gây ra những biểu hiện nhiễm độc như đờ đẫn, hôn mê và có thể tử vong trong 6-10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, khi mắc căn bệnh này cũng thường gây biến chứng viêm cơ tim, viêm thận do vi khuẩn theo máu tấn công vào các cơ quan này. Biến chứng viêm cơ tim có thể xuất hiện sớm ở những ngày đầu của bệnh nhưng có thể muộn hơn 3 - 5 tuần dù bệnh đã phục hồi. Khi viêm cơ tim sẽ gây tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim khiến bệnh nhân tử vong đột ngột do trụy tim mạch. Biến chứng ở giai đoạn đầu thường nặng hơn, tiên lượng rất dè dặt, điều trị khó khăn.

Để phòng bệnh bạch hầu, PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo, phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đúng lịch, đúng độ tuổi (theo hướng dẫn và tư vấn của cán bộ tiêm chủng).

Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày và hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Những điều cần biết về tiêm phòng vắc xin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng không nhỏ. Ở trẻ em cách bảo vệ tốt nhất để tránh...
Chi Chi (Dịch từ Worldofbuzz)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Người mẹ cần biết