Nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng cấp quốc gia, 4 căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ này có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh giảm đáng kể trong những thập niên gần đây.
Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt là 4 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh giảm đáng kể trong những thập niên gần đây, nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng cấp quốc gia. Tuy nhiên, việc tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng chống 4 căn bệnh này vẫn là điều cần thiết.
Bệnh ho gà (Chứng ho lâu ngày)
Bệnh truyền nhiễm cao qua đường hô hấp. Bệnh được biểu hiện bằng những cơn ho dữ dội, có thể nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.
Bệnh bạch hầu
Là một căn bệnh dễ bị lây nhiễm khác. Bắt đầu với cổ họng bị sưng và đau dẫn đến việc khó thở và có thể ảnh hưởng tới tim. Có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh uốn ván
Mặc dù không phải là một căn bệnh truyền nhiễm, nhưng uốn ván do một loại vi khuẩn nguy hiểm gây ra có thể khiến cho trẻ em bị đau đớn. Các triệu chứng bao gồm chứng khít hàm và co thắt cơ.
Bệnh bại liệt
Một căn bệnh lây nhiễm chết người do siêu vi trùng gây ra. Trẻ nhiễm virus bại liệt thường không có triệu chứng và không được phát hiện. Trong một số trường hợp, sẽ dẫn đến chứng liệt.
Bệnh Ho gà – Bạch hầu - Uốn ván – Bại liệt lây truyền như thế nào?
Bệnh ho gà:
Bệnh ho gà lây truyền rất dễ dàng qua đường hô hấp trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua những giọt nhỏ nước bọt do người bệnh thải ra khi ho hoặc hắt hơi. (Ảnh minh họa)
Lây truyền rất dễ dàng qua đường hô hấp trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua những giọt nhỏ nước bọt do người bệnh thải ra khi ho hoặc hắt hơi. Hầu hết những người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh đều bị nhiễm. Ở nhiều nước, dịch có chu kỳ từ 3 - 5 năm.
Bệnh bạch hầu:
Lây truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp. Nó có thể gây nhiễm trùng mũi họng dẫn đến khó thở và tử vong.
Bệnh uốn ván:
Bệnh uốn ván không lây truyền từ người sang người. Người có thể bị nhiễm uốn ván khi vết thương hoặc vết cắt bị nhiễm bẩn. Tác nhân gây bệnh thường phát triển trong vết thương sâu do đinh, dao, mảnh vụn của gỗ bẩn và động vật cắn. Người phụ nữ có thể có nguy cơ nhiễm trùng cao nếu dùng dụng cụ bị nhiễm bẩn khi sinh hoặc nạo thai. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm bẩn nếu dụng cụ dùng để cắt rốn, chăm sóc rốn hoặc tay của người đỡ đẻ không sạch.
Trẻ nhỏ cũng có thể bị bệnh khi dùng các dụng cụ bẩn cắt bao qui đầu, rạch da và những thứ không sạch đắp vào các vết thương.
Bệnh bại liệt:
Chỉ có một đường lây truyền vi rút polio là qua đường tiêu hóa (phân/miệng). Vi rút vào cơ thể qua thực phẩm hoặc uống nước mang mầm bệnh. Vi rút nhân lên ở ruột, vào máu và có thể xâm nhập và làm tổn thương hoặc phá huỷ tế bào thần kinh tuỷ xám. Vi rút polio lưu hành mạnh ở những vùng vệ sinh môi trường kém.
Bệnh rất dễ lây. Hầu hết trẻ em sống cùng nhà với người mang mầm bệnh bị nhiễm vi rút. Ở người bệnh có khả năng đào thải vi rút từ 10 ngày trước và 10 ngày sau khi triệu chứng đầu tiên của bệnh. Những người lành mang vi rút cũng có thể trở thành nguồn truyền bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 6 đến 20 ngày.
Cách điều trị bệnh ho gà – bạch hầu – uốn ván – bại liệt:
Bệnh ho gà:
Điều trị kháng sinh, thông thường là erythromycin có thể làm cho bệnh đỡ nặng hơn. Vì kháng sinh sẽ diệt vi khuẩn ở mũi và họng, nên cũng giảm khả năng lây truyền bệnh sang người khác.
Cần bù dịch để phòng mất nước.
Bệnh bạch hầu:
Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và dùng kháng sinh như erythromycin hoặc penicillin và cần cách ly tránh lan truyền bệnh sang người khác. Cần nuôi cấy dịch họng để chẩn đoán. Bệnh nhân sẽ không còn khả năng lây lan sau 2 ngày điều trị kháng sinh thích hợp.
Để chẩn đoán xác định cần nuôi cấy bệnh phẩm từ họng của các trường hợp nghi ngờ. Tuy nhiên, cần bắt đầu điều trị ngay mà không đợi kết quả nuôi cấy.
Bệnh uốn ván:
Bệnh uốn ván ở mọi lứa tuổi cần phải điều trị cấp cứu tại bệnh viện.
Bệnh bại liệt:
Những triệu chứng ban đầu đau cơ và sốt có thể mất đi, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Máy thở có thể trợ giúp bệnh nhân có khó thở. Vật lý trị liệu, phẫu thuật chỉnh hình và nẹp có thể giúp làm giảm bớt hậu quả của bệnh.
Cách phòng bệnh:
Cách phòng bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt tốt nhất là đưa trẻ đi tiêm vắc-xin. (Ảnh minh họa)
Phòng bệnh bạch hầu:
Cách hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu là duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trong cộng đồng. Ở hầu hết các nước, vắc xin giải độc tố bạch hầu được tiêm cùng với vắc xin ho gà và giải độc tố uốn ván ( vắc xin BH – HG - UV). Gần đây một số nước đã sử dụng vắc xin phối hợp gồm vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và đôi khi cả vắc xin Hib.
Sau mỗi khoảng thời gian 10 năm, cần tiêm nhắc lại vắc xin loại dùng cho người lớn là giải độc tố uốn ván - bạch hầu (Td) để duy trì khả năng miễn dịch.
Phòng bệnh ho gà:
Tiêm vắc xin ho gà, thường là dạng kết hợp với vắc xin bạch hầu và uốn ván (DPT). Gần đây, một số nước sử dụng vắc xin phối hợp gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và đôi khi cả Hib nữa.
Phòng bệnh uốn ván:
Để phòng bệnh UVSS, trẻ nhỏ tiêm vắc xin DPT hoặc DT và người lớn tiêm Td/UV.
Để phòng bệnh UVSS cần tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và nữ sinh đẻ. Tiêm vắc xin uốn ván sẽ phòng được uốn ván cho mẹ và UVSS cho con.
Thực hành đẻ sạch đặc biệt quan trọng trong khi người mẹ sinh con, ngay cả khi người mẹ đã được tiêm vắc xin phòng uốn ván. Những người đã mắc uốn ván không có miễn dịch tự nhiên vì vậy cần thiết phải tiêm chủng.
Phòng bệnh bại liệt:
Phòng bệnh bại liệt bằng uống vắc xin bại liệt (OPV) hoặc vắc xin bại liệt bất hoạt theo đường tiêm (IPV).
Vì sức khỏe và tương lai của con bạn, hãy đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường. Thông tin chi tiết, tham khảo thêm tại website: http://tiemchungmorong.vn/vi |