Con trai tôi sinh thiếu tháng (thai 33 tuần). Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cách chăm sóc.
Hỏi: Con trai tôi sinh thiếu tháng (thai 33 tuần) và cân nặng lúc sinh là 2,0 kg. Chào đời, bé được nằm trong lồng ấp gần 10 ngày sau đó mới xuất viện. Khi vợ chồng tôi đưa bé về nhà, y tá có hướng dẫn nên chăm sóc bằng phương pháp kanguru.
Vợ chồng tôi rất thiếu kinh nghiệm chăm con. Mong bác sĩ góp ý thêm.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Câu hỏi của bạn đọc gửi từ địa chỉ email: vuquocthai@...
Trả lời:
Trước tiên, cảm ơn bạn đã gửi chia sẻ về Eva.vn
Chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng là thử thách cam go với tất cả các bậc làm cha mẹ, không riêng gì vợ chồng bạn. Với bé sinh thiếu tháng (sinh non), vợ chồng bạn cần đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị cho trẻ một môi trường sống sạch sẽ, ấm áp và an toàn.
Cần rửa tay sạch trước và sau khi chăm trẻ. Nên hạn chế số người thăm trẻ cũng như số người tiếp xúc khi không cần thiết, đặc biệt khi người đó đang bị cúm, ho hay các bệnh lây nhiễm khác…
Chăm con sinh thiếu tháng là thử thách cam go với tất cả các bậc làm cha mẹ. (Ảnh minh họa).
Đúng như y tá đã hướng dẫn, bạn nên nuôi con theo phương pháp kanguru và thường xuyên mat-xa nhẹ nhàng cho bé, cụ thể:
+ Phương pháp kanguru: Đây là một tiện lợi không tốn tiền mà đạt hiệu quả cao trong chăm sóc trẻ sinh non. Bạn đặt trẻ nằm sấp trên ngực mẹ giữa hai bầu vú, sao cho da mẹ và da bé kề nhau, đầu sát dưới cằm mẹ, mặt quay sang một bên. Đầu có thể đội mũ hoặc quấn khăn cho trẻ để giữ ấm, sau đó dùng một tấm chăn bông đắp lên người trẻ và ngoài cùng là áo của người mẹ.
+ Đảm bảo cho bé bú đủ (đặc biệt là sữa mẹ): Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo giúp bé tăng khả năng miễn dịch. Với trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân cần bú được lượng sữa gấp 3 lần so với trẻ bình thường.
Bạn nên nuôi con theo phương thức chia nhỏ thời gian trong mỗi bữa ăn. Cụ thể là: mỗi lần bé thực hiện động tác hút, mút sữa từ ti mẹ chỉ nên diễn ra trong khoảng 1 phút, trong đó thời gian thực sự để sữa chảy ra từ đầu ti mẹ vào khoang miệng bé kéo dài khoảng 10 giây, sau đó nên ngừng lại rồi mới cho bé mút sữa tiếp.
Làm như vậy sẽ giúp bé giảm thiểu nguy cơ nôn, trớ sữa và giảm áp lực lên cơ quan hô hấp.
+ Khi chăm sóc ở nhà: Không nên tắm hàng ngày vì da bé dễ bị khô. Giữ sạch, hấp hoặc ủi, khử trùng đối với tã lót trước khi sử dụng. Có thể tắm cho bé 1-2 lần trong tuần, đặc biệt là khi trời lạnh cần lưu ý giữ ấm. Ngoài ra, bạn cũng cần tắm nắng cho bé để bé tận hưởng nguồn vitamin D từ ánh sáng mặt trời, thời gian tốt nhất để tắm nắng là trước 9h sáng (khoảng 10-15 phút mỗi lần). Cũng không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho bé khi chưa có chỉ định của bác sĩ, kể cả thuốc bổ.
+ Cần theo dõi sát các biểu hiện của trẻ hằng ngày như: Nhịp thở, màu sắc da, tiêu hóa (số lượng ăn trong ngày, dịch nôn, mầu dịch nôn, số lần ỉa, tính chất phân, bụng trướng hay không, thóp, thân nhiệt, cân nặng). Có vậy mới nắm được sức khỏe con bạn có bình thường hay không. Vì cơ thể trẻ sinh thiếu tháng (trẻ đẻ non) rất yếu ớt, các cơ quan bộ phận trên cơ thể sẽ có những thay đổi hằng ngày.
Bạn cần biết: Trong khi nhu cầu đạm, vitamin, khoáng chất... của trẻ sinh non đều con hơn trẻ bình thường thì khả năng dung nạp và hấp thu của trẻ sinh non lại rất hạn chế do kích thước dạ dày không đủ lớn, khả năng tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất thấp... Trẻ sinh non khó tăng cân, hay bị trào ngược dạ dày thực quản, dễ ọc sữa tím tái. Trẻ sinh non cũng thường bị chướng bụng, khó đi tiêu vì thiếu men tiêu hóa và viêm ruột do niêm mạc ruột dễ bị tổn thương. Khoảng trên 30 ngày tuổi, trẻ dễ bị thiếu máu. Nuôi trẻ sinh non rất vất vả. Bạn chỉ có thể giảm bớt những căng thẳng, bất an, sợ hãi trong quá trình chăm sóc trẻ bằng cách tuân thủ lịch tái khám trẻ sinh non và nhất là cùng với các bác sĩ, tích cực theo đuổi một chiến lược dinh dưỡng đặc biệt cho con mình. |
Theo Th.s Bs Hoàng Hoa