Chỉ 30-40 phút cho mỗi lần nấu nướng, chị Hà Thương đã có những bữa cơm ngon, dinh dưỡng và đẹp mắt dành cho con trai ăn dặm.
Trong khi nhiều mẹ Việt thường tìm cách giới thiệu cho con những món ăn dặm mới lạ, hấp dẫn của nhiều nước trên thế giới thì chị Hà Thương (26 tuổi, hiện là nhân viên ngân hàng ở Bình Thuận) lại có quan niệm hoàn toàn khác. "Nếu là trẻ Việt Nam thì theo truyền thống gia đình, cơm vẫn là món chính ở các bữa ăn. Nên là bé nhà mình vẫn không ngoại lệ".
Con trai Trần Tấn Phúc của chị Hà Thương hiện hơn 18 tháng tuổi.
Chính vì thế, chị Hà Thương thường cố gắng tìm hiểu các thực đơn với cơm chứa nhiều dinh dưỡng và cách chế biến món cơm ăn dặm cho bé sao cho phù hợp, con thích ăn.
Bữa cơm thường có 4 món đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng
"Bé nhà mình ăn thô khá sớm, bé có thể ăn cơm từ 7,5 tháng.
Thời gian đầu để cho bé làm quen cơm thì cơm được nấu dạng cơm nát, cơm sẽ mềm và còn ướt, sau khoảng 1 tháng làm quen thì bé hoàn toàn có thể ăn cơm như người lớn.
Hiện tại, mình cho bé ăn cơm ở 2 bữa chính là trưa và tối. Buổi sáng thường là soup, cháo, bánh và sinh tố", bà mẹ 9X cho biết.
Theo đó, trong thực đơn 1 bữa dùng với cơm, chị Hà Thương thường chuẩn bị cho cho con như sau: 1 món mặn như thịt, tôm, cá, trứng; 1 món rau củ hấp hoặc xào và 1 món canh.
Về mặt dinh dưỡng, bữa ăn của bé cần phải đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm chất: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất để đủ dinh dưỡng.
"Mỗi bữa ăn của bé mình nấu khoảng 30-45 phút là xong bữa. Mình thường dành khoảng 3- 5 phút để trang trí, bày biện khay chén ăn bắt mắt cho con, đó cũng là 1 cách kích thích trẻ hứng thú với bữa ăn", chị Hà Thương cho biết.
Tạo hình cơm hấp dẫn để bé không chán ăn
Tuy nhiên, phòng trừ những trường hợp dù mẹ có chuẩn bị đa dạng đến mấy cũng sẽ có lúc bé chán cơm. Chị Hà Thương giữ riêng cho mình những phương án khác nhau để tránh tình trạng bé biếng ăn, kén ăn như xen kẽ các món soup, nui, mì, bún, pizza để thay đổi món cho con không ngán.
"Giải pháp là mẹ linh hoạt thay đổi món cho bé hàng ngày, hạn chế lặp lại món để bé không nhàm chán với bữa cơm. Ví dụ với thịt gà, mẹ có thể linh hoạt thay đổi cách nấu như xào, nướng, kho, hầm, chả gà rau củ,... để bé cảm thấy hứng thú với món ăn trong bữa ăn hôm đó".
Còn đối với cơm, các mẹ có thể tạo hình dáng hấp dẫn cho bé như hình chú gấu, ngôi sao, bông hoa,... chế biến cơm nhiều màu sắc như cơm tim tím từ bắp cải tím, cơm đỏ đỏ từ củ dền, cơm cam cam từ cà rốt, bí đỏ, cơm xanh xanh từ lá dứa,... Khi đó món cơm không chỉ bắt mắt mà còn giàu dinh dưỡng lại thơm ngon hơn. Hoặc mẹ có thể chế biến cơm cuộn, cơm chiên, cơm trộn để thay đổi cho lạ miệng.
"Mình tin là nếu mẹ chịu khó hiểu ý bé, nấu ăn bằng tất cả tình yêu thương thì các bé sẽ luôn ngon miệng trong bữa ăn của mình. Chúc các mẹ và các bé luôn có những bữa ăn ngon và vui vẻ".
Thực đơn "nghìn" món cơm ngon, hấp dẫn
Dưới đây là thực đơn một số món ngon với cơm nhiều chất dinh dưỡng, được trang trí bắt mắt mà chị Hà Thương thường chuẩn bị cho con trai. Mời các mẹ cùng tham khảo: