Chia sẻ của vị tiến sĩ có 2 con theo học đại học hàng đầu ở Mỹ về quy tắc 6-3-1 như làm “thức tỉnh” nhiều bậc cha mẹ trong việc nuôi nấng và dạy dỗ con cái thành tài.
Mang bầu, sinh ra một đứa con khỏe mạnh đã khó, việc nuôi dạy đứa bé thành người tài giỏi, có ích cho xã hội lại càng khó hơn. Thành bại trong công trình “xây dựng” cuộc đời con trẻ không chỉ ở bản thân đứa bé, ở xã hội mà chính cách dạy dỗ của những bậc cha mẹ cũng quyết định một phần không nhỏ.
Hiểu được những điều đó từ rất sớm, vị Tiến sĩ người Trung Quốc, Yin Yongyi đã tự xác định cho mình những quy tắc nuôi dạy con "có một không hai". Qua cuộc đời làm cha của ông và sự thành công của 2 đứa con, những nguyên tắc đó nhanh chóng trở thành bài học quý báu cho những ai đang làm cha mẹ, giúp họ có thêm hành trang vững chắc trong việc nuôi dạy con thành tài.
Tiến sĩ Trung Quốc Yin Yongyi
Ông Yin Yongyi có 2 đứa con: 1 trai, 1 gái. Con trai ông là William đã giành đươc học bổng toàn phần của 6/8 trường trong danh sách những trường đại học hàng đầu của Mỹ - Ivy League. Không chỉ vậy, các ngôi trường danh giá khác như MIT, Stanford cũng gửi thư mời William nhập học. Nhưng cuối cùng, chàng trai tài giỏi, độc lập này đã chọn Stanford để chắp cánh ước mơ học hành của mình. Trước đó, trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường, William cũng giành giải thưởng Premier Award – một danh hiệu cao quý cho học sinh trung học tại Mỹ.
Không chỉ William mà cô con gái của ông Yin Yougyi cũng có thành tích học tập không kém gì anh trai. Cô gái vừa quyết định nhập học ĐH Vanderbilt sau nhiều lần từ chối lời mời của một số trường trong danh sách Ivy League danh giá.
Có được 2 đứa con “như vàng như ngọc” đó, tiến sĩ Yin Yougyi không giấu nổi niềm tự hào và sẵn sàng chia sẻ bí quyết nuôi dạy con thành tài của mình ngay từ khi các con còn nhỏ. Ông Yin gọi đó là nguyên tắc “6-3-1”, áp dụng ngay từ khi các con còn nhỏ đến khi tốt nghiệp THPT và có thể theo mãi cuộc đời con người sau này.
Quá trình áp dụng các nguyên tắc này xuyên suốt thời gian vợ chồng ông Yin nuôi nấng, dạy dỗ 2 đứa con. Không một phút lơ là, quan tâm và bên cạnh các con ngay từ lúc nhỏ, vậy nên thành quả của vị tiến sĩ này ở hiện tại là những trái ngọt ai cũng phải thèm thuồng.
Nguyên tắc 6 nhiều – 3 rộng – 1 đột phá của vị tiến sĩ như sau:
6 nhiều – Áp dụng từ bậc học tiểu học
Nói nhiều hơn
Theo ông Yin, khi đứa trẻ muốn nói điều gì, bày tỏ điều gì thì cha mẹ cứ để con nói. Bạn đừng kêu ca phàn nàn “con lắm điều, con hay nói làm mẹ nhức đầu…” nếu như vậy, bạn đang hạn chế sự phát triển tư duy, ngôn ngữ của đứa trẻ. Thay vì kêu ca như vậy thì bạn cứ kệ con, “Cho dù những điều con nói ra là vô nghĩa, không rõ ràng. Bạn hãy tìm một chi tiết để hướng sự chú ý của đứa trẻ vào đó rồi cùng con tranh luận, để con có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình”.
Hơn nữa, khi tranh luận cùng con, cha mẹ không nên đứng mà ngồi xuống, nhìn vào mắt con để tạo cho con sự gần gũi, thoải mái khi giao tiếp.
Quy tắc này đã giúp “đánh thức” tài năng thiên bẩm của con gái ông Yin, bởi theo ông, hồi con gái ông học lớp 2, bé vô cùng nhút nhát và ít nói. Nhiều lúc đi vệ sinh, bé cũng không dám nói với cô mà chỉ đứng chỉ tay. Về nhà, dưới sự rèn luyện ngôn ngữ của cha mẹ, con gái ông Yin đã tự tin bày tỏ ý kiến. Bằng chứng là năm cấp 2, con gái ông đã trở thành một trong những MC chính của trường. Nói như vậy để thấy, nếu không có sự chỉ dẫn của cha mẹ, những đứa bé sẽ mắc cạn trong sự bí bách của ngôn ngữ và sự tự ti bị tích tụ, hạn chế tối đa sự phát triển tính cách và tài năng sau này.
Quan sát nhiều hơn
Lời nói phải đi đôi với sự quan sát, trí tưởng tượng nếu không những lời nói đó sẽ trở thành sáo rỗng và vô nghĩa. Để làm phong phú ngôn từ của con cái, cha mẹ nên đưa con đi khám phá thế giới xung quanh bằng cách đưa con đi thăm viện bảo tàng, công viên, sở thú hay đến các khu trung tâm thương mại.
Trong những chuyến đi này hãy trò chuyện cởi mở cùng con, hướng cho trẻ niềm thích thú với thiên nhiên, mở rộng kiến thức và nuôi dưỡng ước mơ của con cái.
Cha mẹ chính là người góp phần nhỏ vào công trình "xây dựng" con cái thành tài
Suy nghĩ nhiều hơn
Đừng áp đặt một đứa trẻ ngoan là nghe lời bố mẹ, cha mẹ nói gì cũng đúng và nghe theo răm rắp. Nếu không có sự phản bác, sự tìm tòi và tranh luận công bằng sự phát triển của đứa bé đang bị kìm hãm. Cha mẹ phải có trách nhiệm “đánh thức” bộ não của các con bằng đặt ra câu hỏi, thậm chí đặt câu hỏi ngược lại khi con đang thắc mắc với mình để con tư duy nghĩ ngợi. Ngay cả khi không trả lời được câu hỏi của con, đừng lảng đi và im lặng, tại sao bạn không gợi ý con cách tìm đáp án qua sách vở hoặc internet.
Viết nhiều hơn
Viết chính là lúc bộ não được hoạt động sâu sắc nhất, khi trẻ viết, trẻ được giải tỏa tâm lý và sẽ dần khắc phục được những hạn chế về cách dùng từ, đặt câu… từ đó cải thiện được khả năng diễn đạt, giúp ích rất lớn cho việc học tập sau này.
Luyện tập nhiều hơn
Rèn luyện thể dục thể thao là vô cùng quan trọng với mọi lứa tuổi, đối với một đứa bé cũng vậy. Hình thành được thói quen bảo vệ rèn luyện sức khỏe sẽ tạo cho trẻ một thể chất khỏe khoắn để học tập tốt hơn.
Yêu nhiều hơn
Tình yêu là liều thuốc bổ trong cuộc sống mỗi con người. Cha mẹ hãy dạy con cách truyền tình yêu đó vào những việc làm có ích cho những người xung quanh và vô hình chung cũng nuôi dưỡng được tình yêu đó lớn hơn.
Lấy ví dụ cho quy tắc này, tiến sĩ Yin nói rằng, 2 đứa con của ông thích học đàn piano nhưng không có cơ hội biểu diễn trước mọi người, ông đã gợi ý chúng biểu diễn một bản nhạc vào ngày kỷ niệm đám cưới của đôi vợ chồng già hàng xóm. “Bản nhạc ấy đã nhận được sự cổ vũ từ mọi người và 2 đứa con của tôi càng có thể động lực để sống với đam mê âm nhạc của mình hơn bao giờ hết”, ông Yin nói.
Hãy bên con từ những điều nhỏ nhất
3 mở rộng – Áp dụng từ bậc THCS
Mở rộng giao lưu, kết bạn
Khi lên cấp 2, trẻ em cần được khuyến khích kết bạn nhiều hơn. Cha mẹ không nên cấm con chơi với những người bạn không tốt vì lo sợ nhiễm tật xấu. Ngược lại, hãy để con thoải mái kết bạn với mọi người, dạy con biết tìm ra điểm mạnh điểm yếu của bạn bè và chọn lọc tích cách tốt để học tập. Hơn nữa, dạy con đừng nên chia bè phái, hay chỉ chơi với một nhóm nhất định, vì chơi nhiều bạn sẽ đa dạng được môi trường tiếp xúc, hình thành cách ứng xử khéo léo với từng tình huống.
Mở rộng tài năng
Nếu cấp 1 là thời điểm để hình thành gốc thì cấp 2 là lúc để con bạn có thể bẻ nhánh trên gốc cây đó. Ngoài việc học văn hóa thì việc phát triển những sở thích khác như vẽ, múa, chơi thể thao, bơi… là cần thiết, giúp con định hướng được sở thích và ước mơ sau này.
Mở rộng kiến thức khoa học
Cũng như các môn nghệ thuật thì hãy khơi gợi cho con niềm đam mê với các môn khoa học trong giai đoạn này. Tìm được sở thích lúc này là thời gian vừa đủ để xác định hướng đi của một đứa trẻ trong tương lai.
1 đột phá – giai đoạn THPT
Sau các quy tắc 6 nhiều và 3 mở rộng, chắc chắn cha mẹ đã đủ hiểu con cái của mình có thích gì và khả năng của con đối với các vấn đề xung quanh cuộc sống. Đây là giai đoạn quyết định để chuẩn bị hái quả thành công. Việc biết mình yêu thích môn học nào ngay từ cấp 2 thì cấp 3 là lúc “tổng tấn công lực lượng” cho việc học tập rèn luyện môn học đó. Như vậy, trẻ sẽ dễ thành công hơn với lĩnh vực là thế mạnh của mình.