Dù khuyết tật đôi tay, cô bé Võ Ngọc Ân (6 tuổi) vẫn có ước mơ trở thành họa sĩ để vẽ tranh, bán lấy tiền chữa bệnh cho bà nội.
Suốt nhiều ngày rong ruổi tại khu chợ Bến Thành (TP.HCM), chúng tôi đã tìm gặp được hai bà cháu cô bé “chim cánh cụt”. Từ phía xa, hình ảnh một cụ bà đội chiếc nón lá cũ đi cùng bé gái chừng 5-6 tuổi, phần hai tay bị cụt, kẹp tập vé số ở cổ, khập khiễng từng bước chân vào quán ăn mời khách mua.
Khi đến gần, bé gái nhanh nhảu cười chào. Dù vậy, gương mặt em hiện rõ vẻ nhợt nhạt, xanh xao. Hỏi ra mới hay, cô bé không tay mới xuất viện hôm trước. Nay khỏe hơn, hai bà cháu lại tiếp tục công việc bán vé số mưu sinh.
"Ba mẹ con bé tách riêng hộ khẩu hai bà cháu"
Kể về hoàn cảnh của cô bé không tay, bà Trần Thị Láng (56 tuổi- Bạc Liêu) cho biết: “Con bé chào đời khi chưa đủ tháng, từ lúc cất tiếng khóc, nó đã không có tay, cột sống bị lệch. Các con tôi thấy vậy đã bỏ mặc nó trong bệnh viện. Thương cháu, tôi ẵm lên tuyến trên chữa trị nhưng không được. Tôi đưa nó về quê và nuôi nấng đến bây giờ. Quãng thời gian qua, ba mẹ nó không hề đoái hoài, hỏi thăm sức khỏe con bé. Thậm chí, chúng còn tách riêng hộ khẩu, để tên con bé chung sổ với tôi”.
Bé Ân biết đi, bà Láng quyết định khăn gói lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề bán vé số quanh khu chợ Bến Thành. Mỗi ngày, bà lấy khoảng 150 tờ và chỉ bán trong buổi sáng. Bữa nào vắng khách, hai bà cháu mới nán lại đến trưa.
“Sáng nào cũng vậy, tôi và con bé dậy từ rất sớm, bắt xe bus từ Bình Chánh ra chợ Bến Thành rồi đến đại lý vé số. Khoảng trưa, tôi đưa nó về nhà. Có người bảo, con bé được cho nhiều tiền nên về sớm nhưng không phải vậy! Nó mắc bệnh hen suyễn. Thi thoảng, nó lên cơn phải nhập viện. Vì vậy, tôi không bao giờ để con bé mệt và đi nhiều”, bà Láng tâm sự.
Vì ít người mua vé số nên hai bà cháu chỉ kiếm được khoảng vài chục nghìn mỗi ngày. Thậm chí, có buổi còn chẳng kiếm được đồng nào. Những ngày đó hai bà cháu chỉ dám ăn bánh mì và uống nước lọc. Nhiều bữa, bé Ân thèm cơm lắm, thương cháu bà đành hứa ngày sau sẽ mua cơm hộp để ăn bù.
Với số tiền ít ỏi kiếm được nhờ bán vé số dạo, bà Láng phải chi trả mọi thứ, từ phí sinh hoạt đến tiền thuốc cho bé Ân. Năm ngoái, em bệnh dài bà phải đi vay nặng lãi đóng viện phí nên giờ vẫn chưa trả nợ hết cho người ta.
“Tôi sợ tôi chết đi, con bé sẽ bơ vơ không chốn về”
Hình ảnh cô bé “chim cánh cụt” đi bán vé số với bà nội đã quá đỗi quen thuộc với người dân khu chợ Bến Thành. Ấy vậy, chỉ cần đi xa một chút, người ta sẽ nghĩ bà Láng lợi dụng trẻ tật nguyền đi kiếm tiền.
“Đợt chợ vắng khách, tôi đưa con bé qua quận 4. Nào ngờ, người ta nghĩ tôi là người xấu, dùng gậy đánh đập, xua đuổi và giữ lại con bé. Nó gào khóc gọi, họ mới chịu buông ra. Tôi dùng sức lao động kiếm tiền chứ có xin của người ta đâu mà bị hắt hủi, xa lánh…”, bà Láng nghẹn ngào.
Nhắc đến tương lai, bà Láng im lặng, hướng ánh mắt đượm buồn về phía xa. Lúc sau, bà nói, bà không dám nghĩ tới câu chuyện ngày mai sẽ như thế nào, sợ một ngày nào đó không còn, Ân sẽ bơ vơ không nơi nương tựa. Nhưng, nỗi sợ hãi ấy chưa thể bằng nỗi lo khi em lên cơn hen suyễn.
Kể chuyện, tôi thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má gầy, nhăn nheo bà Láng. Có lẽ, đó là giọt nước mắt đớn đau, buồn khổ xen chút sợ hãi của người bà bao năm tần tảo nuôi cháu nội bị ba mẹ ruột ruồng bỏ.
"Con muốn nội được chữa bệnh..."
Thấy bà nội khóc, bé Ân ghé sát tai chúng tôi: “Con nói cô nghe này! Cô có quen ai làm bác sĩ không? Nội con đau xương khớp. Con muốn nội được chữa bệnh. Nội chết, con không biết ở với ai…”.
Ít ai ngờ rằng, một đứa trẻ tật nguyền thiếu vắng tình cha mẹ có thể nói được những lời yêu thương đến vậy! Dường như, bé Ân hiểu được hoàn cảnh của mình và tình yêu của bà dành cho em.
Chúng tôi hỏi bé Ân về ước mơ khi lớn lên, thay vì trả lời, bé hỏi ngược: “Cô à! Bán tranh có nhiều nhiều tiền không? Con muốn trở thành họa sĩ để vẽ tranh lấy tiền chữa bệnh cho nội. Sau đó, con sẽ mua căn nhà nhỏ, nội không phải chịu nắng mưa. Cô giúp con bán tranh nhé!”.
Vừa dứt lời, bé Ân dùng chân quặp lấy viên gạch nhỏ dưới đường và bắt đầu đưa chân vẽ xuống nền. Những nét vẽ vụng về tưởng chừng như một trò chơi con nít nhưng chất chứa bao ước mơ của một đứa trẻ không tay.
Theo chân bé Ân đi bán vé số, chúng tôi khá bất ngờ với cách ứng xử của em. Gặp ai, bé cũng lễ phép chào hỏi, mời mua vé số. Nếu có người từ chối không mua, em vẫn cười tươi và cúi chào cảm ơn!
Giữa cái nắng chói chang của Sài Gòn, cô bé “chim cánh cụt” vẫn miệt mài kẹp tờ vé số ở cổ, tung tăng khắp các con đường đi bán cùng bà. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi nghĩ đến chàng trai không tay, không chân Nick Vujicic và chàng họa sĩ tật nguyền vẽ tranh bằng miệng Lê Minh Châu. Họ khuyết tật nhưng luôn giàu nghị lực sống!
Hy vọng rằng, trong tương lai, cô bé Vũ Ngọc Ân sẽ trở thành một họa sĩ giỏi, thực hiện được mơ ước cao đẹp ấy!