Theo chị Mỹ Huyền, việc dùng thức ăn xay cho con sẽ khiến bé phụ thuộc và quen với thức ăn mịn, lâu dần rất khó tăng độ thô, phản xạ nhai kém.
Là một giáo viên lại làm thêm vài công việc ngoài giờ nên chị Mỹ Huyền (27 tuổi, Tân Phú, TP.HCM) khá bận rộn, chị thường không có nhiều thời gian dành cho bản thân mình. Tuy nhiên, trong việc nuôi con, chị Huyền lại đặc biệt chú trọng.
Khi con gái Jolie đến tuổi ăn dặm, với sự giúp đỡ của chồng, chị Mỹ Huyền cố gắng sắp xếp thời gian để đảm bảo bé có những bữa ăn ngon miệng nhất theo phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN). Đặc biệt là cùng con trải qua hành trình "Ăn dặm không nước mắt".
Vợ chồng chị Mỹ Huyền và bé Jolie (hiện tại được 9,5 tháng).
Cho con ADKN - Nói "Không" với máy xay
“Khi bắt đầu cho con ăn dặm mình nấu cháo và dashi trữ đông trong 1 tuần, riêng rau củ quả, thịt cá mình chọn cách chế biến trong ngày để giữ trọn hương vị các món cho con”, chị Mỹ Huyền chia sẻ.
Theo đó, 4 ngày đầu tiên chị Huyền cho Jolie ăn cháo trắng 1:10 rây mịn.
Từ ngày thứ 5 bé sẽ bắt đầu được giới thiệu lần lượt rau, củ, quả và nước dùng dashi...
Đến ngày thứ 15, bé Jolie được làm quen với đạm thực vật từ đậu nành/đậu hũ non. Và sau 1 tuần tiếp nữa là đạm động vật từ các loại cá có thịt trắng (cá sông, các đồng), lòng đỏ trứng, sữa chua, phô mai...
Trong quá trình chế biến đồ ăn dặm cho con, chị Mỹ Huyền đặc biệt nói “không” với máy xay vì theo chị khi dùng thức ăn xay con sẽ phụ thuộc và quen với thức ăn mịn lâu dần rất khó tăng độ thô, phản xạ nhai kém.
Hiện tại Jolie đã biết nhai và xử lý thức ăn rất thạo.
“Mình dùng dụng cụ trong bộ chế biến (*) rất đơn giản và đây cũng là điều giúp bé Jolie có phản xạ nhai - nuốt rất tốt và không hề ngậm khi ăn. Tuy có hơi lâu và lách cách trong khâu chế biến nhưng bù lại con được làm quen với các món thô sớm, ăn ngon miệng hơn, từ đó giúp hệ tiêu hoá của con hấp thu dinh dưỡng và bài tiết tốt hơn”, chị Huyền tâm sự.
Cũng theo mẹ bỉm sữa này, với phương pháp ADKN, trẻ được ăn riêng biệt từng món giúp làm quen với từng vị rất tốt. Ngoài ra các bé còn được rèn thói quen nghiêm túc khi ăn, không tivi, không đi rong, không đồ chơi... đồng thời hình thành tính tự lập cao. Khi 1 tuổi bé sẽ được rèn luyện kỹ năng cầm muỗng - nĩa tự xúc ăn rất tốt.
Điều hay nhất của phương pháp này là bé sẽ được làm quen với cháo trắng ngay từ ngày đầu tiên ăn dặm mà không phải ăn bột như ăn dặm truyền thống và không ăn thô ngay ngày đầu như phương pháp BLW. Bé sẽ được tăng độ thô theo từng giai đoạn khá dễ dàng và hầu như không gặp khó khăn nhiều. Ở mốc 9 tháng tuổi vừa qua, chị Mỹ Huyền đã bắt đầu cho con dùng thực đơn với cơm nát, bé tiếp thu rất tốt.
Hiện tại Jolie đã biết nhai, xử lý thức ăn rất thạo và hầu như không khóc lóc mè nheo khi ăn. Đó là điều mà chị Mỹ Huyền cảm thấy hạnh phúc nhất.
Quy trình chế biến món ăn dặm qua từng giai đoạn
Cách nấu cháo: 1:10 (tức 1 muỗng gạo 5ml : 10 muỗng nước) thêm chút sữa mẹ hoặc sữa công thức để làm loãng cháo. Lượng cháo cho 3 ngày đầu là 1muỗng cafe (5ml)
*Lưu ý: 3 ngày đầu nên rây kỹ lại 2 lần cho cháo mịn.
Cách chế biến rau (Giai đoạn 1): chần qua nước sôi hoặc hấp để ráo, cắt nhuyễn, giã, thêm chút nuớc dashi và rây lại cho mịn.
Cách chế biến củ quả: hấp chín, nghiền nhuyễn và thêm chút nước dashi rây mịn.
Cách chế biến trái cây: tất cả đều hấp qua hoặc chần nước sôi, nghiền hoặc ép thì pha theo tỉ lệ 1:6 (tức 1 muỗng nước ép thì: 6 muỗng nước ấm).
Cách ép trái cây: mài trái cây ra và pha thêm nước ấm lọc qua rây, vắt lấy nước ta có được nước ép (chưa pha).
*Lưu ý chỉ áp dụng trái cây ngọt.
Các giai đoạn bổ sung đạm thực vật - động vật như sau:
Giai đoạn 1 (5-6 tháng): từ 6,5 tháng có thể bắt đầu ăn đậu hũ non, trứng gà (chỉ ăn 1/2 lòng đỏ trứng), sữa chua, phô mai và cá thịt trắng.
Giai đoạn 2 (7-8 tháng): Cá hồi + gan gà + tim gà + thịt gà + lươn đồng + ếch đồng + bồ câu+ cua đồng + tôm sông.
Đến 8 tháng cho bé dùng thịt lợn.
Giai đoạn 3 (9-10-11 tháng): cho bé dùng thịt bò + nghêu (hải sản)...
Dưới đây là một số công thức chế biến món ăn cho bé ăn dặm do chị Mỹ Huyền chia sẻ, mời các mẹ tham khảo:
- Bí đỏ hấp hạt sen, đậu đỏ, đậu mắt ngọc, đậu cúc, thịt heo, nêm dầu quả bơ.
- Các loại đậu (tươi) ngâm 30 phút cho mềm.
- Cắt mặt quả bí đỏ, dùng muỗng nạo ruột ra.
- Cho thịt heo + các loại đậu + ruột bí đỏ vào nồi luộc sơ vừa chín tới.
- Thịt heo xé nhuyễn, giã tơi và dùng kéo cắt nhuyễn lại. Các loại đậu nghiền nhuyễn và rây lại bỏ vỏ.
- Ruột bí nghiền nhuyễn.
Cho hỗn hợp thịt + thêm chút nước dashi + các loại đậu + ruột bí vào trong quả bí (bề ngoài vỏ bí đã được phết chút dầu phủ mỏng để giữ khi hấp vỏ không bị teo, nhăn và luôn xanh).
- Đặt quả bí vào trong vỉ hấp, hấp đến khi kiểm tra bên trong nắp bí ngả vàng sậm và mềm là tắt lửa, cho thêm 5ml dầu quả bơ vào là xong.
Lấy nước luộc đậu + thịt lúc đầu ra bát/cốc làm tráng miệng cho bé.
- Đậu hà lan, cà rốt hấp chín (băm nhuyễn), rau cải ngọt chần qua nước sôi cắt nhuyễn.
- Sốt phô mai: nghiền 1 viên phô mai nhỏ cùng 15ml nước lọc, cho lên bếp đun lửa thật nhỏ và khuấy đều tay đến khi hỗn hợp sệt lại là được.
- Soup bắp Mỹ: Cho lên bếp 100ml nước dashi cùng 1/4 trái bắp (đã được bào nhuyễn) đun sôi 3 phút là xong.
- Khoai mỡ hấp-nghiền.
- Thịt bò băm nhuyễn, giá cắt khúc, cà chua bỏ vỏ cắt hạt lựu.
- Phi dầu tỏi thơm, cho cà chua, kế tiếp thịt bò vào xào, sau cùng cho giá + 15ml dashi. Đợi 3 phút sau tắt bếp.
- Canh bí đỏ thịt bằm: Bí đỏ cắt hạt lựu, thịt băm nhỏ, đậu phộng rang (giã nhuyễn). Phi tỏi cho thịt vào xào săn, cho nước dashi đun sôi tiếp tục bỏ bí đỏ vào nấu chín mềm tắt bếp rắc đậu phộng lá quế lên là xong .
- Cá hồi áp chảo: Làm nóng chảo chống dính, cho cá vào áp chảo đến khi vàng 2 mặt là được.
- Cháo gà tiềm: Gà ác làm sạch bỏ chân, đậu xanh + táo tàu + long nhãn ngâm trước 1 giờ, cà rốt + hạt sen + sâm + kỷ tử rửa sạch để ráo.
- Cho tất cả vào nồi nước (dashi) hầm đến khi thịt gà mềm là được.
- Cho thịt ra tô xé vừa độ thô của bé, cà rốt + hạt sen giã nhuyễn múc ra bát, phần nước hầm cho riêng ra 1 bát khác tráng miệng.
- Phần nước hầm còn lại đem nấu cháo cho bé là xong.
- Su hào xào thịt: Bắc chảo lên phi hành tỏi thơm rồi cho thịt băm vào xào săn, tiếp tục cho su hào cùng 50ml nước dashi và đun mềm, sền sệt nước là được.
- Canh dashi chùm ngây: Đun sôi dashi và cho chùm ngây (đã được cắt nhuyễn) vào, tắt bếp ngay là xong.
- Trứng gà sốt bơ: Bơ nghiền trộn với lòng đỏ trứng (đã được hấp chín)
- Canh măng tây: Dashi đun sôi cho măng tây (đã được băm nhuyễn) vào đun đến khi mềm là được.
- Cá lóc hấp chín gỡ xương + xé vụn, bí ngòi hấp-rây cho thêm 10ml nước dashi làm sệt.
- Canh tảo bẹ + cà rốt: Đun sôi dashi cho 5ml tảo (đã được sao khô trên chảo và xay nhuyễn), tiếp tục cho cà rốt (đã được băm nhuyễn) vào. Đun đến khi cà rốt mềm là được.
- Bí đỏ sốt đậu phộng: Bí đỏ hấp-nghiền, đậu phộng hấp giã nhuyễn thêm chút dashi làm sệt.
- Canh khoai môn + lươn: Dashi đun sôi và cho lươn vào (nấu thật kỹ) gỡ xương + xé vụn, sau cùng cho khoai môn vào tiếp tục đun chín mềm tắt bếp và rây, bổ sung thêm 5ml dầu vào là xong.
- Salad rau củ: 1 quả dưa chuột, 1/3 quả cà rốt, 2 của khoai tây bi, hấp chín rây lại và cho 15ml yaourt sữa mẹ vào.
- Canh cá lóc rau muống mầm: Đun sôi dashi, cho cá vào đun chín (gỡ xương, xé vụn) kế tiếp cho rau muống (cắt khúc) vào và tắt bếp ngay. Sau cùng cho 5ml dầu ăn.
- Khoai sọ hấp -rây cho 2 giọt dầu mè.
- Dashi đun sôi cho tôm vào nấu chín, bỏ vỏ/chân, sống lưng, chừa mắt tôm lại. Cắt vụn tôm và giã tơi.
- Rau cải mầm chần nước sôi cắt nhỏ là được.
- Canh dashi được đun sôi, cho rau mầm vào và tắt bếp, cắt rau vụn vừa ăn.
- Cá lóc hấp, gỡ xương xé vụn. Cà chua hấp chín bỏ hạt + vỏ rây lại, trộn với cá là xong.
- Cháo được nấu cùng đậu xanh (đã ngâm qua đêm) nhừ, xong và rây lại.
- Măng tây hấp-rây
- Cá lóc hấp cùng vài lát gừng, gỡ xương xé vụn. Nêm thì là (đã được chần nước sôi).
- Cháo trắng đã được nấu trước đó, trứng (lòng đỏ) hấp lên và nghiền nhuyễn là được.
- Bắp cải tím hấp-rây lại, bí ngòi đun cùng nước dashi và rây lại,sau cùng rắc ruốc tép đồng vào là xong.
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia uy tín. Những thắc mắc của quý độc giả về Sức khỏe trẻ em sẽ được các chuyên gia giải đáp vào 15h30 thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần trên chuyên mục Làm mẹ - Eva.vn. |