Người bố để lọ keo trên bàn, chạy đi tìm chiếc giày để dán, chỉ vài giây sau, cô con gái 2 tuổi đã nhầm tưởng đó là lọ nước uống và cho vào miệng...
Gia đình có trẻ nhỏ, bố mẹ thường phải cẩn thận hơn trong cuộc sống hàng ngày để tránh những tai nạn có thể xảy ra với con. Nhưng ngay cả khi đã rất đề phòng thì với sự tò mò của trẻ, chúng vẫn có thể gặp nguy hiểm một cách bất ngờ, không ai lường hết được. Trong những tình huống này, bố mẹ cần có kiến thức và kinh nghiệm sống cũng như sự bình tĩnh để xử lý.
Câu chuyện của bà mẹ có tên là Bảo Ma, Thâm Quyến, Trung Quốc dưới đây là một ví dụ điển hình. Giống như nhiều gia đình khác, trong nhà của họ luôn có 1 lọ keo 502 để dán mọi thứ. Vì có con nhỏ nên vợ chồng Bảo Ma cực kì cẩn thận. Họ luôn cất kĩ lọ keo để con gái không bao giờ có thể tìm thấy được.
Nhưng rồi hôm đó, chồng của cô dán chiếc giày bị bong. Anh để lọ keo trên bàn, sau đó chạy đi vài giây để tìm chiếc giày còn lại. Trong suy nghĩ của người bố, con gái đang chơi gần đó sẽ không để ý và anh chỉ chạy đi trong vài giây thôi. Thế nhưng ngay sau khi bố rời đi, con gái của họ đã tiến tới bàn, cầm lọ keo lên và nghĩ rằng đó là một thứ đồ uống xinh xắn. Cô bé đã đổ vào miệng mình.
502 là loại keo được nhiều gia đình sử dụng để dán các vật dụng hỏng trong nhà (Ảnh minh họa)
Lúc này, vợ chồng Bảo Ma bước ra và nhìn thấy cảnh tượng đó. Bố của bé đã hét lên, lao tới giằng lấy lọ keo từ tay con gái mình. Cô bé đã bắt đầu có biểu hiện bất thường, mắt trợn lên, tay ôm lấy cổ. Bảo Ma khóc như mưa vì sợ rằng cổ họng con sẽ bị dính lại, bị tổn thương và có thể không nói được.
Thật may mắn, chồng của Bảo Ma đã hết sức bình tĩnh. Anh nhớ lại có lần mình đã để dính nước vào khi đang dán keo và vì thế mà keo không có tác dụng dính nữa. Ngay lập tức, vợ anh lấy khăn ướt ra, cho tay vào miệng con, cố gắng lau thật sạch lượng keo dính ở phần cổ họng. Bé được uống nước và súc miệng nhiều lần để làm giảm tác dụng của keo. Sau khi tình trạng của bé ổn hơn một chút, vợ chồng Bảo Ma nhanh chóng đưa con đến bệnh viện.
Các bác sĩ đã sử dụng thuốc để giúp bé loại bỏ các cục keo còn lại trong cổ họng, sau đó cho bé uống 1 loại thuốc khiến trẻ hoàn toàn thoát khỏi nguy hiểm. Bác sĩ khen ngợi cách làm của hai vợ chồng khi sơ cứu bằng nước để tránh keo lại dính cổ họng và kịp thời đưa con đi cấp cứu, nhờ vậy đứa bé mới được an toàn.
Nếu một lượng keo lớn dính vào họng và không được làm sạch, chỉ trong một thời gian ngắn keo sẽ cứng lại trong cổ họng và thực quản, nó sẽ làm hỏng thanh quản và gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
Chỉ một phút sơ suất có thể khiến con trẻ gặp tai nạn (Ảnh minh họa)
Từ câu chuyện của vợ chồng trẻ Bảo Ma, các bậc cha mẹ nên lưu ý những điều sau để tránh những tai nạn có thể xảy ra với con mình:
Giữ con tránh xa những vật phẩm nguy hiểm
Trẻ em từ 1-3 tuổi đang trong giai đoạn tìm kiếm, khám phá kiến thức về thế giới. Chúng tò mò về mọi thứ trong cuộc sống, muốn chạm vào thậm chí nếm thử tất cả những gì chúng nhìn thấy trước mắt mình. Đây là cách mà trẻ tiếp cận với thế giới và cha mẹ không nên ngăn chặn điều đó.
Điều mà cha mẹ cần làm là chú ý hơn đến cuộc sống hàng ngày và chú ý hơn đến con mình. Những vật dụng như: keo dính, kéo, kim, la bàn, nhiệt kế… hay bất cứ thứ gì dễ gây hại cho trẻ đều cần phải được cất thật kĩ.
Cha mẹ cần có kĩ năng và kiến thức để cứu nguy trong những tình huống tai nạn của con (Ảnh: Sohu)
Nói cho con biết về những vật dụng nguy hiểm không được chạm vào
Không chỉ cất kín những món đồ nguy hiểm, bố mẹ cần phải giải thích, dạy con về những món đồ này để trẻ tự nhận thức được. Hãy cầm món đồ đó ra, nói với con đây là gì và tại sao con không thể chạm vào chúng. Nhờ đó, bé sẽ phần nào hiểu được nguyên nhân và cảm thấy mất hứng thú, thậm chí là sợ hãi với những đồ vật nguy hiểm đó.
Sự phát triển của con cái cần được chăm sóc cẩn thận, chú đó. Do đó, cha mẹ cũng nên có những kỹ năng, kinh nghiệm nho nhỏ để kịp thời cứu nguy trong những tình huống khẩn cấp.