Chị Hằng đem con bị hội chứng tự kỷ đến bệnh viện khám. Sau khi kiểm tra và quan sát hành vi nhận thức của bệnh nhi, bác sĩ động viên mẹ cháu bé: “Chị cứ yên tâm đi, nay mai nó sẽ là tiến sĩ đấy!”.
Chị Nguyễn Hằng ở Hà Nội có con trai 8 tuổi tên là Nhật, cháu là con trai thứ 2 của gia đình. Ngày phát hiện con có biểu hiện bất thường về tâm lý và thần kinh. Chị Hằng như thấy đất trời bỗng nhiên sụp đổ dưới chân, từng xót xa như xát muối vào lòng khi nhận được lời khuyên đưa con vào Trung tâm dành cho trẻ khuyết tật.
Ba tuổi mất hẳn ngôn ngữ, đi khám được chẩn đoán mắc tự kỷ
Theo lời chị Hằng, con trai chị sinh ra hoàn toàn bình thường như các trẻ khác. Tuy nhiên, khi được 26 tháng, con vẫn chưa nói được nhiều như các trẻ đồng trang lứa. Linh cảm có điều gì đó bất thường, gia đình đưa Nhật đến bệnh viện khám thì các bác sĩ nhận định con chỉ chậm hơn trẻ bình thường một chút thôi.
Đến 3 tuổi gia đình cho con đi nhà trẻ thì giai đoạn này con tự nhiên mất hẳn ngôn ngữ, không thấy nói năng gì nữa. Khi đến khám tại bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ ở đây cũng không đưa ra chẩn đoán cháu mắc tự kỷ.
Tuy nhiên có một điều đặc biệt là dù không chịu giao tiếp nhưng khi được mẹ dạy thì cháu tiếp thu rất nhanh. “Ví dụ học về hình vuông, chị chỉ màn hình ti vi thì cháu nói được hình vuông” – chị Hằng cho biết.
Bé Nhật chỉ bị hạn chế về ngôn ngữ nhưng bù lại rất sáng dạ và thông minh. Ảnh minh họa
Chính sự thông minh, sáng dạ của Nhật đã tiếp thêm niềm tin của chị Hằng vào con mình. Chị nói: “Tôi đã lang thang trên rất nhiều trang mạng, đọc tất cả những bài viết về các bà mẹ nuôi dạy con tự kỷ thành công. Trẻ tự kỷ gắn với hình ảnh, nên mình đã tự tạo ra rất nhiều dụng cụ học tập cho con bằng hình ảnh”.
Cứ như thế, nhận thức của Nhật tiến bộ dần dần. Kết hợp với việc khám định kỳ theo hẹn tại bệnh viện, sau 2 đợt uống thuốc giúp điều chỉnh hành vi thì bé Nhật không phải dùng thuốc nữa mà chỉ hoàn toàn dùng thuốc bổ não.
Đến khi mẹ nghĩ là sức khỏe con đã ổn định, tâm lý cũng đã trở lại bình thường thì khó khăn lại ập đến khi Nhật bước vào giai đoạn chuẩn bị đi học lớp 1. Con chị chỉ ngồi được 10 phút, sau đó con lăn ra đất và nằm ở cửa nhà vệ sinh. Lúc cô giáo đến nhấc cháu lên thì cháu lại cười khành khạch.
Độ tuổi được can thiệp tốt nhất cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ là từ 2-4 tuổi. Ảnh minh họa
Thậm chí, có cô giáo mầm non còn khuyên chị nên cho bé học lại lớp mầm non, sau đó lên lớp tiền tiểu học và chuyển sang trường dành cho trẻ khuyết tật chứ không thể tiếp tục theo học lớp 1 như các bạn bình thường khác.
Khi nghe được điều ấy, chị Hằng rơi vào trạng thái hoang mang với bao nhiêu câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu rằng là trường mầm non nào sẽ tiếp nhận khi con đã quá tuổi mẫu giáo, cho con lên tiểu học liệu có trường nào sẽ chấp nhận một đứa trẻ có nhiều biểu hiện bất thường như vậy?... “Đây có lẽ là cảm giác mà các bà mẹ có con khỏe mạnh không bao giờ trải qua”. Chị Hằng ngậm ngùi.
Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên có tâm lý ngồi nhà chờ đợi
Ngày đưa con nhập viện cách đây 5 năm trước, sau thăm khám và quan sát mọi hành vi của bé Nhật, khi thấy ai đó mở cửa thì cháu nói được: “Mở cửa”, nhìn lên trần nhà thấy trang trí màu sắc và tự nói được “Màu xanh, màu đỏ, màu tím”...
Lúc này Thạc sĩ, bác sĩ Thành Ngọc Minh - Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương động viên “Chị cứ yên tâm đi, nay mai nó sẽ là tiến sĩ đấy!”. Chỉ cần một lời động viên của bác sĩ nước mắt chị Hằng chực trào ra. Chị vẫn biết con mình là khác biệt nhưng bác sĩ không hề đưa ra phán xét “con chị bị bệnh nọ, bệnh kia”, luôn động viên và vẽ ra một tương lai sáng ngời cho con.
Đứng trước băn khoăn cho con ở lại mẫu giáo hay đi học lớp 1, bác sĩ quả quyết với chị : “Chị nên cho con vào lớp 1. Bởi bé chỉ hạn chế về ngôn ngữ còn lại cháu rất sáng dạ và thông minh, nhanh nhẹn. Nếu con không học được thì chị học cùng con, cháu ở lại lớp còn hơn cho cháu học mầm non vì lớp 1 là môi trường có kỷ luật. Điều này tốt hơn cho sự phát triển của cháu”.
Chị Hằng cho biết, suốt quá trình đến lớp, khi học đọc thì hoàn toàn cô giáo hỗ trợ, mẹ chỉ dạy Nhật làm toán. Hết lớp 1, cháu biết đọc, biết viết và được lên lớp 2. Đến bây giờ cháu đã gần trở thành như bình thường.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Thành Ngọc Minh, đối với trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ, can thiệp sớm có vai trò đặc biệt quan trọng.
Chị chia sẻ, trước đây, vì không hiểu về hội chứng tự kỷ, chị và gia đình muốn giấu vì không muốn con bị định kiến xã hội. Nhưng giờ chị nhận thấy mình nên chia sẻ để không đứa trẻ nào mắc bệnh bị bỏ qua khoảng thời gian quý giá. “Nếu như chị nhận thức ra điều đó sớm hơn thì con chị đã có thể trở về với cộng đồng nhanh hơn rất nhiều” – chị Hằng có chút trăn trở.
Hiện giờ sau 5 năm được sự hỗ trợ điều trị từ bác sĩ, bé Nhật đã phát triển bình thường trở lại với gương mặt khôi ngô, hoạt bát, thông minh và sẵn sàng tính nhẩm các phép tính cộng trừ phức tạp. Khi mới tiếp xúc ít ai có thể nghĩ cháu từng là một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ và đang trên con đường hòa nhập với cộng đồng.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Thành Ngọc Minh, đối với trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ, can thiệp sớm có vai trò đặc biệt quan trọng. Sớm có nghĩa là cần phải can thiệp ngay khi trẻ còn bé, ngay sau khi phát hiện ra các dấu hiệu nguy cơ cơ tự kỷ. Can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ không chỉ hướng tới đứa trẻ mà còn chú trọng đến cha mẹ và gia đình.
Độ tuổi được can thiệp tốt nhất là từ 2-4 tuổi. Cha mẹ không nên có tâm lý ngồi nhà chờ đợi, hy vọng trẻ sẽ “không sao”, “trẻ chỉ chậm nói thôi”, “lớn lên rồi sẽ khác”. Cha mẹ cũng không nên đưa trẻ đi khám quá nhiều nơi chỉ mong xác định có chắc chắn tự kỷ hay không. Tất cả những điều này sẽ làm mất thời gian, mất cơ hội cho trẻ được can thiệp sớm.