Con gái luôn nói rằng đồ ăn trưa ở trường rất ngon nhưng không hiểu sao về nhà bé lại ăn nhiều không kém.
Chị Lục mới chuyển nhà về khu mới nên rất đắn đo chuyện tìm trường mẫu giáo cho con 4 tuổi. Nếu trường học được khen tốt thì lại ở xa nhà còn trường học được đánh giá bình thường lại ở gần nhà, tiện đưa đón. Do mới về khu này sinh sống nên chị Lục quyết định cho con học tạm trường gần nhà một thời gian xem như thế nào.
1 tuần sau khi đi học ở trường mẫu giáo về, con gái chị Lục vừa về đến nhà đều kêu đói và ăn rất nhiều vào bữa tối. Lo lắng thực đơn ở trường không được ngon nên chị Lục có hỏi con rằng đồ ăn ở trường không ngon hay sao. Tuy nhiên con gái chị Lục lúc nào cũng trả lời rằng thức ăn ở trường mẫu giáo rất thơm và ngon, thậm chí còn ngon hơn đồ ăn mẹ nấu. Nghe con nói xong, chị Lục cảm thấy yên tâm vì có thể con lớn dần nên nhu cầu ăn cũng nhiều hơn.
Tuy nhiên tình trạng này đều kéo dài, bên cạnh đó bình thường con chị ở nhà rất kén ăn, mỗi lần đều phải dỗ dành mới chịu ăn nhưng tiến bộ rõ rệt khi đi trẻ về. Chị tò mò không biết liệu cơm ở trường mẫu giáo có ngon thật không và chiêu dạy của các cô giáo thế nào mà con chị lại ăn rất nhiều vào bữa tối.
Do đó vào một ngày, chị lấy lý do muốn xem thực đơn bữa trưa là gì để chiều đổi món cho con nên muốn cô giáo chụp ảnh bữa trưa ở trường cho xem. "Bức ảnh bữa trưa ở trường mẫu giáo do cô giáo gửi khiến tôi khá sốc vì nhìn tưởng phong phú và ngon theo lời con nhỏ vì bao gồm đa sắc màu như đậu, rau, cơm, cà rốt... nhưng thực chất lại không có thịt hay cá gì cả" - Chị Lục bức xúc.
Chị Lục có hỏi, "bình thường chị phải trả ra số tiền gần 100 nghìn đồng cho một suất ăn trưa là không hề nhỏ nhưng tại sao thức ăn của con lại không có thịt cá? Vậy các bữa ăn khác thì sao?". Cô giáo cho biết hầu hết thịt cá trẻ nhỏ không chịu ăn nên nhà trường ngừng cung cấp thực phẩm này mà chỉ chế biến rau củ quả cơm, học sinh sẽ ăn hết suất.
Quá bất ngờ với câu trả lời của cô giáo, chị Lục thăm dò thêm các bữa ăn khác của trẻ thì quả đúng như vậy, hầu hết chỉ là rau củ quả cắt nhỏ, kèm trứng và cơm, thịt cá hầu như đều không có. Thiếu chất dinh dưỡng như vậy bảo sao con chị không cảm thấy no và luôn ăn nhiều vào bữa tối. Chính vì lý do đó, chị Lục quyết định đổi trường cho con để bé nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng hơn vào bữa trưa, giúp con phát triển tốt nhất.
Ths. Bs. Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia) từng cho biết dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng tới sự phát triển về thể lực, tầm vóc, trí tuệ... thậm chí bệnh tật và tử vong, vì thế dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe. Chế độ dinh dưỡng đúng, đủ, hợp lý sẽ giúp cơ thể phát triển tối ưu cả về thể chất và tinh thần. Ngược lại, chế độ dinh dưỡng không đủ, không đúng, không hợp lý sẽ mất tính cân đối các chất dinh dưỡng dẫn tới tình trạng các bệnh thiếu – thừa dinh dưỡng, các bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng và các bệnh mạn tính không lây… Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ của trẻ là ăn đủ bốn nhóm thực phẩm, ăn đa dạng các loại thực phẩm, các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối và hợp lý trong từng bữa ăn, từng ngày. Chế độ ăn cho bé trong ngày sẽ chia theo từng nhóm tuổi khác nhau, nhóm trẻ từ 3-5 tuổi sẽ cần 150-200g thịt cá tôm mỗi ngày. Và nhìn chung tất cả các nhóm tuổi đều cần có lượng thịt cá tôm nhất định trong các bữa ăn, và bao gồm thêm các thực phẩm chứa chất dinh dưỡng khác. Chế độ ăn cho một số lứa tuổi như sau: Trẻ từ 1-2 tuổi: Vẫn tiếp tục cho bú mẹ, nếu mẹ không có sữa cho trẻ uống sữa ngoài từ 300-500 ml/ngày. Ăn 4 bữa cháo hoặc súp mỗi ngày. Ăn quả chín theo nhu cầu của trẻ. Lượng thực phẩm trong ngày: gạo (100-150g); thịt hoặc cá, tôm (100-120g); trứng gà 3-4 quả/tuần; đầu mỡ (25-30 g); rau xanh (50-100g); quả chin (150-200g). Trẻ từ 2-3 tuổi: Cơm nát, hoặc cháo, mỳ, súp, phở và uống sữa. Số bữa ăn trong ngày: 4 bữa cơm nát (cháo, mỳ, súp), sữa 300-400 ml/ngày. Lượng thực phẩm trong ngày: gạo (150-200g) nếu ăn bún, mỳ, súp thì rút bớt lượng gạo; thịt hoặc cá, tôm (120-150g); dầu mỡ (30-40g); rau xanh (150-200g); quả chín (200g). Trẻ từ 3-5 tuổi: Ăn 4 bữa ngày, nhưng lượng ăn vào tăng lên, cho trẻ ăn những món trẻ yêu thích. Không cho trẻ ăn bánh kẹo, nước ngọt, quả chín trước bữa ăn. Lượng thực phẩm hàng ngày dùng cho trẻ: gạo (200-300g); thịt hoặc cá, tôm (150-200g); dầu mỡ (30-40g), rau xanh (200-250), quả chín (200-300g), sữa (300-400 ml). |