Bé Liam - con trai của chị Dương Thanh Nga được đi khắp 3 châu lục. Trong 7 tháng đầu đời, bé đã đi trên hết tất cả các phương tiện giao thông và gần như có tất cả thế giới trải nghiệm.
“Địu con lên vai và đi khắp 3 châu Mỹ, Á, Âu tôi sẽ không hối hận bất kỳ một giây phút nào. Dù di chuyển vất vả nhưng đổi lại niềm vui nhân lên bội phần. Nếu cho tôi lựa chọn lần nữa, tôi cũng vẫn sẽ quyết định địu con đi trải nghiệm khắp các châu lục” - Dương Thanh Nga - Bà mẹ Việt sống ở Mỹ chia sẻ.
Người mẹ ấy thú nhận, đó là những chuyến đi ngúc ngoắc, hành trình ấy là nơi hai mẹ con họ cùng gắn bó, trưởng thành từ thế giới rộng lớn mà không phải ai cũng "mạo hiểm" có được..
Gia đình nhà chị Dương Thanh Nga thường xuyên có những chuyến xê dịch bên nhau (Ảnh: Dương Thanh Nga)
Con suýt phải cấp cứu vì ngộ độc, từng nhập viện vì hen suyễn khi du lịch
Mục đích chính của việc địu con đi khắp 3 châu lục của chị là gì?
Sở dĩ có việc tôi địu con đi khắp các châu lục là vì công việc của bản thân, của chồng. Bản tính lại ham di chuyển nên không cần phải có cơ hội, tôi cũng địu con đi. Tôi không muốn sinh con ra phải giam mình nhìn ngó 4 bức tường. Tôi không muốn xa con nhưng tôi cũng không muốn nghỉ làm, ngừng đi và thôi nhìn ngắm thế giới.
Tôi nghĩ con chỉ lớn lên chứ không bao giờ quay nhỏ lại và tôi không muốn mất đi hay vắng mặt con trong những hành trình di chuyển của mình (Ảnh: Dương Thanh Nga)
Các bé mấy tuổi thì chị cho du lịch, thưa chị?
Từ khi bé 8 ngày tuổi tôi đã dẫn bé đi dạo công viên, đi chơi quanh nhà. Nhưng chuyến đi xa đầu tiên cùng Liam là hành trình lái xe 900 km từ Branson (Missouri) đến Chicago (Illinois) giữa gió tuyết mùa đông khi con 7 tuần tuổi.
Khi Liam 2 tháng tuổi, bạn ấy di chuyển chuyến bay 30 tiếng, chặng Branson - Los Angeles - Đài Bắc – Tp. Hồ Chí Minh. Trong 7 tháng đầu đời, bé Liam đã đi trên hầu hết tất cả các phương tiện giao thông. Từ xe hơi, xe máy, xe đò, xe khách, xe buýt đến máy bay, tàu lửa, tàu thuỷ, xe điện trên không, tàu điện ngầm, cáp treo.
Sau này, Lisa - em gái của Liam, khi bé mới 12 ngày tuổi đã bắt đầu đồng hành cùng gia đình đi công viên quốc gia Arches 3 ngày, với chặng đường hơn 600 km.
Địu con nhỏ từ 0 đến 24 tháng tuổi đi du lịch, bản thân chị có gặp rắc rối nào không?
Những người can ngăn việc tôi cõng con đi lung tung thì nhiều lắm. Hàng xóm, đồng nghiệp, người thân, người dưng… Họ nói tôi điên.
Có những lúc tôi stress đến mức tôi nghĩ mình điên thật, vì đi chung với bé con chẳng dễ dàng một tí nào. Không phải hành trình nào với con cũng suôn sẻ và nên thơ. Không đếm hết những lúc phì phò địu con nặng 8, 10 kg lên dốc, hay chạy hồng hộc trong phi trường cho kịp chuyến bay. Cũng may là các khâu trong sân bay đều ưu tiên cho người đi chung với em bé.
"Có lần con lên cơn suyễn ở nửa đêm. Tôi ôm con ngủ thiếp giữa một bệnh viện xa lạ, mà đầu cứ lảng vảng đếm sao cho trời mau sáng" (Ảnh: Dương Thanh Nga)
Hay những khi trời mưa to gió bão, hai mẹ con cứ líu ríu trong chiếc ô nhỏ xíu. Thậm chí có những lúc suýt phải đi cấp cứu bé Liam ở Istanbul vì ngỡ bé “ngộ độc” kebab. Có lần con lên cơn suyễn ở Tương Đàn (Trung Quốc) lúc nửa đêm, tôi ôm con ngủ thiếp giữa một bệnh viện xa lạ, mà đầu cứ lảng vảng đếm sao cho trời mau sáng.
Em bé đã có được gì sau mỗi hành trình du lịch đó, thưa chi?
Nhờ có những chuyến đi mà con đam mê thiên nhiên, yêu quý động vật. Bốn tuổi đã hiểu về núi lửa, biển nước, vũ trụ, sao trăng, cách đốt lửa, dựng lều… Tôi nghĩ nếu để con trong nhà, chắc con sẽ không bao giờ biết phản ứng với những điều đang diễn ra ngoài kia thế nào. Tôi tự tin, Liam mới 24 tháng tuổi nhưng đã là một nhà du hành với một núi kinh nghiệm.
Nhờ có những chuyến đi mà con đam mê thiên nhiên, yêu quý động vật. Bốn tuổi đã hiểu về núi lửa, biển nước, vũ trụ, sao trăng, cách đốt lửa, dựng lều…(Ảnh: Dương Thanh Nga)
Muốn dạy được con thì mẹ hãy đứng trong "đôi tất" của con
Chị có thể chia sẻ phương pháp dạy con để các ông bố bà mẹ khác tham khảo được không?
Một phương pháp dạy con khiến người này thành công, có thể hoàn toàn thất bại khi áp dụng vào hoàn cảnh người khác. Mỗi quan điểm nuôi con chỉ có tính định hướng chứ không phải công thức áp dụng cho từng trường hợp cụ thể. Mỗi em bé khi vừa sinh ra đã là một cá nhân độc nhất với những tính cách khác nhau. Không một em bé nào giống em bé nào cho dù có là sinh đôi sinh ba chăng nữa. Tôi nghĩ rằng chỉ khi đứng trong đôi tất của con, nhìn thế giới theo cách của con, thực sự thấu hiểu con, mới có thể dạy con.
Theo chị, trong việc nuôi dạy con cái, điều gì là quan trọng nhất?
Sau hàng loạt trải nghiệm cùng con, tôi đã viết cuốn sách “Mẹ sẽ không để con ở lại!”. Ở đó tôi nói nhiều về giá trị của những chuyến đi và tôi tin vào quy luật dịch chuyển. Tôi tin rằng đi là cách để thấu hiểu, cảm nhận và tận hưởng cuộc sống, không cần vất vả nuôi con như nhiều gia đình, cá nhân tôi, trong việc nuôi dạy con cái. Đi là điều quan trong nhất, đâu nhất thiết phải đi thật xa. Đi bộ ra công viên gần nhà ngắm hoa và đá bóng với người mình yêu thương, vẫn là món quà tuyệt vời hơn cả tuyệt vời.
Không chỉ mẹ Nga mà bố cũng thường xuyên địu con đi khắp các nơi (Ảnh: Dương Thanh Nga)
Bản thân chị nghĩ, con trẻ cần gì ở người lớn?
Tôi nghĩ con trẻ cần bố mẹ thật bình tĩnh, biết đứng vững chân và giữ vững tim. Khi con không kiềm chế được cảm xúc, lên cơn nổi giận, gào khóc. Đấy là lúc chúng cần một người mẹ thật bình tĩnh để có thể ôm thật chặt, lái con đi qua quỹ đạo khác, dẫn dắt con đi qua thời khắc khủng hoảng đó. Rồi mọi chuyện sẽ nhanh chóng trở về cân bằng.
Được biết, sau khi cùng con trải qua những hành trình xê dịch, chị đã đúc kết giá trị chuyến đi vào cuốn sách “Mẹ sẽ không để con ở lại!”. Phải chăng chị muốn gửi gắm điều gì về quan điểm nuôi con đến các mẹ khác?
Tôi chỉ muốn chia sẻ những trải nghiệm thật mà tôi và bé Liam đã bước qua trong những chuyến đi ngắn và dài suốt 2 năm đầu đời của con.
Hy vọng sẽ giúp các bố mẹ trẻ chuẩn bị và tận hưởng trọn vẹn hơn khi đi du lịch với con nhỏ từ 0 đến 24 tháng tuổi. Nhưng ngay cả với những người chưa có con, việc đi du lịch theo lăng kính của trẻ qua quyển sách nhỏ này cũng sẽ giúp họ tìm thấy những mảnh vắt vẻo và ngô nghê của tâm hồn mình tưởng đã thất lạc đâu đó.
Tôi nghĩ các cô gái vừa làm mẹ, và trong tương lai gần-xa sẽ làm mẹ, không cần phải lo lắng về việc có con thì mình sẽ phải hy sinh hay đánh mất những điều tuyệt vời và tự do mình đang có. Kể cả việc đi.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!
Đôi nét về nhân vật Chị Dương Thanh Nga tốt nghiệp thạc sĩ Châu Á Học tại Thuỵ Điển, từng là biên tập viên báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò. Hiện đang là Quản lý Dự án cho một công ty của Mỹ trong ngành Bản địa hoá. Chị Thanh Nga là tác giả của cuốn sách “Mẹ sẽ không để con ở lại!”. Nơi đây là tập hợp những bài viết sinh động, thiết thực từ những chuyến đi, những trải nghiệm địu con đi khắp 3 châu lục của chị cùng các con. Cuốn sách cũng được kỳ vọng sẽ giúp các bố mẹ trẻ chuẩn bị và tận hưởng trọn vẹn hơn khi đi du lịch với con nhỏ từ 0 đến 24 tháng tuổi. Ngay cả với những người chưa có con nhưng đam mê dịch chuyển, việc đi du lịch theo lăng kính của trẻ qua quyển sách cũng sẽ giúp tìm thấy những mảnh vắt vẻo và ngô nghê của tâm hồn những tưởng đã thất lạc đâu đó. Chị Dương Thanh Nga sẽ dành tặng cho 100 độc giả Hà Nội và TP.HCM của chuyên mục Làm mẹ - Eva 50 cuốn sách "Mẹ sẽ không để con ở lại". Mời các bậc phụ huynh gửi thông tin (bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại) về hòm mail ngavt@eva.vn trước ngày 31/10/2018 với Tiêu đề: Đăng ký nhận sách "Mẹ sẽ không để con ở lại" để xét duyệt và đăng ký nhận sách. Biên tập viên phụ trách chuyên mục sẽ liên lạc mời bạn đến nhận sách. |