"Khi con sốt 40 độ mình sẽ ngâm cháu vào nước nóng 38 độ, sau đó con sẽ hạ sốt rất nhanh. Nhưng người Việt thì lại không làm vậy." - Chị Huyền Diệu cho biết.
Kết hôn tại Việt Nam nhưng theo chồng qua Pháp sinh sống và định cư, chị Nguyễn Huyền Diệu may mắn khi chỉ mất 1,5 năm để bắt kịp và thích nghi với lối sống của những người dân nơi đây. Hạnh phúc ngọt ngào hơn khi chị chào đón cô con gái đầu lòng vào cuối năm 2017 và đang có cuộc sống bận rộn bên chồng và công việc của một bà mẹ bỉm sữa.
Bản thân có sự tiếp xúc, pha trộn giữa hai nên văn hóa Việt - Pháp nên chị Huyền Diệu ban đầu cảm thấy khá bỡ ngỡ trong việc lựa chọn, chăm sóc và dạy dỗ con nhỏ. Thế nhưng, bằng sự tìm tòi, tự học hỏi của mình, đến nay chị Huyền Diệu đủ tự tin để khẳng định, mình không phải là một người phụ nữ tệ trong khoản làm mẹ.
Chị Nguyễn Huyền Diệu chọn cách nuôi con theo kiểu kết hợp Pháp - Việt.
Cùng lắng nghe những chia sẻ của chị Huyền Diệu về việc chị áp dụng những nét văn hóa truyền thống của người Việt và những phương pháp hiện đại của phương Tây khi nuôi dạy con gái đầu lòng Nina - May (8 tháng tuổi).
Người Pháp không giữ con sơ sinh quá như mẹ Việt
Xin chào chị Huyền Diệu! Tuy đang nuôi con nhỏ nhưng trông chị vẫn rất gọn gàng và "lộng lẫy", phải chăng chị có bí quyết riêng?
Cảm ơn về lời khen của bạn. Có được sự gọn gàng sau sinh nở, có lẽ nhờ vào sự sẻ chia công việc gia đình từ người chồng, anh chủ động giúp đỡ vợ trong việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con. Anh có nhiều phương pháp dạy con khá hay mà mình thường áp dụng.
Khi ra ngoài đường đi chơi hay đi du lịch là một tay anh chăm sóc con hết, bởi thế mà mình chỉ ăn mặc đẹp và chụp ảnh. (Cười)
Bản thân cũng không quá bận rộn con cái vì trộm vía bé khá ngoan và hiểu chuyện, ít quấy rầy. Bên phương Tây người ta sống thoải mái nên tư tưởng cũng ít phải suy nghĩ một số áp đặt gò bó như ở Việt Nam là sau sinh bà bầu phải kiêng cữ nọ kia. Ví dụ như sau khi sinh một ngày là mình có thể tắm gội bình thường.
Vậy việc chăm sóc các bé sơ sinh ở Pháp có khác với Việt Nam mình?
Có một điều dễ nhận thấy là cách chăm sóc con cái bên này hoàn toàn khác ở nhà, không hề có áp lực về cách chăm con, càng không có sự can thiệp của ai ngoài bác sĩ hoặc người hướng dẫn.
Ở Pháp, các bà mẹ cũng không quá giữ con sơ sinh. Vì mình đẻ cháu vào mùa đông thời tiết có phần hơi lạnh nên sau khi về nhà khoảng một tuần là mình đã cho cháu ra ngoài đường đi dạo để thay đổi không khí.
Bé Nina - May thường xuyên đi du lịch cùng ba mẹ (Ảnh: NVCC)
Bà mẹ trẻ tự hào vì đi đâu cũng có chồng lo tất từ A đến Z (Ảnh: NVCC)
Khi Nina - May lớn dần thì việc chăm sóc bé có khiến chị bối rối?
Mình cho bé đi du lịch khi bé 4 tháng tuổi, các phương tiện bé đi như ô tô hay máy bay mình đều để bé ngồi ghế riêng, chứ không phải ngồi lòng ôm ấp, bao bọc như các mẹ vẫn làm.
Mới bằng ấy tháng tuổi nhưng gia đình đã cho cháu đi du lịch qua 4 thành phố của nước Ý và 7 thành phố của Pháp, tổng cộng 1.700km. Quan điểm của vợ chồng mình là muốn cho con đi nhiều để con chủ động tự lập, tạo cho con có thói quen quan sát, sẵn sàng thích nghi với mọi môi trường, giống như ở Việt ta vẫn hay trêu nhau, “Vứt đâu cũng sống” vậy.
Tuyệt nhiên không ép con ăn, không được để con tăng cân nhanh
Bé Nina - May đã tròn 8 tháng tuổi, chị có cho bé bú sữa mẹ không hay dùng sữa công thức?
Mình cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, đến thời điểm hiện tại bé chưa uống giọt sữa bột nào, bé bắt đầu ăn dặm từ tháng thứ 6, đặc biệt ngay từ đầu mình cho bé ăn dặm tự chỉ huy (ăn thô) có đôi lúc kết hợp ăn xay, nhưng bé chỉ hợp tác ăn thô, ít khi ăn xay vì Nina - May không thích.
Mới 8 tháng tuổi nhưng bé ăn thô rất tốt, xử lý hóc rất thạo, đồ ăn nào cho vào miệng cảm thấy không an toàn là cháu nhả ra ngay, trong quá trình ăn uống là lúc mình kết hợp luyện mắt luyện tay luyện não cho bé.
Vậy còn chế độ dinh dưỡng hằng ngày của bé như thế nào, thưa chị?
Về thực đơn dinh dưỡng cho con hàng ngày cũng khá đơn giản, mới đầu mình chỉ cho bé ăn rau củ, thời gian sau bé bắt đầu ăn chất đạm và chất bột, nhưng mình vẫn hướng cho bé ăn rau củ nhiều hơn, không nêm gia vị trước 1 tuổi vì như thế sẽ không tốt cho hệ tiêu hoá và thận của bé.
Mình hoàn toàn không có áp lực về cân nặng nên mẹ không có khái niệm ép con ăn. Đặc biệt, càng không muốn các bữa ăn phải gào thét hay đẫm nước mắt của con. Nếu con không thích quay mặt đi thì mình sẽ dừng dù ít hay nhiều. Bác sĩ của bé luôn dặn mình không được để con tăng cân quá nhanh và quá nhiều.
Trộm vía con mình luôn ở tình trạng đủ chuẩn, chiều cao thì vượt chuẩn vì có lẽ có tí gen tây của bố (Cười).
Ngay từ khi còn nhỏ Nina - May đã được cho ra ngoài tiếp xúc với môi trường để thay đổi không khí (Ảnh: NVCC)
Học hỏi cách dạy con từ bạn của chồng
Một ngày có 24 giờ đồng hồ, chị cân đối quỹ thời gian chăm con như thế nào?
Vì mới qua Pháp và sinh bé luôn nên mình tạm thời chưa đi làm. Bởi vậy mà công việc hằng ngày của mình là làm mẹ “full time”, dành toàn thời gian để chăm sóc con và lo nhà cửa cơm nước cho chồng, khá may mắn là bé Nina - May ngoan nên mình cũng không vất vả lắm!
Những lúc mình nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa hay chuẩn bị đồ ăn thì bé sẽ được mẹ “huấn luyện” cho tự chơi và đợi mẹ, không khóc hay mè nheo. Nina - May ý thức được điều đó là bởi trước khi làm việc gì mình thường nói trước với con, mình nhắc đi nhắc lại mọi việc để cháu ghi nhớ. Chỉ những hành động nhỏ vậy thôi nhưng dần dần tạo thành nếp cho con, còn rất nhỏ nhưng mình thấy bé rất hiểu chuyện.
Làm như vậy, phải chăng chị đang rèn cho con mình tự lập?
Chính xác là mình đang dạy con cách tự lập. Trước và trong khi mang bầu, mình có quan sát những đứa trẻ con bên này chúng rất người lớn và lịch sự, luôn chào hỏi lịch thiệp như một người trưởng thành, đặc biệt không bao giờ đòi hỏi một cách vô lý. Đó là điều mà mình thích nhất cách dạy một đứa trẻ lớn lên của người nước Pháp.
Bằng chứng là, hằng ngày mình rèn bé thông qua việc, mẹ luôn chuẩn bị sẵn đồ ăn cho con, sau đó để con tự ăn một mình và mình lại làm các công việc nhà cửa khác.
Mới 8 tháng tuổi nhưng Nina - May đã đi được 4 thành phố của Ý, 7 thành phố của Pháp (Ảnh: NVCC)
Với cách giáo dục con như vậy sẽ giúp mẹ rảnh rang, nhàn rỗi hơn?
Nói về hành trình chăm sóc con cái đến dạy dỗ bé sinh hoạt để con phát triển tự nhiên, đến giờ mình vẫn thấy hoàn toàn thoải mái và không thấy mệt mỏi. Mình vẫn đủ thời gian nghỉ ngơi lướt báo, xem phim và nấu những món ăn Việt để thay đổi.
Nói chung những phương án dạy con thì mình chủ yếu nghe theo sự chia sẻ của những người bạn bên nước Pháp, chứ thật tình thì mình cũng mới làm mẹ, còn khá nhiều bỡ ngỡ. Thời gian đầu, mình còn không tưởng tượng nổi cảnh chăm sóc, nuôi dạy con thế nào.
Nina - May là món quà kết tinh yêu thương của mẹ Việt và bố Pháp. Vậy chị có bao giờ nghĩ mình nên nuôi con theo kiểu kết hợp ta và tây không? Bởi thực tế, ở ta cũng có vô vàn những cách nuôi con tốt mà.
Đúng rồi! Mình luôn tiếp thu những kiểu dạy con của một số người là bạn anh xã ở bên này. Đồng thời, cũng không quên lắng nghe mọi sự góp ý về phương pháp nuôi dạy con của mẹ mình và các chị ở Việt Nam.
Mình muốn nuôi con theo kiểu kết hợp giữa Việt Nam và phương Tây để linh hoạt hơn trong việc chăm con, nghĩa là tiếp thu có chọn lọc, lựa những cái tốt và phù hợp với con mình để chỉ bảo. Mình không phủ nhận nhiều phương pháp dân gian rất hiệu quả.
Ví dụ như: Khi con bị ho thì mình cắt hành sau đó cho vào lòng bàn chân buộc qua đêm rất hiệu quả… Nhưng cũng có những trường hợp con sốt thì mình lại làm theo hướng dẫn của bác sĩ bên này, khi con sốt 40 độ mình sẽ ngâm cháu vào nước nóng 38 độ, sau đó con sẽ hạ sốt rất nhanh. Mình thấy cách đó rất hiệu quả nhưng ở Việt Nam thì ngược lại và cho rằng cách này càng làm cho cháu ốm hơn vì quan điểm ở Việt Nam đã ốm là không ra gió và nước.
Chị Nguyễn Huyền Diệu sau khi sinh con gái đã nhanh chóng lấy lại vóc dáng.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!