Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Minh, Phó khoa phụ trách khoa Khám bệnh- BV Y học cổ truyền Trung ương đã có lời giải đáp về tính chính xác của phương pháp dân gian này.
Câu hỏi: Bé nhà tôi được 3 tháng, thấy nhiều mẹ trên diễn đàn chia sẻ: Khi trẻ được 3 tháng 10 ngày, dùng nước lá hẹ bôi vào lợi tới lúc trẻ mọc răng sẽ không bị sốt. Thưa bác sĩ, phương pháp dân gian đó có đúng hay không? Đắp lá hẹ lên lợi của trẻ cần lưu ý những gì? Cảm ơn bác sĩ.
Độc giả Tuyết Mai (Cầu Giấy- Hà Nội)
Trả lời:
Lá hẹ có thể giúp trẻ đỡ sốt?
Trẻ mọc răng là một dấu mốc quan trọng chứng tỏ trẻ đã bước sang một chặng mới. Song, “sự kiện” đó cũng kèm theo nhiều phiền phức dành cho bản thân bé và bố mẹ. Đa số, các ông bố bà mẹ đều lo lắng khi con mọc răng sẽ bị sốt, đau nướu dẫn đến biếng ăn, biếng bú và sa sút cân nặng. Do vậy, không ít người đã tìm hiểu liều thuốc dân gian giúp trẻ không bị sốt khi mọc răng, trong đó có phương pháp dùng lá hẹ.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Minh, Phó khoa phụ trách khoa Khám bệnh- BV Y học cổ truyền Trung ương nhấn mạnh: “Chuyện trẻ không bị sốt mọc răng nếu dùng nước lá hẹ bôi vào lợi khi trẻ được 3 tháng 10 ngày chỉ là phương pháp dân gian được các mẹ mách nhau. Tới nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều đó là đúng”.
"Lá hẹ có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn."
Tuy chưa có nghiên cứu nào chứng minh lá hẹ giúp trẻ không sốt khi mọc răng nhưng bác sĩ Minh cho biết thêm, theo Đông y, lá hẹ có tính ấm, có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn và có thể dùng trong trường hợp trẻ bị viêm lợi, đau nhức răng. Do vậy, khi trẻ tới tháng tuổi mọc răng, bị sốt bố mẹ có thể dùng lá hẹ đắp lên vùng lợi trên và vùng lợi dưới của trẻ.
Lá hẹ có tính ấm, có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn và có thể dùng trong trường hợp trẻ bị viêm lợi, đau nhức răng
Những lưu ý khi đắp lá hẹ cho trẻ
Khi thấy trẻ nghiến răng hay chảy nước dãi nhiều hơn bình thường, các mẹ nên chọn mua lá hẹ tươi đem về rửa sạch, cắt nhỏ rồi giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt lá hẹ cho vào một chén sạch.
Sau khi cho trẻ bú khoảng 30 phút, các mẹ rửa tay sạch, quấn gạc tiệt trùng vào đầu ngón tay trỏ. Lấy đầu ngón tay đó chấm vào chén lá hẹ và khéo léo đưa ngón tay vào miệng trẻ, bắt đầu đẩy nhẹ vào các vùng lợi trên và dưới của trẻ vài lần.
Theo bác sĩ Đào Hữu Minh, các mẹ có thể cắt lá hẹ cho vào chén rồi đổ nước nóng. Sau đó, đâm lá hẹ ra lọc lấy nước và dùng miếng gạc chấm nước hẹ rồi thoa đều khắp các vùng nướu của trẻ.
Trong giai đoạn này, trẻ thường quấy khóc và lười ăn. Vì vậy, cần bổ sung các dưỡng chất đầy đủ cho cả mẹ và bé. Tránh tạo cho trẻ thói quen thích ăn đồ ngọt, giúp răng khỏe mạnh và không bị viêm nhiễm do ăn của ngọt.
Suýt hại chết con vì hạ sốt sai cách Bé mọc răng sớm, bố mẹ khó làm ăn? |