Quá trình mọc răng đã có thể bắt đầu từ trước khi nhìn thấy chiếc răng của bé nhú ra. Vì vậy, cha mẹ cần phải căn cứ vào các dấu hiệu trẻ mọc răng dưới đây để có thể nhận biết và chăm sóc cho con được tốt hơn.
Giai đoạn mọc răng rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Kể từ lúc này, trẻ sẽ có thể ăn các loại thức ăn khác ngoài sữa. Tuy nhiên, việc mọc răng đôi khi sẽ gây ra khó chịu cho bé. Nếu phụ huynh nắm được các kiến thức liên quan tới vấn đề mọc răng của trẻ thì sẽ giúp cho con bớt đau đớn, khó chịu.
1. Trẻ mấy tháng mọc răng?
Trẻ sơ sinh sẽ mọc răng kéo dài trong khoảng 2 năm, từ khi 6 tháng tuổi đến 2 tuổi rưỡi. Tuy nhiên, có những trường hợp bé mọc răng rất sớm hoặc rất muộn. Cụ thể, các răng của trẻ sẽ mọc theo thứ tự như sau:
- Từ 6-9 tháng: mọc bốn răng cửa giữa
- Từ 7-10 tháng: mọc hai răng cửa trên
- Từ 12-14 tháng: mọc bốn răng hàm
- Từ 16-18 tháng: mọc bốn răng nanh
- Từ 20-30 tháng: mọc bốn răng hàm cuối cùng
2. Những dấu hiệu trẻ mọc răng
Trẻ chảy nước dãi nhiều
Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi trẻ mọc răng. Nguyên nhân là do dây thần kinh thứ 5 bị kích thích do răng mọc làm bé chảy nước dãi nhiều hơn. Khoang miệng nông, chức năng nuốt nước bọt chưa phát triển hoàn thiện khiến nước dãi sẽ chảy ra ngoài nhiều.
Dấu hiệu rõ nhất khi trẻ mọc răng là chảy nước dãi nhiều
Nổi mẩn ở xung quanh miệng và cằm
Chính việc thường xuyên bị chảy nước dãi xung quanh miệng sẽ gây ra nứt nẻ, đỏ và nổi mẩn vùng miệng và cằm của trẻ (thậm chí ở trên cổ). Vì vậy, nếu thấy bé bị nổi mẩn thì cần phải kiểm tra lợi của trẻ xem có phải mọc răng hay không để có cách chăm sóc phù hợp.
Bị ho (hoặc có phản xạ bịt miệng)
Đây cũng là dấu hiệu thường thấy nếu bé mọc răng. Chảy nước dãi nhiều là nguyên nhân gây ra ho ở trẻ. Điều này không đáng lo ngại nếu trẻ không có các dấu hiệu cảm lạnh, cúm, dị ứng, sốt hoặc khó thở...
Hay nhai cắn
Do mầm răng nhú lên chọc qua dưới nướu làm cho trẻ khó chịu và muốn nhai, gặp bất cứ thứ gì có thể tìm thấy. Để giúp cho bé, cha mẹ cần chuẩn bị những đồ gặm nướu chuyên dụng trong giai đoạn này.
Thường xuyên quấy khóc
Đối với một số trẻ, mọc răng gây ra đau đớn, khó chịu nên có thể bé sẽ rên rỉ hoặc quấy khóc. Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra với tất cả các trẻ. Tuy nhiên, nếu thấy bé quấy khóc thì cần phải dỗ dành, cho bé chơi với những đồ chơi bé thích để xoa dịu trẻ quên đi cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Rất có thể việc mọc răng sẽ làm cho trẻ cáu kỉnh, khó chịu và không muốn ăn vì khi ăn sẽ tác động vào nướu của bé. Trong trường hợp trẻ bỏ ăn nhiều ngày thì cha mẹ phải đưa con đi khám tại các bác sĩ chuyên khoa.
Mọc răng có thể gây khó chịu cho trẻ, dẫn đến biếng ăn
Thức dậy vào ban đêm
Sự khó chịu trong thời kỳ mọc răng có thể làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm của trẻ. Khi đó, mẹ có thể vỗ hoặc hát ru giúp bé thoải mái, dễ quay trở lại giấc ngủ hơn.
Kéo tai và xoa má
Nếu nướu bị đau do mọc răng, bé có thể sẽ kéo mạnh vào tai hoặc xoa má, cằm. Cha mẹ cần chú ý khi trẻ có những biểu hiện này.
Sốt nhẹ
Trong giai đoạn mọc răng, trẻ sẽ rất dễ bị sốt do hệ miễn dịch thay đổi. Chính vì vậy, cha mẹ phải thường xuyên theo dõi thân nhiệt của bé để có những biện pháp xử lý cho phù hợp. Nếu trẻ sốt nhẹ, có thể áp dụng một số cách hạ sốt như: chườm ấm, mặc quần áo thoáng mát, cho bú nhiều hơn. Còn nếu bé sốt cao, cần đưa ngay tới các cơ sở y tế để thăm khám, chữa trị kịp thời.
3. Cách làm giảm khó chịu cho trẻ khi mọc răng
Để giảm bớt sự khó chịu khi mọc răng của trẻ, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp như sau:
Tạo điều kiện để cho trẻ nhai
Khi mọc răng, trẻ sẽ rất thích nhai. Đây là cách còn hiệu quả hơn việc làm lạnh và tê nướu. Có thể sử dụng vòng tròn mọc răng cao su hoặc các loại đồ chơi mọc răng khác để cho bé nhai.
Cho trẻ nhai các loại đồ chơi mọc răng để giảm bớt khó chịu
Chà vào nướu cho bé
Cha mẹ có thể dùng ngón tay sạch, đồ chơi mọc răng với các cạnh không có răng cưa hoặc bàn chải đánh răng ướt, mềm (không dùng kem đánh răng) để chà mạnh vào nướu của bé. Mới đầu có thể trẻ sẽ cảm thấy đau nhưng sau sẽ đem lại cảm giác thoải mái cho bé.
Sử dụng thức uống, đồ ăn lạnh
+ Để giảm đau nướu cho trẻ sơ sinh trên 6 tháng, có thể cho bé uống nước lạnh (không sử dụng đá).
+ Cho trẻ ăn các thực phẩm đông lạnh như sữa chua để làm dịu nướu tốt hơn.
Giúp trẻ có tâm lý thoải mái
Lúc này, cha mẹ nên thường xuyên theo dõi các biểu hiện của trẻ, có thể hôn bé, ôm ấp, vỗ về nhiều hơn.
Tránh các tác nhân gây tê
Không nên dùng cồn xát vào nướu của trẻ. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng khuyến cáo không nên sử dụng các chất gây tê tại chỗ vì có thể khiến trẻ dưới 2 tuổi bị giảm nồng độ oxy trong máu.
Tránh đeo vòng hổ phách để giảm đau
Không có bất kỳ chứng minh nào cho thấy dây chuyền hổ phách có tác dụng trong việc giúp trẻ giảm đau khi mọc răng. Hầu hết các bác sĩ nhi khoa đều khuyên không nên đeo vòng hổ phách cho bé vì chúng có thể gây ra nguy cơ nghẹt thở.
Trong trường hợp đã áp dụng nhiều cách mà trẻ vẫn bị đau nhiều khi mọc răng thì cha mẹ nên đưa con đến khám bác sĩ.