Bóng bay, súng đạn nhựa... là những món đồ chơi quen thuộc nhưng gây nguy hiểm khó lường cho trẻ nhỏ.
Rất nhiều loại đồ chơi có màu sắc sặc sỡ, kiểu dáng đa dạng thu hút sự chú ý của trẻ nhỏ được bày bán trên thị trường. Mặc dù bắt mắt song các chuyên gia khuyến cáo đồ chơi không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe nếu trẻ tiếp xúc trong thời gian dài. Chưa kể tới nhiều loại có tính sát thương cao sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng.
1. Súng đạn nhựa
Nếu bị bắn vào mắt, trẻ có khả năng bị hỏng giác mạc, thậm chí mù vĩnh viễn. (Ảnh minh họa)
Thời gian gần đây, súng đạn nhựa trở nên phổ biến và quen thuộc với trẻ. Hình dáng nhỏ gọn khiến bé thích thú hơn mỗi lần chơi trận giả. Súng lại được thiết kế dễ dàng sử dụng bởi những viên đạn tròn nhỏ tưởng không có hại nhưng nguy cơ bé bị thương cao.
Một nghiên cứu cho thấy, loại súng đạn này có thể đạt tốc độ 10 viên mỗi giây và có thể dễ dàng bắn xuyên thủng giấy, cà chua, thịt lợn và nhiều vật khác. Với độ nhanh nhạy thế này trẻ có nguy cơ bị thương cao nếu trúng đạn.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp trẻ vui đùa trong lúc chơi súng khiến đạn bắn vào chân, tay, lưng… khiến vết thương sưng tấy và đau rát. Ngoài ra, nguy cơ bắn vào mắt là rất lớn, gây hỏng giác mạc thậm chí trẻ bị có khả năng mù vĩnh viễn.
Mặc dù được cảnh báo về mức độ nguy hại nhưng loại đồ chơi này vẫn được bày bán rộng rãi. Cửa hàng đồ chơi thậm chí là những cửa hàng tiện lợi gần trường học đều có mặt súng đạn nhựa bởi đây là nơi tập trung và dễ dàng tiếp cận với trẻ.
2. Bóng bay
Bóng bay bơm khí tiềm ẩn nguy cơ gây nổ nguy hiểm cho trẻ. (Ảnh minh họa)
Bóng bay nhiều màu sắc được trẻ nhỏ yêu thích nhưng lại gây hại cho sức khỏe. Chúng được làm từ mủ cao su, kèm nhiều phụ gia khác độc hại như phẩm màu công nghiệp, chứa độc kim loại nặng như chì, lưu huỳnh…
Trẻ nhỏ thường vô tư chơi đùa thậm chí là ngậm trong miệng, chính thói quen này là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan thận rất nặng nếu trẻ tiếp xúc lâu ngày.
Ngoài ra, những loại bóng được bơm khí Hidro còn tiểm ẩn nguy cơ gây nổ cao, khiến trẻ dễ bị bỏng khi chơi.
3. Hạt nở nhiều màu
Hạt nở có nguy cơ khiến trẻ bị ngạt thở nếu như nuốt phải. (Ảnh minh họa)
Hạt nở có kích thước nhỏ, màu mè bắt mắt khiến trẻ có thể dễ dàng nhầm lẫn với kẹo. Năm 2017, một trường hợp bé 2 tuổi ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc nhập viện gấp trong tình trạng nuốt nhầm hạt đồ chơi này vì tưởng là kẹo.
Sau khi được kiểm tra, bác sĩ đã tiến hành mổ lấy dị vật gấp bởi để lâu sức khỏe bé sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh cáo việc trẻ có nguy cơ ngạt thở trong quá trình nuốt phải những hạt nở nhiều màu này.
4. Nỏ bắn tăm
Nỏ bắn tắm cũng giống như súng đạn có thể gây nguy hiểm cho bé. (Ảnh minh họa)
Cũng giống như súng đạn nhựa, nỏ bắn tăm là món đồ chơi yêu thích với nhiều trẻ em ở Trung Quốc thời gian gần đây. Được làm bằng nhựa với kích thước bằng bàn tay, sử dụng tăm tre làm cung tên rất đơn giản nhưng lại khiến trẻ mê tít.
Vào tháng 6 năm 2017, một đứa trẻ 10 tuổi ở Tân Cương, Trung Quốc bị thương ở mắt phải bởi một cây tăm do bạn cùng lớp dùng nỏ bắn. Mặc dù các bác sĩ điều trị tích cực nhưng không thể hồi phục thị lực như cũ cho bé.
Lời khuyên dành cho cha mẹ:
Không phải chiều chuộng đáp ứng theo yêu cầu sẽ tốt cho trẻ. Điều quan trọng cha mẹ phải có hướng giáo dục tốt để bé biết điều gì là nguy hiểm và cách phòng tránh.
Thứ nhất, không cưng chiều mua những đồ chơi nguy hiểm cho con mà phải lựa chọn phù hợp với tuổi và tính cách.
Thứ hai, chỉ rõ cho bé những món đồ chơi không phù hợp thậm chí sẽ gây hại cho cơ thể như thế nào.
Thứ ba, chọn những nơi uy tín để mua đồ cho bé. Mẹ đừng tiết kiệm mà mua những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất sứ. Khi mua hàng hãy tìm hiểu chất liệu có tính độc hại hay không.
Thứ tư, đồ chơi điện tử nếu chạy bằng pin mẹ hãy để tâm bởi trẻ hiếu động sẽ nuốt phải gây ngạt thở. Thậm chí hãy kiểm tra kỹ càng xem đồ chơi có tính sát thương hay không.