“Con mình chắc chắn sẽ phải biết bơi trước khi biết chữ”
“Cậu biết đấy, nếu tắc thì tớ sẽ phải hút cho thông thay cậu, nhưng như thế thì không nên tí nào. Chúng ta nên biết giữ gìn của chung, cậu thích ruột, còn tớ thì chỉ thích vỏ, và tớ thì cai sữa được 24 năm rồi, thế nên chúng ta nước sông không phạm nước giếng, của bền tại người cậu ạ
....
Không có chuyện tớ cho cậu sờ vào điện thoại của bố mẹ khi chưa đủ 12 tuổi, và cũng không có chuyện vác điện thoại, ipad ipéc ra làm mồi nhử cho cậu ăn đâu. Tớ nói sai tớ chuyển xuống làm con cậu luôn!
Cậu đã chiến thằng trong cuộc thi quan trọng nhất có tỉ lệ chọi 1/300.000.000, thế nên không việc gì phải buồn khi sau này cậu thi tạch hay tán gái mà nó không đổ dù cậu đã làm hết sức, những việc ấy đều mang lại cho cậu kinh nghiệm hết. Mỗi khi thất bại, hãy niệm câu thần chú “Mình đã từng là con tinh trùng khỏe nhất, chiến thắng cuộc thi quan trọng nhất, tỉ lệ chọi cao nhất”, hơi AQ nhưng tác dụng phết đấy con trai ạ
”….những dòng tâm sự vừa chân thật, vừa hài hước của ông bố trẻ Tuấn Linh (sinh năm 1989) gửi con trai vừa chào đời mới đây đã tạo nên một “cơn sốt” trên mạng xã hội. Chỉ sau 3 ngày xuất hiện trên facebook, đoạn status của Tuấn Linh dã thu hút gần 50 nghìn lượt yêu thích, hơn 11 nghìn lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận bày tỏ sự thích thú.Nhiều cư dân mạng hài hước gọi Tuấn Linh là ông bố “bá đạo” của năm.
Trò chuyện với ông bố trẻ đang gây sốt mạng xã hội, đôi khi chúng tôi phải ngắt quãng đợi chờ vì Tuấn Linh “cáo bận” để dỗ con khóc hoặc cho con ăn sữa khi vợ nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đây vẫn là một cuộc trò chuyện vô cùng thú vị sẽ truyền cảm hứng làm bố đến tất cả mọi người.
Ông bố trẻ Tuấn Linh sinh năm 1989, hiện đang làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Những điều nhắn nhủ con đều là rút ra từ kinh nghiệm bản thân
Những điều muốn nhắn nhủ con trai trong "tâm thư", bạn đã suy nghĩ từ lúc nào hay mới chỉ nảy ra khi bé chào đời?
Thật ra thì ý định những điều mình viết cho bé trong status đã có từ khá lâu, từ khi bé còn đang trong bụng mẹ. Tuy nhiên chúng không theo thứ tự và mỗi lúc mình nghĩ tới một chi tiết. Hôm 11/7 vừa rồi sau khi bà xã “mẹ tròn con vuông”, mình mới có thời gian nghĩ lại và viết ra rõ hơn.
Không cho con chơi ipad, điện thoại trước 12 tuổi nhưng lại sẵn sàng...giải bài tập cho con để con có thời gian tận hưởng "tuổi thơ dữ dội", bạn có vẻ là một ông bố rất cá tính. Bạn có thể chia sẻ thêm về quan điểm này của mình?
Lý do đơn giản thôi, tất cả đều là từ việc rút kinh nghiệm bản thân. Mình thấy khi mình còn đi học, chương trình học có nhiều môn học quá, mà môn nào cũng bắt học sinh phải giỏi. Học đều là tốt, nhưng con em có năng khiếu và ham muốn học toán, lại cứ bắt nó đi học thêm và phải giỏi cả lịch sử, địa lý,... vô hình chung lại khiến trẻ không còn thời gian tập trung cho môn học có khả năng mang lại cho trẻ sự yêu thích cũng như khả năng phát triển cao nhất.
Thế nên mình nghĩ giúp con giải bài tập về nhà vừa giúp con giảm tải gánh nặng, vừa làm bố mẹ con cái gắn bó hơn. Ngoài giờ học chính ra thì mình muốn con cái tự tìm hiểu thông qua thực tế hay sẽ hay hơn là đọc lý thuyết suông trong sách vở.
Năm lớp 7, dù bị ong đốt nhưng mình vẫn ko biết con ong đốt mình từ đâu, cho đến khi bắt được 1 con ong vàng và thấy đuôi nó thập thò cái ngòi, lấy nhíp rút ra thì mới biết rằng nó đốt bằng đuôi chứ không phải bằng miệng, và đốt xong thì nó “tẻo” (cười).
Một ví dụ nữa là mình đã mấy lần suýt chết đuối vì không biết bơi nhưng ham hố xuống nước. Sau này mình liều mạng đi tập bơi nên mới biết,rằng dù đọc sách hướng dẫn học bơi trước đó rất nhiều nhưng không thực hành thì cũng không ăn thua. Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo nên chắc chắn thằng nhóc nhà mình sẽ phải biết bơi trước khi biết chữ.
Tất nhiên, mọi trải nghiệm dữ dội đến mấy thì cũng phải có bố mẹ “bảo kê” đằng sau, kể cả âm thầm hay công khai, vì mục đích là để con học chứ không phải quăng nó ra khi chưa đủ lớn.
Con trai Tuấn Linh mới được 5 ngày tuổi
Đàn ông không thể "vô can" trong việc chăm con
"Nhật ký" đưa vợ đi đẻ và ngày đầu tiên ở viện của bạn như thế nào?
Vợ mình bị động thai hai lần, một lần khi được 2 tháng và một lần vào lúc 5 tháng. Lúc ấy, hai vợ chồng mình phải tạm gác lại mọi công việc, thậm chí xin nghỉ làm để lo cho bé.
Ngày vợ mình đi đẻ, cả ông bà nội ngoại, cô dì của bé đều đi hộ tống để vợ mình hoàn thành nhiệm vụ. Hôm đó vợ mình chuyển dạ khá lâu nhưng cuối cùng mọi việc đầu tốt đẹp. ).Em bé chào đời khoẻ mạnh vào ngày 10/7 vừa rồi, được gia đình đặt tên là Vinh. Vợ mình sinh mổ nên cũng bị hạn chế nhiều so với các chị em sinh thường. Sau 3 ngày nằm viện thì hai vợ chồng mới đưa con về nhà hôm 13/7.
Cảm xúc lần đầu lên chức bố của mình thật là thì cũng hồi hộp, lo nhiều hơn mừng vì không biết sẽ phải chăm con như nào. Vì là con đầu nên mình cũng lóng ngóng, làm chân sai vặt tôi, các bà sai gì làm đấy, vợ kêu cần gì thì làm nấy thôi (cười).
Nhiều đàn ông ngày nay cho rằng chăm con là chuyện của người mẹ (và bà nội, bà ngoại) chứ bản thân mình thì "vô can". Quan điểm của bạn ra sao?
Vô can là vô thế nào, là thằng châm lửa chính dẫn đến việc lôi cả bà nội bà ngoại vào chứ đâu còn là việc của người mẹ nữa. Hơn nữa con mình mà còn kêu vô can thì cái gì mới liên quan (cười). Trường hợp người chồng biết làm thì tốt quá, không thì cũng phải đi theo làm chân sai vặt là được rồi. Mà đâu phải ai cũng được ông bà nội ngoại giúp ngay, thế nên giắt túi 1 chút kiến thức chăm con để đề phòng lúc chờ cứu viện hoặc gặp những việc nhỏ nhỏ, hơi tí lại alo mẹ ơi cháu ị thì cũng hết hơi (cười).
Kỷ niệm thú vị nhất của bạn khi chăm con là gì?
Vì mình mới có con nên thấy cái gì cũng thú vị hết, trừ lúc nó khóc. (cười)
Bạn mong con trai mình sẽ trở thành người đàn ông như thế nào khi trưởng thành?
Mình mong muốn tương lai khi lớn, nhóc nhà mình có thể tự lập tốt, năng động, biết chăm lo cho gia đình. Ngoài ra, bên cạnh kiến thức sách vở ra thì cần có kĩ năng sống và hiểu biết xã hội, chứ ra đường nhìn con bò lại bảo nó sủa gâu gâu thì bao nhiêu sách vở cũng đành đem làm tấm lót nồi mất thôi (cười).
Cám ơn Tuấn Linh về cuộc trò chuyện thú vị!
Mời các mẹ tham gia chia sẻ, tìm kiếm những kinh nghiệm, bí quyết hữu ích khi nuôi con nhỏ tại Hội các mẹ yêu con nhé! |