Liệu The Voice Kids có đi lại 'vết xe đổ' dàn dựng thái quá và đánh mất tinh thần thiếu nhi?
Cùng xem Giọng hát Việt nhí với cô con gái 12 tuổi, hết chương trình, con tôi buông thõng một câu: “Chả hay tí nào mẹ ạ!”. Tôi bất động gần 20 giây, băn khoăn tự hỏi: "Liệu rằng Giọng hát Việt nhí có đi lại ‘vết xe đổ’ dàn dựng thái quá và đánh mất tinh thần thiếu nhi như show Đồ Rê Mí 2012?"
Tập 1 của Giọng hát Việt nhí phát sóng tối 1/6, dễ dàng gặp lại khá nhiều gương mặt quen với các show thực tế như Đỗ Trí Dũng, Vũ Song Vũ, Thảo My, Lê Nguyên… Phải chăng phiên bản nhí này đang ‘nhặt nhạnh’ để khoe lại những thí sinh có tên tuổi và bề dày ca hát để làm nóng chương trình hơn là việc tập trung tìm kiếm tài năng mới?! Và chính vì đã ‘chinh chiến’ ở nhiều cuộc thi nên không quá bất ngờ khi những nhân vật ‘cũ’ khá sành sỏi và 'chuyên nghiệp' trong cách đối đáp với các Huấn luyện viên (HLV). “Em thi Giọng hát Việt nhí vì muốn vào TP.HCM và tiếp xúc với Thanh Bùi” (Vũ Song Vũ - 14 tuổi); “Em chọn vào đội chị Hiền Thục vì an toàn” (Thảo My – 12 tuổi)…
Nguyễn Lê Nguyên quá người lớn với ca khúc 'Và ta đã thấy mặt trời'?
Ngoài ra, nếu xem chương trình sẽ dễ dàng nhận thấy, những bài hát ngây thơ, hồn nhiên đúng với lứa tuổi 9-15 dường như đã bị nhà sản xuất bỏ quên, phớt lờ khi vô tư để Vũ Song Vũ thiểu não, u buồn với bài hát cần sự từng trải và tâm trạng như 'Biển Nhớ' hay Nguyễn Lê Nguyên khắc khoải 'Vì sao nỡ vội nói chia ly/ Vì sao nỡ vội vã ra đi...” (lời bài hát 'Và ta đã thấy mặt trời')… Nguồn ca khúc thiếu nhi trong nước và thế giới có ít đến nỗi các em phải 'lấn sân' sang dòng nhạc buồn, não tình để khoe giọng?
Không chỉ chọn bài hát quá người lớn, việc các em nhỏ lạm dụng hát tiếng Anh cũng cần được xem xét. 8/12 bài hát được các em chọn thể hiện là tiếng Anh mà đa phần đều là ca khúc người lớn, đủ khiến Giọng hát Việt nhí gây chán nản cho khán giả nhỏ tuổi và ức chế cho cả người lớn khi theo dõi chương trình. Việc con gái tôi kêu “Chả hay tí nào mẹ ạ!” khi xem xong show có lẽ một phần cũng bởi bé không cảm thụ được những bài hát tiếng Anh. Vậy thì Giọng hát Việt nhí liệu có là show thành công?
Thảo My phiêu với "Set fire to the rain"
'Zoom' vào 4 vị HLV của The Voice Kids không có quá nhiều 'sạn' khi họ đều đã làm tròn vai là 'nắn nót' từng câu chữ, nhẹ nhàng ‘dụ dỗ’ thí sinh về với đội của mình. Tuy nhiên, những nhận xét phóng đại kiểu 'giọng hát của em quá tuyệt', 'em hát quãng cao quá hay', 'tôi khao khát có được em'... liệu có khiến cho các em nhỏ “ảo tưởng”? Bởi tài năng của các em độ tuổi này chỉ là mới 'nhú'.
Chuyện HLV giở ‘chiêu trò’ để lôi kéo những giọng hát ‘chất’ về đội mình là khó tránh trong mỗi show truyền hình nhưng ‘đá đểu’ nhau ở The Voice Kids có nên? Hương Giang ‘chê’ Thanh Bùi nói tiếng Việt không sõi khi nhạc sĩ này ‘non nớt’ trong việc dùng tiếng Việt để dụ thí sinh Lương Thùy Mai: “Nếu con về với chú, chú sẽ truyền hết cho con và con sẽ, con sẽ ... cái gì đây ... con sẽ rất dễ thương ... ah ah con sẽ hát cực kỳ hay hơn" - "Con thấy không, con nói chuyện với chú mà chú không diễn tả nổi tiếng Việt thì con làm thế nào để hiểu?", câu nói của Hương Giang đầy tính 'dìm hàng'.
Thiết nghĩ, một sân chơi cho trẻ em ý nghĩa thực sự không phụ thuộc vào lượng rating hay những lời bàn tán trên các diễn đàn mà còn tùy vào việc các em nhỏ có thấy vui và học được điều gì sau mỗi show. Hơn nữa, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, để các em được ngây thơ đúng lứa tuổi và hướng các em đến yếu tố thuần Việt cũng là điều nên làm.
Tiêu chí của chương trình Giọng hát Việt nhí là tích cực, vui là chính nhưng liệu ban tổ chức để hút người xem có dựng lên những scandal dễ gây tổn thương trẻ? Liệu có bé nào bị dư luận ‘ném đá’ và phải chịu những ê chề như Quỳnh Anh trong show Vietnam’s Got Talent?