Tinh thần tự giác học tập của Tê Giác không chỉ ở bộ môn tiếng Anh mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, vợ chồng Hoàng Bách luôn tự hào về con trai.
Sự thành công của trẻ một phần do sự rèn giũa của bố mẹ nhưng phần khác cũng đến từ sự tự giác học tập, nỗ lực rèn luyện và cố gắng vươn lên của chính bản thân bé. Sự tự giác sẽ đem lại cho trẻ cảm giác hạnh phúc, sung sướng khi đạt được thành công, hơn rất nhiều nếu thành công là do ép buộc, đốc thúc của cha mẹ.
Có lẽ Tê Giác - con trai ca sĩ Hoàng Bách cũng đang trải qua cảm xúc này khi cậu bé nhận được kết quả thi IELTS vô cùng cao. Mà thành quả có được lại chính là nhờ sự tự giác học tập của chính Tê Giác.
Cụ thể, mới đây trên trang cá nhân của bà mẹ 3 con Đoàn Thanh Thảo - vợ ca sĩ Hoàng Bách, người mẹ không chỉ thể hiện niềm vui mà còn là sự tự hào về cậu con trai cả Tê Giác vì ý thức học tập của con vượt ngoài sự mong đợi của mẹ.
Bà xã Hoàng Bách cho hay, việc con chăm chỉ học tiếng Anh và thi IELTS vợ chồng cô không hề hay biết. Chỉ đến khi con trai gửi kết quả thi IELTS được 8.0, bà mẹ mới ngỡ ngàng và không giấu được sự vui sướng, liền chia sẻ ngay lên mạng xã hội.
"Sáng Tê Giác gửi mẹ điểm thi IELTS, cứ âm thầm tự học âm thầm thi rồi gửi kết quả cho mẹ. Cho mẹ con khoe con chút, vì mẹ con học mãi chả được " - chị Đoàn Thanh Thảo viết.
Khoe niềm vui của con trai và chính bản thân mình nhưng chị Đoàn Thanh Thảo cũng "sợ lắm" khi con trai biết được sẽ bắt mẹ "gỡ bài" ngay lập tức.
Tuy nhiên niềm vui và những điều tích cực thì nên được lan tỏa, đó là ngụ ý của tất cả những người bình luận, để lại lời khen dưới bài đăng của bà mẹ 3 con. Trước chia sẻ của bà xã, Hoàng Bách cũng không khỏi bất ngờ, dành lời khen cho con trai, thậm chí còn nhận vì bé giống bố. "Con trai giống bố học tiếng Anh giỏi quá". Ai nấy đều chúc mừng vợ chồng Hoàng Bách vì có cậu con trai "điểm 10" vô cùng chất lượng.
Được biết, Tê Giác là con trai lớn của Hoàng Bách và bà xã Đoàn Thanh Thảo, hiện tại cậu vừa bước qua tuổi 16. Tê Giác nhận được sự quan tâm, yêu mến của mọi người đặc biệt từ sau khi cùng bố tham gia chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng "Bố ơi! Mình đi đâu thế!" mùa 1.
Khác với vóc dáng gầy gò, mảnh mai và tính cách yếu mềm hay khóc nhè lúc tham gia chương trình, Tê Giác giờ đây là cậu thanh niên tuổi dậy thì vừa điển trai như hot boy, mạnh mẽ, vóc dáng cơ thể lại cân đối. Được biết, ở lứa tuổi 15, con trai cả Hoàng Bách đã cao hơn 1m75 và thời điểm hiện tại đang tiến tới 17 tuổi, chắc chắn Tê Giác đã chạm ngưỡng gần 1m8 vì lứa tuổi dậy thì trẻ phát triển chiều cao rất tốt.
Tê Giác khi cùng bố tham gia "Bố ơi! Mình đi đâu thế!" mùa 1.
Tê Giác hiện tại ra dáng soái ca.
Không chỉ sở hữu vóc dáng người "chuẩn người mẫu", hot boy nhí của "Bố ơi! Mình đi đâu thế!" mùa 1 còn thể hiện tính tự giác học tập ở mọi lĩnh vực. Tê Giác đa tài, giỏi nhạc lý, nhất là piano và thành tích học tập đáng nể. Ngoài IELTS như mẹ Thảo đã khoe ở trên, được biết Tê Giác còn từng đoạt được HCB Olympic Sinh học - Vật lý TPHCM vài năm trước. Cậu chính là niềm tự hào của vợ chồng Hoàng Bách.
Thực tế không phải đứa trẻ nào cũng có tính tự giác trong học tập giống như Tê Giác mà đa phần, các bậc cha mẹ luôn bày tỏ gặp khó khăn trong việc ép buộc con phải học, không chỉ là tiếng Anh mà còn rất nhiều bộ môn khác, thậm chí là các môn năng khiếu. Tuy nhiên điều này cũng cần phải có "bí quyết" và nó nằm ở chính bố mẹ.
Trong khi những đứa trẻ khác đang chơi, đứa trẻ có tính tự giác đã biết tổ chức thời gian và tuân thủ kỷ luật để hoàn thành những mục tiêu mà bản thân đề ra.
Một đứa trẻ có kỷ luật tự giác sẽ hoàn thành những nhiệm vụ cần thiết khi là học sinh, đảm bảo việc hoàn thành bài tập về nhà đúng hạn. Khi trưởng thành, trẻ sẽ áp dụng kỷ luật tự giác vào công việc và cuộc sống cá nhân.
Đôi khi chúng ta ngưỡng mộ thành công của người khác và luôn cho rằng họ có điều kiện đặc biệt, và thành công là điều tất yếu. Thực tế là hầu hết chúng ta đều có những khả năng tương tự, nhưng quan trọng là học được tính tự giác từ khi còn nhỏ.
Giai đoạn từ 3-6 tuổi được các nhà khoa học gọi là "thời kỳ xi măng ướt", với ý nghĩa là 85% tính cách của trẻ, thói quen và lối sống được hình thành trong giai đoạn này. Trong khi đó, giai đoạn từ 7-12 tuổi được gọi là "thời kỳ xi măng hóa rắn", trong đó 85-90% tính cách và thói quen của trẻ đã được hình thành.
Thực tế là khi tính cách và thói quen của trẻ chưa được hình thành, bố mẹ cần thực hiện một số can thiệp cần thiết. Việc nâng cao tính tự giác cho trẻ thực sự quan trọng, vì điều này sẽ đồng hành và ảnh hưởng đến trẻ suốt cuộc đời.
Bố mẹ đều hy vọng rằng con của mình sẽ trở thành người lớn có khả năng tự quản lý, tiết kiệm thời gian, năng lượng và lo lắng. Khi bố mẹ nỗ lực và áp dụng một số phương pháp khi trẻ học tiểu học là cách tốt nhất để giúp trẻ hình thành thói quen tự giác tốt.
Làm thế nào để rèn luyện tính tự giác cho trẻ?
Giúp con nhận ra được điều mình thích và tự giác thực hiện
Một số bố mẹ nói rằng đã lên rất nhiều kế hoạch và cố gắng hết sức để theo dõi con, nhưng vẫn không thấy hiệu quả và rèn luyện tính tự giác cho con.
Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc trẻ cảm thấy bị ép buộc kiểm soát bản thân, nên thường sẽ không nhận thức được ý nghĩa của tự giác thực sự.
Các chuyên gia khuyên rằng, bố mẹ nên bắt đầu từ việc giúp trẻ tìm thấy thứ mình yêu thích và quan tâm. Khi trẻ tìm thấy một hoạt động mà mình thích, sẽ có cơ hội phát triển cá nhân và xác định bản thân mình. Điều này giúp trẻ có cảm giác tự tin và hạnh phúc vì biết mình đang làm điều mình thích.
Khi trẻ khám phá và theo đuổi sở thích của mình, sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về bản thân, khám phá những gì thực sự làm mình hạnh phúc và đam mê. Từ đó phát triển sự tự nhận thức và sự hiểu biết về bản thân.
Bố mẹ có thể cho trẻ trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm thể thao, nghệ thuật, âm nhạc, kỹ năng sáng tạo, đọc sách, và nhiều hoạt động khác. Việc khám phá đa dạng này sẽ giúp trẻ khám phá những điều mình thích và phát triển sở thích tự nhiên.
Quản lý thời gian của chính bản thân con
Để rèn luyện tính tự giác, bố mẹ nên giúp trẻ hình thành thói quen quản lý thời gian và sử dụng thời gian hiệu quả. Thay vì nhìn nhận trẻ là những người trì hoãn chủ quan, người lớn có thể hướng dẫn trẻ xây dựng kế hoạch thời gian và lập thời gian biểu cá nhân.
Ví dụ, khi trẻ đang thực hiện một công việc mà trẻ không thích, bố mẹ có thể yêu cầu trẻ đề ra thời gian để hoàn thành nó. Khi trẻ hoàn thành công việc trong thời gian đã đề ra, trẻ sẽ có thời gian tự do để vui chơi. Phương pháp này khuyến khích sự nhiệt tình và tính tự chủ của trẻ, đồng thời giúp trẻ phát triển kỹ năng quản lý thời gian.
Như vậy, thay vì nhìn nhận trẻ em là những người luôn trì hoãn, bố mẹ có thể tạo ra một môi trường khuyến khích và hỗ trợ để trẻ hình thành thói quen quản lý thời gian, sử dụng thời gian một cách hiệu quả và phát triển tính tự giác.
Hình thành ý thức chấp hành nội quy
Để trau dồi nhận thức về quy tắc, việc đặt ra những quy tắc hợp lý là một bước khởi đầu quan trọng. Điều quan trọng là thiết lập và giải thích rõ ràng những quy tắc hợp lý cho trẻ, từ những quy tắc gia đình đơn giản cho đến những quy tắc xã hội phức tạp.
Bằng cách này, trẻ sẽ hiểu rõ về sự quan trọng của việc tuân thủ quy tắc và phát triển tính tự giác trong cuộc sống hàng ngày.
Bố mẹ có thể đặt ra giới hạn rõ ràng về hành vi không chấp nhận được và áp dụng các hình phạt hợp lý khi trẻ vi phạm quy tắc. Tuy nhiên, hình phạt nên được áp dụng một cách công bằng, không quá nặng nhưng đủ để trẻ hiểu rằng vi phạm quy tắc có hậu quả.
Bố mẹ hãy làm gương cho con
Bố mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tính tự giác của trẻ bằng cách tạo ra một môi trường ủng hộ và dạy trẻ những giá trị và kỷ luật.
Bố mẹ nên trở thành một tấm gương tích cực cho trẻ. Bằng cách tuân thủ quy tắc, đặt mục tiêu và đồng thời thể hiện tính tự giác trong hành động và quyết định hàng ngày, bố mẹ có thể truyền cảm hứng cho trẻ và giúp trẻ hiểu được giá trị của việc tự giác.