Hành trình trở thành “nữ hoàng bánh bao”, người đứng đầu thương hiệu thực phẩm nổi tiếng thế giới Wanchai Ferry với xuất phát điểm từ xe hàng rong tại bến phà là câu chuyện truyền cảm hứng về nghị lực phi thường của người phụ nữ Hong Kong “vắng chồng” một tay nuôi 2 con gái và gây dựng sự nghiệp.
Gia đình không trọn vẹn
Bà Yu Jian sinh ra ở huyện Ngũ Liên, thành phố Nhật Chiếu tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) năm 1945. Cuộc sống trải qua nhiều khó khăn ngay từ khi còn nhỏ, cha bỏ đi, mẹ bà một mình nuôi nấng hai con gái.
Năm 1959, thảm họa thiên nhiên kéo dài khiến mùa màng thất bát, mẹ bà dẫn hai con tới Thanh Đảo sinh sống bằng nghề sửa quần áo. Để giúp đỡ mẹ, bà Yu Jin phải bỏ con đường học hành trở thành bác sĩ, xin làm y tá tại bệnh viện quận.
Vốn tính hiền lành, tốt bụng lại có ngoại hình xinh xắn, cô thiếu nữ 22 tuổi ngày ấy được nhiều người theo đuổi đem lòng yêu một bác sĩ gốc Trung Quốc ở Thái Lan. Họ gặp nhau khi ông trở về nước công tác, một thời gian sau hai người kết hôn và sinh hạ hai cô con gái.
Bà Yu Jian cùng hai con gái. (Ảnh Wallstreet)
Cuộc sống gia đình xáo trộn vào năm 1974 - khi chồng bà trở về Thái Lan chịu tang bố. Trước khi đi, ông hứa hẹn sắp xếp ổn thỏa công việc sẽ sớm đón vợ con sang, gia đình đoàn tụ.
3 năm sau, bà Yu Jin quyết định đưa hai con gái sang Thái Lan. Chưa thỏa vui mừng khi gia đình có ngày đoàn tụ, bà phát hiện gia đình chồng rất giàu, hơn nữa chồng bà bây giờ đã có vợ và một người con trai. Bà cũng không nhận được lời giải thích nào từ chồng bởi ở Thái Lan khi ấy, tình trạng đa thê không hiếm gặp.
Không thể chấp nhận việc chồng phản bội, bà Yu một mực cùng hai con dứt áo ra đi, bỏ ngoài tai lời nói của mẹ chồng ở lại Thái Lan sống trong sự giàu sang.
Không muốn ở lại Thái Lan, càng không muốn quay về Sơn Đông để nhận thêm lời mỉa mai, chỉ trích của mọi người bà quyết định cùng hai con gái tới Hong Kong tạo dựng cuộc sống mới.
Người phụ nữ “tay không tấc sắt” một mình nuôi con trên đất khách
Nơi đất khách không người thân, công việc bà mẹ đơn thân chỉ có hai cô con gái làm chỗ dựa tinh thần và niềm tin có sức khỏe sẽ vượt qua tất cả. Tới Hong Kong năm 1978, với chút tiền ít ỏi còn lại, bà thuê một căn phòng không cửa sổ rộng chừng 4m2 ở vịnh Causeway.
Cùng năm đó, cô con gái lớn 8 tuổi, cô con gái út mới 4 tuổi, chi phí cho hai con ăn học cùng với phí sinh hoạt, thuê nhà…trở thành gánh nặng lớn nhất với người phụ nữ thậm chí còn không biết tiếng Anh và tiếng Quảng Đông – hai ngôn ngữ phố biến ở đó.
Bà Yu tự tay làm bánh bao bán rong tại bến phà trong nhiều năm, trước khi mở cửa hàng. (Ảnh Wallstreet)
Do không thể giao tiếp với người Hong Kong, bà Yu gặp khó khăn khi xin việc tại bệnh viện nên đành làm công việc rửa bát, dọn vệ sinh tại một nhà hàng. Cuối ngày còn nhận rửa xe tới 2h đêm mới trở về nhà và chỉ được ngủ 3-4 tiếng/ngày.
Những khó khăn của cuộc sống không dừng lại ở đó, bà gặp tai nạn trong lúc làm việc tại nhà hàng với chấn thương ở lưng, phải nằm viện. “Sau khi gặp chấn thương, tôi bị sa thải. Khó khăn càng thêm khó khăn khi chủ nhà đòi tiền, các con cần được ăn uống và đến trường. Khi ấy tôi chỉ có thể nằm trên giường, sự bất lực khiến nước mắt không ngừng rơi”, bà chia sẻ với Globewomen.
Người chủ nhà hàng thiếu trách nhiệm, không những không thăm hỏi mà còn giữ 4.500 nhân dân tệ tiền lương trước đó với lý do bà là người nhập cư trái phép. Lúc này bà đành nhờ đến pháp luật, tòa phán quyết chủ nhà hàng phải trả toàn bộ số tiền và bồi thường thêm 30.000 nhân dân tệ.
Tuy nhiên, bà chỉ nhận được số tiền bồi thường mà không có đồng lương nào như phán quyết của tòa. Thay vì quyết đòi số tiền cho bằng được, bà Yu chỉ nhẹ nhàng cho qua bởi vụ kiện là để tìm kiếm công lý, không phải vì tiền. Thậm chí bà còn từ chối nhận trợ cấp của nhóm bảo trợ xã hội với lý do không muốn con gái mình cảm thấy thấp kém và vẫn có khả năng tự lo liệu.
Mẹ đơn thân trở thành “nữ hoàng bánh bao” nổi tiếng
Một lần tình cờ có người bạn đến thăm, được ăn thử món bánh bao tự tay bà Yu làm đã tấm tắc khen ngon và gợi ý chuyện đem bánh đi bán. Vậy là bà Yu bắt đầu khởi nghiệp bằng chiếc xe đẩy chở đầy bánh bao vào mỗi buổi chiều tại bến phà.
Sau nhiều lần khách hàng góp ý, bà điều chỉnh dần độ dày vỏ và nhân bánh sao cho phù hợp khẩu vị của mọi người. Suốt 5 năm ngủ trên sàn nhà, để dành không gian nhỏ hẹp trong căn nhà để làm chỗ sản xuất bánh. Cuối cùng, bà mở được cơ sở bánh bao đầu tiên năm 1985.
Mẹ đơn thân trở thành người đứng đầu thương hiệu thực phẩm Wanchai Ferry nổi tiếng thế giới.
Trong 10 năm tiếp theo, các cơ sở bánh bao với thương hiệu Wanchai Ferry nối tiếp nhau ra đời, việc kinh doanh ngày càng thuận lợi. Năm 1996, bà xây dựng một nhà máy hiện đại đạt chuẩn quốc tế phục vụ nhu cầu sản xuất bánh. Kể từ đó sản phẩm trở nên đa dạng, từ bánh bao chín sang bánh bao đông lạnh.
Không lâu sau, Wanchai Ferry trở thành thương hiệu thực phẩm đông lạnh đầu tiên ở Hồng Kông, chiếm lĩnh 100% thị trường bánh bao chín, 30% thị trường bánh bao đông lạnh. Năm 1999, doanh số của Wanchai Ferry đạt 500 triệu nhân dân tệ, chiếm dần một nửa thị trường thực phẩm đông lạnh ở phía đông Trung Quốc.
Cùng thời điểm, một công ty thực phẩm lớn thứ 3 của Mỹ đề nghị hợp tác với công ty của bà, đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc đại lục. Kể từ đó, các cơ sở sản xuất tại Quảng Châu và Bắc Kinh tiếp tục ra đời.
Bà Yu được gọi là "nữ hoàng bánh bao" Hong Kong. (Ảnh Wallstreet)
Năm 2001, General Mills - công ty thực phẩm lớn thứ sáu trên thế giới đã mua lại Wanchai Ferry, chính thức trở thành công ty mẹ của thương hiệu bánh bao nổi tiếng.
Thời gian vừa qua, phía đại diện công ty General Mills chính thức xác nhận rằng bà Yu đã qua đời vào ngày 8/2 ở tuổi 73. Tới bây giờ, khi nhắc đến bến phà Wan Chai nhiều người ngay lập tức nghĩ đến bánh bao mịn và ngon của người mẹ đơn thân với nghị lực phi thường, bán hàng rong nuôi hai con gái và sáng lập thương hiệu thực phẩm nổi tiếng thế giới.