Vì sao ta luôn kiềm chế được với người khác, trừ con mình?
Tính đúng đắn của việc cha mẹ dùng đòn roi dạy con từ lâu đã trở thành chủ đề tranh luận không hồi kết giữa các bậc phụ huynh. Không có cha mẹ thương con ít, chẳng có cha mẹ nào muốn con khổ nhiều. Sau mỗi lần đánh, mỗi lần đòn roi rơi xuống người con, cha mẹ nào chẳng đau lòng và khóc thầm trong sự ân hận. Vậy nhưng không ít người trong số chúng ta vẫn không thể ngừng được hành động đánh con mỗi khi bực tức vì những "áp lực trong cuộc sống", khi bị trẻ "làm phiền" và khi "nói mà con không nghe".
Người lớn luôn có trăm nghìn lý do cho việc đánh con trẻ. Tuy nhiên, đã có ai thực sự hoá thân vào con, đặt mình vào suy nghĩ của đứa trẻ mới chỉ vài tuổi, thậm chí vài tháng tuổi để thực sự nghĩ xem, trẻ liệu có 'xứng đáng' bị đánh đòn?
Mới đây, bà mẹ trẻ Bùi Hoàng Ly Ly (sinh năm 1987) - mẹ của một bé trai hơn 18 tháng tuổi đã có những chia sẻ đanh thép nhưng cũng rất chuẩn xác về vấn đề "có nên đánh con" trên facebook cá nhân.
"Con - yêu thương vô cùng nhưng cũng tội nghiệp vô cùng. Vì không tự bảo vệ được mình mà vẫn bị đánh - dù người lớn có đáng bị đánh cũng ít khi bị đánh còn con thì bị đánh lại là "yêu cho roi cho vọt", là chân lý, là đúng đắn".
Chị Bùi Hoàng Ly Ly và con trai nhỏ.
Bài viết của bà mẹ một con được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng mạng khi khiến các bậc phụ huynh phải "giật mình" vì cách dạy con sai lầm của bản thân.
Nếu bị chồng đánh. Đánh 1 lần, đánh 2 lần, đánh 3 lần. Bạn lu loa lên nhất định sẽ được khuyên: li dị đi.
Nếu con bị bạn đánh, đánh 1 lần, đánh 2 lần, đánh n lần thì cũng chẳng ai bảo nó bỏ mẹ đi. Nhưng thâm tâm có khi ngàn lần nó bất mãn và mơ ước được bỏ đi, được có bố mẹ khác.
Ở cơ quan tranh cãi với đồng nghiệp. Bạn ức muốn sôi máu muốn đấm cho nó phát mà tay chỉ nắm chặt không dám đấm. Mang cục tức về nhai nuốt.
Về nhà con lèo nhèo đòi cái bát, điên máu cho con phát tát. Không nhân nhượng.
Vì con không to như chồng. Vì con không "gây khó dễ" được cho ta như đồng nghiệp?
Trẻ con thì rất phiền phức. Thực sự vô cùng phiền phức. Sự phiền phức đó lại không hẳn là do chúng.
Ta chọn sinh ra chúng chứ chúng đâu chọn nhảy vào đời ta. Ta có thể cân đo đong đếm sắp xếp thứ tự ưu tiên và quyết định sẽ dành cho con bao nhiêu % thời gian chứ con đâu biết mẹ ra khỏi cánh cửa kia sẽ về, bố làm xong việc này việc kia thì sẽ chơi với con.
Vì ta có thế giới với công việc, với shopping, với các mối quan hệ, với cái chân đi bất cứ đâu chứ con nhỏ thế giới bầu trời là bố mẹ mà thôi. Nhưng bầu trời thình thoảng giáng cho cái tét vào mông chỉ vì con muốn được ngắm bầu trời?
Lý do ta đánh con?
Vì điên quá - Vậy sao khi điên với bà bán cá cân điêu ta không đánh bà ấy?
Vì đánh đau nó mới nhớ - vậy học hành chắc cần máy tra tấn là thành thiên tài.
Vì không kiềm chế được - ấy vậy mà ta luôn kiềm chế được với người khác - trừ con mình.
Vì con còn bé phải đánh mới nên người - phải sửa lại là bé nó không có mồm cãi lý, không có khả năng đánh lại nên "tranh thủ" mà đánh không nó lớn mình uýnh nó phản ứng lại là tèo mình mới đúng.
Con - yêu thương vô cùng nhưng cũng tội nghiệp vô cùng.
Vì không tự bảo vệ được mình mà vẫn bị đánh - dù người lớn có đáng bị đánh cũng ít khi bị đánh còn con thì bị đánh lại là "yêu cho roi cho vọt", là chân lý, là đúng đắn.
Dưới 1 tuổi con là thiên thần.
Qua 1 tuổi con là thiên thần dơi dơi, suốt ngày lộn ngược, sểu nhãi, bốc mọi thứ không phải đồ ăn cho vào miệng và nhè mọi thứ là đồ ăn mẹ mời, lèo nhèo ngôn ngữ "sóng âm"....
Vì tuổi lên 1 con nhận thức được nhiều nhưng không đủ ngôn từ diễn đạt.
Vì tuổi lên 1 con bị đẩy ra khỏi bố mẹ nhiều hơn nên con cứ thèm khát bám lấy bố mẹ cuối ngày.
Ngày 24h, con đi học từ 7h-17h30, ngủ từ 20h-6h, nên chỉ có 2.5-3h bên bố mẹ lại là giờ cơm nước, tắm giặt nên con cứ bị lờ đi, cố gây chú ý thì "bị chú ý" bằng cáu gắt, đánh mắng.
Tuổi lên 1 sẽ qua mau.
Nhịn.
Mà thương.
Viết cho 1 ngày cáu trót phát vào mông Mun, rồi ngay lập tức thảo mai vỗ thêm vài phát để trí trá là mẹ đang phát yêu