Bám sát những chỉ dẫn dưới đây, mẹ sẽ có một khởi đầu tuyệt vời trong việc dạy con cách chi tiêu theo từng lứa tuổi.
Mỗi đứa trẻ có một mức độ phát triển khác nhau. Bám sát những chỉ dẫn dưới đây, mẹ sẽ có một khởi đầu tuyệt vời trong việc dạy con cách chi tiêu theo từng lứa tuổi.
3 tuổi: Rèn luyện tính kiên nhẫn
Ở độ tuổi này, trẻ cần học được tính kiên trì, đồng thời học cách ứng xử hợp lí khi những gì bé muốn không được đáp ứng. Kiểm soát ham muốn được xem là bài học đơn giản nhưng hết sức cần thiết cho con về cả sau này.
Lời khuyên: Khi bé muốn ăn bánh, hãy nói với con rằng bạn sẽ cho con, nhưng nếu muốn ăn ngay con sẽ chỉ được nhận 1 cái, trong khi nếu con có thể chờ thêm 10 phút nữa thì con sẽ được nhận 2 cái. Mẹ hãy xem xem con lựa chọn như thế nào, và cố gắng khuyến khích bé chờ đợi bằng những cách tương tự như thế.
Bài học rút ra: Hãy chờ đợi cho một điều lớn lao hơn, thay vì thỏa mãn lợi ích trước mắt.
Trẻ lên 4, bố mẹ nên dạy con học đếm để kết nối kĩ năng toán học vừa mới chớm nở ở con và khái niệm tiền bạc đối với bé. (Ảnh minh họa)
4 tuổi : Học đếm
Bọn trẻ không thể hiểu được giá trị của đồng tiền ở độ tuổi này, những gì mẹ nên dạy cho con lúc này là cách đếm và phân biệt những đồng tiền cơ bản. Đây cũng là lúc mẹ có thể kết nối kĩ năng toán học vừa mới chớm nở ở con và khái niệm tiền bạc đối với bé.
Lời khuyên: Mẹ hãy đưa cho bé một vài tờ tiền có mệnh giá khác nhau và bắt đầu bằng việc để bé đếm xem có bao nhiêu tờ trong đó. Mỗi tuần, hãy giới thiệu cho con 1 tờ tiền cụ thể, và giúp con phân biệt nó bằng cách cho bé tự tìm ra tờ tiền này trong số nhiều tờ tiền khác.
Bài học rút ra: Nhận diện được các tờ tiền và mệnh giá của nó.
5 tuổi: Thực hành tiết kiệm
Khoảng thời gian trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo, mẹ sẽ nhận thấy bé cứng cáp hơn rất nhiều, phần lớn nhờ việc học hỏi từ bạn bè. Tuy nhiên, cũng chính thời gian này, sự ganh đua ở trẻ cũng thể hiện rất rõ. Hãy ngăn chặn điều này, ngay từ trước khi nó bắt đầu.
Lời khuyên: Hãy cho bé biết rằng, con không thể muốn gì được nấy, bé cần phải học được cách xác định được cái gì thì quan trọng hơn. Lần tới, khi đưa bé đi mua đồ chơi, và có cùng lúc 2 thứ con muốn mua, hãy cho con chỉ 1 sự lựa chọn. Điều này không quá khó khăn với con như mẹ nghĩ đâu.
Bài học rút ra: Cái gì cũng có giá của nó, bởi thế con phải học cách cân nhắc trước khi đòi hỏi một điều gì đó.
6 tuổi: Bắt đầu tự chi tiêu
Nhiều chuyên gia khuyên rằng cha mẹ nên cho con bắt đầu tự chi tiêu khi bé đã được 6 tuổi. Với 1 khoản tiền nhất định, việc để dành hay mua đồ chơi con thích sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào bé.
Lời khuyên: Mỗi tuần, mẹ hãy dành cho bé môt khoản tiền nhất định, số tiền này không bắt buộc là bao nhiêu, tuy nhiên, mẹ nên lưu ý rằng, không nên gắn liền số tiền này với công việc nhà. Trẻ cần học được cách quản lí tiền bạc, chứ không phải được khuyến khích hoàn thành nghĩa vụ của mình bằng tiền.
Bài học rút ra: Khi muốn một thứ gì đó, cần phải chỉ rõ được nó tiêu tốn bao nhiêu tiền và bạn sẽ nhận được gì từ số tiền bỏ ra đó.