Thay vì vun vén cho gia đình con gái, mẹ của L. lại ra sức bênh con rể, mắng chửi con đẻ.
Từ xưa đến nay các cụ vẫn thường chỉ nói đến những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, chuyện dì ghẻ con chồng rồi chuyện ở rể của những đấng mày râu chứ cũng chưa ai nghĩ đến chuyện mẹ đẻ vì bênh con rể mà hại đời con gái mình. Nhưng câu chuyện tưởng như đùa ấy lại đang tồn tại ngay giữa đời thực. Chị N.H.L (sinh năm 1992, nhân viên marketing tại Hà Nội) chính là nạn nhân trong câu chuyện ấy, cuộc hôn nhân của chị đang đứng trên bờ vực tan vỡ, nguyên nhân có một phần không nhỏ từ chính mẹ đẻ của chị.
Mẹ đẻ làm hư con rể, hại đời con gái
20 tuổi, L bước chân lên xe hoa với mong ước về một mái ấm gia đình, nơi cô được hạnh phúc trong vòng tay anh, nơi đầy ắp những tiếng cười trẻ thơ. Sau khi kết hôn, do nhà chồng ở xa, 2 vợ chồng lại đều làm việc trên Hà Nội nên khi nghe thấy mẹ đẻ nói "con gái còn dại, ra ở riêng sẽ rất vất vả. Ở nhà với mẹ thì mẹ vừa chăm sóc, về sau có con cái thì bố mẹ trông nom cho" cô cũng thấy yên tâm phần nào. Nhưng có lẽ đó lại là một quyết định sai lầm khiến cho cuộc hôn nhân của cô đứng trên bờ vực tan vỡ. Kể từ ngày đó mẹ cô luôn can thiệp quá mức vào cuộc sống của 2 vợ chồng, từ chuyện kinh tế, cách dạy con cho đến cả những chuyện riêng tư của vợ chồng cô…
Giá như mẹ tôi đừng bênh anh quá mức thì cuộc hôn nhân này có lẽ đã không đi đến kết thúc như vậy.
Chồng L là một người đàn ông khá tốt nhưng anh lại không có chính kiến, anh luôn nghe người lớn dù cho họ có đúng hay sai vì đối với anh “phải làm hài lòng người lớn thì mới sống yên ổn được”. Có lẽ xuất phát từ cái suy nghĩ đó mà mâu thuẫn giữa anh, cô rồi với mẹ đẻ cứ mỗi ngày một lớn đến mức không thể dung hòa được.
Hơn 2 năm chung sống với nhau, chưa một lần L biết đến đồng lương của anh. Mỗi tháng anh chỉ nộp cho mẹ cô 1,5 triệu đồng coi như đóng góp tiền ăn. Có những khi vì thấy chồng tiêu hoang phí, không biết lo cho vợ con, cho cuộc sống gia đình sau này L kiên quyết bắt chồng đưa tiền cho mình nắm giữ nhưng kết quả nhận được chỉ là “cô có cầm tiền đâu mà biết tôi phải chi tiêu những gì, cứ thử cầm xem có tiêu hết không mà hỏi lắm". Rồi lại thêm được cả câu nói của mẹ đẻ “Tiền của nó, con đừng làm như thế, đàn ông có tự ái của nó chứ". Vậy là cô cũng chỉ biết ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong.
Rồi có những hôm chồng cô dậy sớm đi chơi thể thao, dẫu biết rằng đó chỉ là nhu cầu giải trí chẳng thể cấm đoán nhưng anh đi chơi cách xa nhà đến15km - 20km. Cô có nói "anh phải dành chút thời gian cho gia đình chứ. Đêm về đã muộn, sáng vợ mở mắt ra đã không thấy chồng đâu, thế lỡ em đẻ ở đấy, ai đưa em đi viện?". Mẹ L lại được thể bênh con rể: “Ai cũng có bạn bè, nó cũng có mà mày cũng có. Nó đi chơi với bạn thì cứ để nó đi. Mày vừa phải thôi”. Do có sự hậu thuẫn của mẹ vợ nên chồng cô lại được đà đi tối ngày, anh cũng chẳng coi lời nói của vợ ra gì.
Đôi khi có người than với bà rằng bà chiều con rể quá mức nhưng bà đều nói “tất cả cũng chỉ vì nó (L), không muốn làm nó khổ”. Nhưng bà đâu biết rằng, chính những hành động, câu nói ấy của bà lại làm L thêm khổ hơn. Chồng cô luôn cho rằng “anh là trụ cột chính nên khi làm những việc gì, anh chẳng bao giờ hỏi ý kiến của vợ, chỉ cần hỏi qua mẹ vợ và mẹ anh, vậy là xong”. Mang danh là vợ của anh hơn 2 năm qua nhưng cô chẳng có lấy một chút quyền hạn, chẳng được anh tôn trọng tất cả cũng chỉ vì được mẹ vợ “bênh” quá mức
Quá áp lực khi phải đứng giữa bố mẹ đẻ, chồng và bố mẹ chồng, nhiều lần L có bàn với chồng về chuyện ra ngoài ở để cuộc sống của 2 vợ chồng được tự do, ổn định kinh tế, an cư lập nghiệp. Nhưng chồng cô vẫn luôn một mực không chịu vì “đang ở với mẹ sướng, anh không muốn chuyển đâu". 26 tuổi, đáng lẽ ra anh phải lo được cho vợ, cho con ấy vậy mà anh còn sợ không lo nổi cả cho mình.
Còn về phía mẹ L, khi thấy vợ chồng cô bắt đầu có những bất ổn trong cuộc sống thì bà lại quay sang chỉ trích cô. Cô đã quá quen với những câu nói của mẹ như “đàn bà phải biết nhịn, sống phải biết tôn thờ chồng, hi sinh vì chồng con”, “ngu có cái việc bảo chồng mà cũng không biết đường”…. Có những khi vì quá uất ức cô nói lại mẹ thì bà lại khóc lóc, kêu gào, bất lực vì cho rằng mình không dạy nổi con. Vậy là L cũng chỉ biết ôm uất ức vào trong lòng, chẳng biết tâm sự cùng ai.
“Vì quá bất lực, có lần tôi đã muốn ôm con tự tử”
Ngay từ khi mang thai, do suy nghĩ quá nhiều, áp lực từ cuộc sống quá lớn mà L đâm ra bị stress. Các cụ xưa vẫn thường có câu, “con giun xéo lắm cũng quằn”, có lần vì quá áp lực, quá mệt mỏi mà cô đâm ra nghĩ quẩn, cô định ôm con tự tử… Nhưng đáp lại hành động của L chỉ là sự vô tâm của chồng “Em muốn làm gì thì làm, đừng hành hạ con” cùng những lời nói cay độc của mẹ “nó chết đi cho tôi đỡ khổ…”. Cô khóc ngất đi trong sự tủi thân, trong niềm đau tột cùng.
Quá áp lực trong cuộc hôn nhân này, L đi đến quyết định ly hôn để mong muốn được giải thoát cho mình, để giữ lại nụ cười con thơ. Vì đối với cô bố mẹ ly hôn không có nghĩa là con mất bố hay mất mẹ. "Bố mẹ vẫn phải cùng nhau chăm sóc con. Con vẫn nhận được đầy đủ yêu thương. Tôi tin con sẽ không cảm thấy tủi thân hay thua kém bạn bè”.
Đây là tất cả những gì L có thể làm trong hoàn cảnh này
Khi L nói với chồng về chuyện ly hôn, có lẽ chưa tin vào điều đó, anh nói với cô bằng 1 giọng đầy thách thức “Nếu em cảm thấy em làm được thì em cứ làm, viết đơn ra đi thì anh ký". Nhưng sau khi nhận thấy sự nghiêm túc của cô anh có chút lưỡng lự. Tuy đã hết tình cảm, nhưng đối với chồng cô còn có sự ràng buộc về nghĩa vụ đối với con cái. Nhưng có lẽ mọi chuyện đã quá muộn rồi vì đối với cô nghĩa vụ thì dù ở đâu cũng có thể cùng thực hiện chứ không cớ phải ở cùng 1 nhà, chung 1 giường.
Còn về phía mẹ cô, từ khi biết cô có ý định ly hôn, bà không tiếc lời chửi mắng cô. Những cuộc họp trong gia đình cũng nhiều dần lên chỉ để mong L từ bỏ cái suy nghĩ đó. Rồi mẹ lục lọi phòng cô, giấu luôn cả giấy tờ của hai vợ chồng cô chỉ để mong cô từ bỏ ý định ly hôn.
Hiện tại L đang làm nhân viên marketing cho một công ty nước ngoài. Đã có nhiều lần L có ý định đưa chồng con sang bên đó lập nghiệp. Nhưng khi biết được ý định đó của L mẹ cô liền liên lạc với quản lý bên đó, yêu cầu họ chấm dứt hợp đồng với cô. Tuy nhiên cô may mắn có được những người bạn tốt. Họ cũng hiểu cuộc sống của L nên rất ủng hộ việc cô tiếp tục công việc và chuyển sang đó nếu có khả năng.
Còn khi được hỏi về tương lai, L chia sẻ: “Điều tôi hy vọng nhất bây giờ chỉ là sớm kết thúc được tình cảnh này. Sau đó hai mẹ con sẽ nương tựa vào nhau mà sống. Nếu có khả năng thì chắc tôi chuyển sang nước ngoài sinh sống để thuận lợi hơn cho công việc và hi vọng sẽ tạo cho con một tiền đề phát triển tốt nhất”.
Con đường phía trước còn dài, L hi vọng cô sẽ đủ mạnh mẽ cùng con bước đi trên con đường ấy