Là một bà mẹ có con trong độ tuổi "ẩm ương", MC Thảo Vân hiểu tại sao các bậc phụ huynh có thể trong tích tắc đẩy sự nóng giận lên đến bạo hành vì không kìm chế được.
Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 300 triệu trẻ em từ 2-4 tuổi thường xuyên bị cha mẹ áp dụng các hình thức kỷ luật về thể chất hoặc tâm lý. Còn ở Việt Nam, có 68,4% trẻ từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt về thể chất hoặc tinh thần từ các thành viên trong gia đình.
Bên cạnh đó, trên toàn cầu có 1,1 tỷ người chăm sóc trẻ cho rằng trừng phạt về thể chất là phương pháp cần thiết để giáo dục trẻ. Những con số này và rất nhiều tảng băng chìm khác trong các gia đình giáo dục trẻ xuất phát từ các hành vi kỷ luật thô bạo đã cho thấy bố mẹ đang kỷ luật sai phương pháp và vô tình bạo hành đến con.
Chính bởi vậy, buổi tọa đàm “Kỷ luật trẻ - Đâu là giới hạn?” mới đây đã giúp các bậc phụ huynh giải đáp được những băn khoăn, bế tắc trong phương pháp giáo dục con.
Các diễn giả tại tọa đàm.
Những lúc tức giận nhất với con, tôi hiểu vì sao nhiều phụ huynh đi quá giới hạn dẫn đến bạo hành
Là một người mẹ đang có con trai ở độ tuổi mới lớn, mặc dù tham gia tọa đàm “Kỷ luật trẻ - Đâu là giới hạn?” với vai trò MC nhưng Thảo Vân cũng có những băn khoăn trong vấn đề dạy con của mình.
Chia sẻ về chàng trai Tít, MC Thảo Vân cho biết, Tít là một cậu bé khá sáng dạ nên chỉ cần nhìn nét mặt mẹ là con biết mình làm sai. Mặc dù những chuẩn mực, tiêu chuẩn Tít luôn được dạy dỗ từ bé, ít khi khiến mẹ phải nói rằng “Con à, như thế là sai” nhưng vẫn có lúc MC Thảo Vân phải nóng giận và “đau đầu” vì con.
Chính vì vậy, cô hiểu được tại sao các bậc phụ huynh không kìm chế được cơn tức giận, trong tích tắc đẩy kỷ luật thành bạo hành.
“Mình chưa bao giờ làm gì vượt quá ranh giới kỷ luật và bạo hành vì lúc nóng giận nhất mình vẫn luôn tự kìm chế được, mặc dù đôi khi có cơn nóng giận tới nên mình hiểu tại sao các bậc phụ huynh có thể trong tích tắc đẩy lên dẫn đến bạo hành vì không kiềm chế được.
Mình cũng rơi vào trạng thái như vậy. Tất nhiên đôi khi mình cũng phải nói với con như thế này không được. Và khi con làm không được hình thức lớn nhất có lúc mình quát con. Tuy nhiên, chủ yếu mình nói chuyện và bày tỏ sự buồn bã thôi. Mình nghĩ điều quan trọng nhất là chúng ta phải rất tỉnh táo, luôn biết kiềm chế, đừng để bản thân vượt quá giới hạn”, MC Thảo Vân tâm sự.
Có những lúc MC Thảo Vân phải nổi nóng, đau đầu với Tít nhưng cô chưa vượt quá ranh giới kỷ luật và bạo hành vì kìm chế được bản thân.
Chia sẻ thêm, MC Thảo Vân cho biết, mỗi người có một giới hạn khác nhau, vì vậy mọi cần cần phải đọc và học nhiều để biết như thế nào là tốt nhất cho con.
“Sự yêu thương sẽ mách cho mình cách đúng nhất để đối xử với con, không phải những ông bố, bà mẹ đánh con là không yêu con, nhưng mình nghĩ đôi khi cách yêu của họ không đúng, vì thế trở thành bạo hành. Đánh con của mình vì quá thương con, đó là một sai lầm vì chúng ta yêu và phạt con cũng phải đúng cách.
Mọi người cần phải hiểu con mình để xác định ranh giới phạt đến đâu là đủ. Mỗi đứa trẻ có tính cách, sự giáo dục, môi trường khác nhau vì thế chỉ khi yêu thương con, hiểu con mới biết rằng nên dừng lại ở đâu là vừa đủ. Khi đã xác định điều đó rồi, mình nghĩ chúng ta sẽ hạn chế nhiều trường hợp đáng tiếc đẩy tình trạng kỷ luật quá mức trở thành bạo hành”, MC Thảo Vân cho hay.
Quan niệm “Thương cho roi cho vọt” có đúng?
Với vai trò là một diễn giả, tại buổi tọa đàm bàn luận về việc kỷ luật trẻ bằng đòn roi được bố mẹ áp dụng dạy con, chuyên gia giáo dục quốc tế Steven Foster dành câu hỏi cho các bố mẹ, nếu việc trừng phạt, đánh vào mông con có hiệu quả tại sao, bố mẹ phải làm thêm nhiều lần nữa?
Ông Steven cho rằng, việc đánh hay la hét quen thuộc của bố mẹ với mục đích để con làm điều đúng đắn, tuân theo nguyên tắc của bố mẹ nhưng sự thực trẻ chỉ làm theo để không muốn bị phạt và học cách tinh ranh hơn, để không bị đánh nữa. Việc “bạo hành về thể xác” này khiến con không thể học kỹ năng dài hạn mà bố mẹ mong muốn, nó chỉ hiệu quả tức thì, khiến trẻ sợ hãi phải làm.
Chính vì vậy, bố mẹ muốn con làm điều đúng đắn ngay cả khi không có sự giám sát cần 1 số kỹ năng nhất định và dài hạn. Bố mẹ phải dành nhiều thời gian dể dạy.
Việc trừng phạt và phần thưởng không có hiệu quả. Công cụ trẻ học được là sự hợp tác, giao tiếp, đóng góp để con thấy mình có vị trí quan trọng tron gia đình, thấy sự đóng góp của mình.
Ông Steven Foster.
Đồng quan điểm, chuyên gia giáo dục Nguyễn Bảo Trọng – Giám đốc học thuật Trường MNQT Sakura Montessori chia sẻ thêm về sai lầm của cha mẹ trong việc dạy con: “Sáu năm đầu đời của trẻ được xem như nền tảng, tạo dựng nền móng cho cấu trúc về nhân cách sau này của một đứa trẻ. Trẻ cần phát triển cảm giác tin tưởng bản thân mình, tin tưởng người khác và tin tưởng thế giới xung quanh.
Tuy nhiên, người lớn thường có xu hướng kiểm soát thái quá, khi không có khả năng điều chỉnh trẻ, thường làm trẻ cảm thấy xấu hổ về hành vi của chúng, khiến chúng có xu hướng nghi ngờ bản thân. Mọi người thường xét nét về những lỗi sai của trẻ theo cách tiêu cực và làm thay cho trẻ những gì chúng có thể làm được”.
Còn với chuyên gia Hoàng Anh Đức- Giám đốc học thuật trưởng PTLCQT Gateway cho rằng, “Giáo dục” là một quá trình và “dạy” là một thao tác. Bố mẹ thường nôn nóng, muốn quá trình “giáo dục” diễn ra nhanh gọn như thao thác “dạy” nên có những hành vi thúc ép trẻ thay đổi nhanh hơn, khiến trẻ không được kỳ vọng đúng như mong đợi. Thế nhưng, điều quan trọng bố mẹ nên làm là trở thành người bạn và đồng hành cùng trẻ.
Chuyên gia Hoàng Anh Đức.
Mỗi khi nóng giận đánh con, cha mẹ hãy nhớ đến bàn tay của mình trong ánh mắt con
Cũng trong buổi tọa đàm, “Đâu là ranh giới của kỷ luật và bạo hành?” , “Làm thế nào để kỷ luật tích cực trẻ?” là vấn đề mà nhiều bố mẹ quan tâm, giải đáp về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em cho biết, bố mẹ cần kiên nhẫn kỷ luật tích cực ở trẻ, không nên nóng vội. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Trẻ em tâm lý trưởng thành theo lứa tuổi, vì vậy, cha mẹ hãy coi con là đối tác, con có lòng tự trọng và hãy kích thích sự tôn trọng của con, đạt đến sự thỏa thuận.
“Nguyên nhân dẫn đến trừng phạt ở trẻ đến từ cơn giận dữ của người lớn không kìm nén được. Bên cạnh đó, cha mẹ không có kinh nghiệm dạy con và chưa được ai hướng dẫn xử lý mỗi một tình huống như thế nào. Đặc biệt, cha mẹ không rút kinh nghiệm từ những lần trước đó và không kiềm chế được cơn nóng giận.
Trẻ con là người hứng chịu tất cả cơn nóng giận của cha mẹ, vì trẻ con không có sức kháng cự, phụ thuộc vào bố mẹ, non nớt không biết tự bảo vệ.
Tôi nhớ mãi câu chuyện của một cô bé vẽ hình bàn tay trong một diễn đàn trẻ em. Cô bé nói đó là bàn tay mẹ nấu cơm cho em ăn, lấy thuốc khi em ốm, xoa lưng đưa em vào giấc ngủ nhưng bàn tay đó nhiều lần đã đánh và tát em. Chính bởi vậy, mỗi khi nóng giận, cha mẹ hãy nhớ đến bàn tay của mình trong suy nghĩ của trẻ em. Mọi người hãy lắng nghe con, coi con là người có thể chia sẻ, tâm sự được”, ông Đặng Hoa Nam cho biết.
Ông Đặng Hoa Nam cho biết, bố mẹ hãy coi con như đối tác đoạt đến sự thỏa thuận trong dạy con.
Ông Đăng Hoa Nam cũng nhấn mạnh, bố mẹ hãy tạo luật chơi và cùng tuân thủ luật chơi với con, coi con như đối tác để đoạt đến sự thỏa thuận. Đôi khi, bố mẹ hãy áp dụng biện pháp thử sai, để con được thử sai trong giới hạn an toàn xem thái độ con như thế nào. Điều đặc biệt, muốn kỷ luật tích cực ở trẻ, bố mẹ phải kiên trì, làm đi làm lại và phát triển những bài học sau tốt hơn bài học trước.