Theo TS Vũ Thu Hương, độ tuổi nào thì cha mẹ cũng cần đưa con đến nơi con sẽ đi học để chơi vài lần. Con quen mắt, quen không khí ở đó, quen cô giáo, quen bạn bè,… thì con sẽ không thấy sợ hãi.
Cho con đi học mẫu giáo là một quyết định quan trọng của mọi bậc phụ huynh. Hầu hết các bé bắt đầu đi học mầm non từ độ tuổi 2,5 đến 4 tuổi. Tuy nhiên, cũng có những cha mẹ vì lý do nào đó mà quyết định cho con đi học sớm hơn độ tuổi.
Dưới đây, TS. Vũ Thu Hương – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tư vấn và chỉ ra những lưu ý chọn trường cũng như các bước chuẩn bị cho trẻ đi mẫu giáo.
Thời điểm thích hợp đi học chính là bản thân trẻ và cha mẹ đã sẵn sàng
- Xin chào TS. Vũ Thu Hương, hiện nay nhiều bố mẹ cho con đi học mầm non quá sớm, khi trẻ chưa đủ 24 tháng tuổi. Vậy theo bà điều này nên hay không?
Việc trẻ đi học sớm không có vấn đề gì quá nghiêm trọng. Con gái tôi đi học khi cháu mới 18 tháng. Ở Đức, tôi còn biết trẻ đi học từ 1 tháng tuổi khi mẹ bận việc.
Trẻ đi học sớm không phải là vấn đề nghiêm trọng. (Ảnh minh hoạ)
Việc đi học sớm với trẻ mầm non không phải là vấn đề lớn. Điều chúng ta quan tâm là điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất, chương trình học của trường như thế nào. Nếu họ không thể dạy được trẻ dưới 24 tháng mà ta cứ đưa con đến thì đấy mới là điều không nên, thậm chí là nguy hiểm.
TS Vũ Thu Hương. |
- Thưa bà, thời điểm thích hợp để cho con đi nhà trẻ là khi nào?
Thời điểm thích hợp để trẻ đi học là khi chính bản thân trẻ cũng như cha mẹ đã sẵn sàng cho việc đưa con đến trường. Như tôi nói ở trên, cha mẹ cần kiểm tra điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình học của trường.
Nếu với điều kiện của Việt Nam, lớp đông, cô ít và chuyên môn của nhiều cô không tốt, thì để con đi học được an toàn và mạnh khỏe, cha mẹ phải dạy trước cho con mọi kĩ năng tự chăm sóc bản thân. Đến khi đó, con tự lo được cho bản thân mình rồi thì sẽ không cần đến sự chăm chút của cô giáo nhiều nữa. Điều đó đảm bảo cho con an toàn và mạnh khỏe.
- Có dấu hiệu nào để nhận biết trẻ sẵn sàng đi học không, thưa bà?
Không có trẻ nào sẵn sàng đi học nếu cha mẹ không làm các công tác chuẩn bị tâm lý cho con. Con đang sống cùng cha mẹ, ông bà, quen thuộc và thân thương, tự nhiên phải đến một nơi xa lạ, rõ ràng là không dễ chịu và thậm chí là hoảng sợ. Vì thế, để con sẵn sàng đi học, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con.
Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con trước khi đi học. (Ảnh minh hoạ)
Để con đi học an toàn, hãy dạy con kỹ năng, ít đòi hỏi cô giáo
- Cho trẻ đi học khi còn ở độ tuổi quá nhỏ, theo bà, bố mẹ cần chuẩn bị những gì?
Độ tuổi nào thì cha mẹ cũng cần đưa con đến nơi con sẽ đi học để chơi vài lần. Con quen mắt, quen không khí ở đó, quen cô giáo, quen bạn bè,… thì con sẽ không thấy sợ hãi.
Độ tuổi nhỏ đi học sẽ dễ quen hơn là các bạn đã 2, 3 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi nhỏ cũng sẽ non nớt nên đòi hỏi cô giáo phải có tay nghề cao.
- Nhiều vụ việc bảo mẫu bạo hành đều với những trẻ chưa biết nói, lười ăn. Vậy theo bà có nên cho trẻ đi học khi chưa biết nói hoặc lười ăn không?
Đây chính là vấn đề tôi muốn nhấn mạnh. Nếu các bạn lại vào nhà trường, các bạn lại còn đòi hỏi cô giáo phải cho con mình ăn ngoan, tăng cân, chắc chắn con các bạn sẽ là nạn nhân của bạo hành.
Bạn hãy dạy con kỹ năng và ít đòi hỏi giáo viên hơn, đến lúc đó con sẽ an toàn.
Với các trẻ nhỏ, nếu gia đình quá bận mà buộc phải cho đi trẻ sớm, hãy đến đón con sớm hơn, cố gắng ở dành thời gian cho con. Ví dụ: bạn có thể gửi con một buổi để đi làm và một buổi ở nhà chăm con. Như vậy con sẽ quen dễ dàng hơn và cũng lớn nhanh hơn.
- Có nhiều gia đình, ông bà muốn con cứng cáp khoảng tầm 3 tuổi mới cho đi lớp, thậm chí có gia đình không cho con đi lớp, điều này có hợp lý không?
Đương nhiên là không hợp lý rồi. Ông bà không những không biết dạy trẻ như thế nào cho phù hợp mà đôi khi ông bà còn làm lỡ khoảng thời gian quý báu để trẻ học kĩ năng sống.
Sự chiều chuộng, bao bọc, chăm bẵm của gia đình đôi khi khiến trẻ ngơ ngác, lóng ngóng và thiếu tự tin hơn trẻ cũng trang lứa. Tôi nghĩ, mọi trẻ cần đi học và cha mẹ nên dũng cảm để con bắt đầu đối mặt với môi trường không có sự bao bọc của gia đình.
Cha mẹ nên dũng cảm để con bắt đầu đối mặt với môi trường không có sự bao bọc của gia đình. (Ảnh minh hoạ)
5 lưu ý chọn trường và 6 bước giúp con sẵn sàng đi học
- Theo bà, nên tìm trường như thế nào để cha mẹ an tâm "chọn mặt, gửi vàng" cho trẻ?
Cha mẹ cần tận mắt nhìn thấy những điều sau trước khi đưa con vào trường đó chính thức:
1. Giấy phép hoạt động của trường
Nếu là trường công lập, cha mẹ không phải lo lắng, còn trường tư, nếu ở biển hiệu có ghi thêm chữ “Phòng Giáo dục Quận”, hay gì gì đó, bố mẹ cũng không phải quá lo lắng. Cha mẹ tuyệt đối không đưa con vào các cơ sở trông giữ trẻ không có biển hiệu hay giấy phép gì.
Ngoài ra, biển hiệu trường cũng phải to đẹp, hoành tráng bởi những cơ sở tư nhân, chui lủi thường không dám làm biển hiệu hoành tráng vì cơ quan chức năng sẽ đến xử ngay lập tức.
2. Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Vì con sẽ ăn ở trường nên cha mẹ khéo léo yêu cầu giấy phép này là đương nhiên phải làm. Các cơ sở chui thường không bao giờ có loại giấy này.
3. Bằng cấp của cô giáo
Các cha mẹ có thể thỏ thẻ: "Em ơi, giờ ở khắp nơi có quá nhiều các cô giáo không có bằng cấp đi dạy con, làm con sợ. Chị biết trường mình không thế nhưng ông bà nội cháu không tin, cho chị mượn bằng của em, photo công chứng cũng được, chị chụp cái ảnh đem về cho ông bà xem được không?". Cha mẹ chỉ chụp tại trận rồi mang về nhà.
4. Khuôn viên trường
Điều cha mẹ cần quan tâm ở đây là:
- Có sạch không? (Không sạch thì con mình ốm đau liên miên là bình phường nhỉ!)
- Có phù hợp với trẻ không? Nếu phù hợp thì cầu thang phải thấp (Các bậc cầu thang thấp độ chừng 10cm, con mới bước mà không ngã). Bên cạnh đó, sân phải rộng, sạch, và tốt nhất là trồng cỏ để con có ngã cũng không đau.
Ngoài ra, trường nhiều đồ chơi cũng tốt và không nhiều cũng tốt nhưng nếu có phải đảm bảo an toàn, không thể có việc cầu trượt hỏng, lắt lẻo để giữa sân mà không ai xử lý.
- Trường nào có sân chơi cát, cha mẹ nên “GỬI NGAY, KHÔNG SUY NGHĨ” vì chơi cát là việc cực kì cần thiết và quan trọng với sự phát triển trí não của trẻ. Trường có sân chơi cát là đã chứng tỏ người đứng đầu trường có hiểu biết sư phạm mầm non rất rất tốt.
Cha mẹ nên gửi con vào trường có sân chơi cát. (Ảnh minh hoạ)
5. Khuôn viên lớp học: Rộng, bố trí phù hợp, và không quá ngăn nắp. Các mẹ sẽ tròn mắt khi nghe câu không quá ngăn nắp nhưng nếu lớp học có nhiều đồ chơi mà ngăn nắp quá, điều đó chứng tỏ đồ chơi chỉ để đó để phụ huynh nhìn thấy, còn các con sẽ không được chơi.
Nhiều dụng cụ học tập và đang được sử dụng như: Hộp bút sáp, bút màu đủ màu nhưng cái ngắn cái dài, cái to cái bé, chứng tỏ các bé sử dụng nhiều nên nó xấu xí đi.
Nếu trường nào dán nhiều tranh các bé vẽ mà không ngay ngắn lắm thì càng tốt, điều đó chứng tỏ các cô rất chú trọng việc dạy con và đưa sản phẩm của con lên tường. Việc này làm liên tục nên không thể nào ngay ngắn quá được.
Vậy nên bố mẹ chú ý các sản phẩm của trẻ và đồ dùng học tập quá ngăn nắp thì không nên gửi con, vì có nghĩa là cơ sở đó không hoạt động sư phạm thực chất.
- Theo bà, cha mẹ cần phải làm gì để chuẩn bị cho con đi nhà trẻ, mẫu giáo?
Theo tôi, các cha mẹ cần làm tốt các bước sau để con sẵn sàng tâm lý khi đi học:
Bước 1: Dạy kỹ năng sống cho trẻ. 6 tháng là con phải tập bốc ăn. Sau đó là tập tự đi vệ sinh, tự thay quần áo, tự rửa mặt. Con cũng phải được dạy chào hỏi.
Cách dạy con mọi thứ không phải là quát con mà là làm mẫu cho con và con sẽ bắt chước theo. Đặc biệt là chào, cảm ơn và xin lỗi. Nếu các cha mẹ chú trọng việc đó thì chỉ khi con 2 tuổi, cha mẹ sẽ thấy con lễ phép và ngoan vô cùng.
Bước 2: Cho con làm quen với trường. Nếu cha mẹ chọn trường nào cho con thì nên cho con qua đó chơi liên tục trong chừng độ 1 tháng trước khi con đi học chính thức. Cha mẹ làm sao để con quen với khung cảnh trường càng nhiều càng tốt. Nếu con quen và thân với cô giáo thì còn tuyệt vời hơn. Trong lúc con chơi ở đó, người thân thiết của con như mẹ hay bà phải ở đó cùng với con.
Bước 3: Biến trường học của con thành nơi tuyệt vời để đến. Cha mẹ kể cho con về trường lớp, về đồ chơi, về bạn bè. Con hiểu được bao nhiêu thì hiểu để con sẽ thấy đó là nơi đẹp tuyệt, hấp dẫn tuyệt và việc đi học không phải là đáng sợ mà là đáng trông đợi.
Cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng và ít đòi hỏi cô giáo để tránh là nạn nhân của bạo hành.
Bước 4: Đưa con đi học nửa ngày (Cha mẹ cần dặn trước cô giáo) và giao hẹn trước là mẹ sẽ đón con lúc nào con thấy đói (buổi trưa). Con yên tâm với lời hẹn sẽ đón, sẽ không cảm thấy quá đáng sợ để đến một nơi mới. Từ đó, con sẽ vui vẻ đi học ngay.
Bước 5: Đón con đúng hẹn, đưa con đi về ăn và đi ngủ cùng nhau. Lúc đó, mẹ phải hỏi con: Trường con có đẹp không? Có đồ chơi gì? Cô giáo xinh không? Có bạn nào xinh giống con không? Nếu con kể được thì tốt, còn không thì mẹ phải huyên thuyên kể về trường mầm non của mẹ. Đến lúc đó, con sẽ hào hứng cho buổi đi học tiếp theo.
Bước 6: Sau khi con đi nửa ngày được khoảng 1 tuần, con đã thực sự thích đi học. Mẹ kể cho con nghe là chiều cô sẽ có thêm trò chơi này, đồ ăn kia. Con thích thì mẹ cho con học tiếp cùng các bạn để được ăn và chơi. Nếu con đồng ý thì mẹ cho con đi học cả ngày, nếu không, cha mẹ hãy cho con đi học nửa ngày vui vẻ.
Lưu ý: Trong thời điểm này, mẹ gặp ai cũng nên khoe: “Con nhà cháu đi học ngoan lắm, không khóc nhè, rất đáng yêu, như siêu nhân ấy”, con sẽ hào hứng đi học vô cùng. Lời khen đúng lúc có tác dụng gấp triệu lần quà cáp.
Xin cảm ơn bà về những chia sẻ!