Mọi bà mẹ có con gái nhất định nên đọc bức thư ý nghĩa này!

Ngày 31/12/2017 13:02 PM (GMT+7)

Bức thư gửi con gái 5 tuổi về những điều không nên làm của bà mẹ trẻ Hammer đã được rất nhiều bậc phụ huynh yêu thích. Bức thư dạy các cô bé cách sống thật tự tin và hạnh phúc.

Rất nhiều cô gái được khuyên đừng bao giờ trang điểm quá nhiều, đừng mặc váy ngắn, đừng cư xử không giống một quý cô. Tuy nhiên, bà mẹ trẻ Toni Hammer đã đưa ra những lời khuyên hoàn toàn khác biệt trong danh sách những việc không nên làm dành cho con gái mình.

Mọi bà mẹ có con gái nhất định nên đọc bức thư ý nghĩa này! - 1

Lillian và em trai Levi.

Toni Hammer là một bloger có hai con nhỏ là cô bé Lillian (5 tuổi) và cậu bé Levi (4 tuổi) sống ở thành phố Portland, bang Oregon, Mỹ. Cô đã đăng tải một bức thư với những lời dặn dò con gái đầy ý nghĩa về những việc không nên làm trong cuộc sống trên Facebook và Instagram. Bức thư nhanh chóng lan truyền rộng rãi khắp nơi vì nội dung đặc biệt ý nghĩa. Hiện tại bức thư đã nhận được hơn 10 nghìn lượt yêu thích và hơn 7 nghìn lượt chia sẻ.

Điều gây ấn tượng mạnh mẽ trong bức thư của Hammer dành cho con gái là cô đã thừa nhận việc mình không muốn có con. Trong blog mang tên Is It Bedtime Yet, Hammer đã viết: “Mặc dù tôi không bao giờ muốn có con và tôi cũng không hề xấu hổ khi thừa nhận điều đó nhưng tôi yêu những đứa trẻ của mình rất nhiều. Chỉ vì tôi chưa bao giờ mong muốn cuộc phiêu lưu này không có nghĩa là tôi không yêu thích được đồng hành cùng các con trong chuyến đi này.”

Mọi bà mẹ có con gái nhất định nên đọc bức thư ý nghĩa này! - 2

Hammer viết thư cho con nhân dịp cô bé đi học mẫu giáo 5 tuổi.

Hammer đã lấy cảm hứng để viết bức thư cho con khi cô bé bắt đầu đi học lớp mẫu giáo 5 tuổi. Cô khá lo lắng cô bé sẽ có những kí ức và cảm xúc không tốt trong trường học như cô trước đây. Cô chia sẻ với tờ HuffPost rằng: “Hồi nhỏ tôi thường bị bạn bè bắt nạt và tôi không muốn con bé cũng phải trải qua điều tương tự. Tôi muốn dạy con bé cách để tự tin hơn về bản thân mình để không ai có thể khiến con bé cảm thấy tự ti”.

Bức thư của Hammer mang rất nhiều thông điệp tích cực dành cho cô con gái nhỏ, chẳng hạn như việc khuyên cô bé cần nhận ra giá trị đích thực của mình. “Con không cần phải xin lỗi như thể con là một người phiền nhiễu. Con không hề phiền nhiễu. Con là một con người với những suy nghĩ và cảm xúc xứng đáng được tôn trọng”.

Mặc dù thông điệp của bức thư có vẻ phù hợp với một người trưởng thành hơn là một cô bé 5 tuổi nhưng nó sẽ giúp trẻ hiểu được những thông điệp tốt về giá trị bản thân ngay từ khi còn nhỏ.

Theo The Conversation, trẻ em bắt đầu phát triển ý thức về bản thân ngay từ khi còn nhỏ và cha mẹ có thể củng cố quan niệm về giá trị bản thân tích cực ngay từ lúc bé mới chào đời. Vì vậy, bức thư của Hammer là một lời nhắc nhở tuyệt vời cho các ông bố, bà mẹ về những thông điệp mà có thể truyền đạt cho con ngay từ bây giờ.

Mọi bà mẹ có con gái nhất định nên đọc bức thư ý nghĩa này! - 3

Bức thư của Hammer giúp con gái tự tin hơn về bản thân. 

Hãy cùng đọc bức thư đầy ý nghĩa mà Hammer viết cho con gái bé bỏng của mình:

“Gửi con gái yêu quý,

Đừng xin lỗi nếu có ai đó va vào con.

Đừng nói "Xin lỗi vì sự phiền nhiễu của tôi". Con không phải là một điều phiền nhiễu. Con là một người với những suy nghĩ và cảm xúc xứng đáng được tôn trọng.

Đừng đưa ra lý do tại sao con không thể đi chơi với một chàng trai con không muốn hẹn hò cùng. Con không nợ ai lời giải thích. Con chỉ cần nói “Không, mình không đi, cảm ơn!” là đủ.

Đừng nghĩ quá nhiều về việc con ăn gì trước mặt người khác. Nếu con đang đói thì hãy cứ ăn những gì con muốn. Nếu con muốn bánh pizza thì hãy gọi bánh pizza thay vì gọi salad chỉ vì mọi người ở xung quanh.

Đừng để tóc dài vì người khác thích vậy.

Đừng mặc bất cứ bộ quần áo nào mà con không thích.

Đừng ở nhà vì con không có bạn đi chơi cùng. Con có thể tự đi một mình. Hãy tạo cho mình những giây phút vui vẻ riêng vì chính con.

Đừng giấu đi những giọt nước mắt. Khóc có nghĩa là con cần giải tỏa cảm xúc của mình. Đó không phải là một điểm yếu mà cảm xúc bình thường của con người.

Đừng cười vì người khác bảo con nên vậy.

Đừng ngại cười trước những trò đùa của chính con.

Đừng nói “Có” chỉ vì lịch sự. Con có thể nói “Không” vì đó là cuộc sống của con.

Đừng giấu ý kiến của con. Hãy nói to lên. Con nên được lắng nghe.

Đừng xin lỗi vì đã là chính mình. Hãy dũng cảm, can đảm và xinh đẹp. Hãy là chính bản thân mình như con muốn.”

Tác giả người Anh nổi tiếng Tanith Carey, đã nói với The Irish Examiner rằng việc dạy cho các cô bé giá trị bản thân không phải là việc nuôi dưỡng cảm giác kiêu căng mà là giúp các em tự chấp nhận được bản thân mình và cảm thấy hài lòng với chính mình. Khi hiểu được cảm xúc của bản thân các em sẽ biết điều gì là tốt hoặc xấu với mình. Con gái của Hammer đang ở độ tuổi khó đối phó với quá nhiều cảm xúc vì vậy bức thư của Hammer sẽ giúp cô bé rất nhiều.

Theo một báo cáo từ Too Small to Fail: "Phát triển cảm xúc xã hội đóng một vai trò quan trọng trong thời thơ ấu, từ sự thấu hiểu cảm xúc, đến việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh với người khác. Đây là nền tảng giúp cho các bé học hỏi thêm được nhiều điều".

Bức thư của Hammer là một ví dụ điển hình về việc khuyến khích phát triển cảm xúc xã hội bằng cách khuyến khích sự độc lập của con gái.

Lê Ánh (Dịch từ Romper)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Người mẹ cần biết