Bà là chủ nhân của những cuốn sách dạy con bán chạy nhất tại Hàn Quốc, thế nhưng đằng sau đó là một tấn bi kịch khi mà bà chẳng khác nào “ác quỷ” với lối nuôi dạy con sai lầm ở nhà khiến các con bà ám ảnh cả một tuổi thơ.
Câu chuyện đau lòng này được kể lại tường tận trong “Cuốn sách ăn năn của mẹ”, được viết bởi một chuyên gia hàng đầu về giáo dục, một nữ hiệu trưởng, một người mẹ mà bao phụ huynh khác ngưỡng mộ. Bà đã tiết lộ sự thất bại và sai lầm của mình trong việc nuôi dạy con và tất cả những gì bà viết ra trong những cuốn sách dạy cách nuôi con trước đó thực tế chỉ là một đống lý thuyết suông khi chính bà lại làm điều ngược lại.
Bea Sung Mun, 55 tuổi, là hiệu trưởng của Trường tiểu học Quốc gia, là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Giáo dục.
“Bà mẹ quốc dân” của cả nước nhưng lại là “ác quỷ” trong lòng các con
Bea Sung Mun, 55 tuổi, là hiệu trưởng của Trường tiểu học Quốc gia Hàn Quốc, là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Giáo dục. Trong chuyên môn, bà thể hiện mình là một người vô cùng xuất sắc. Bà là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Mama Ban Sung Mun” với hơn 50.000 bản được bán trong 3 tháng sau phiên bản đầu tiên.
Cuốn sách này tập trung nói về cách nuôi dạy con thành những đứa trẻ thông minh, giỏi giang, cách phát triển trí tuệ cho trẻ. Bà cũng là người đã nhận được bằng khen của Thủ Tướng, của Bộ giáo dục Hàn Quốc cho những đóng góp xuất sắc của mình trong sự nghiệp giáo dục. Thế nhưng sau tất cả, bà lại thất bại trong chính ngôi nhà của mình, trong việc nuôi dạy các con.
Trong những cuốn sách của mình, bà thường dạy phụ huynh phải dành nhiều lời khen cho trẻ. Nhưng thực tế, bà lại mang một trái tim sắt đá khi dạy các con. Bà chẳng bao giờ khen ngợi con mình dù cho đứa trẻ có cố gắng đến thế nào. Trong mắt một người mẹ tài giỏi như bà, những gì các con đạt được là quá tầm thường.
Khi con trai khoe về việc đứng nhất toàn trường, bà thản nhiên bình phẩm: “Có gì mà con phải lớn tiếng như vậy? Con nhìn bảng thành tích đi, ngoại ngữ tốt lên thì toán lại thụt lùi. Tiền đầu tư học thêm toán là rất đắt mà kết quả chỉ như vậy? Chẳng lẽ với 97/100, đứng nhất toàn trường với số điểm này mà con cũng thấy hài lòng sao?”.
Bà là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Mama Ban Sung Mun” với hơn 50.000 bản được bán trong 3 tháng sau phiên bản đầu tiên.
Bằng mọi giá, bà đưa các con đi học thêm từ khi còn rất nhỏ mặc dù nhà xa, tốn kém. Ước mơ của bà là các con phải trở thành những thần đồng. Cậu con trai lớn học giỏi phần nào khiến bà yên tâm hơn một chút nhưng với cô con gái nhỏ, khi cô bé hơn 3 tuổi chưa thể nhận được mặt chữ, bà xem điều đó như một thảm họa, một sự xúc phạm lớn tới gia đình trí thức của bà. Bà gần như “tức chết” khi con gái của mình học không giỏi như kì vọng dù cho cô bé còn rất nhỏ.
Bà áp dụng những cách quân phiệt nhất để dạy con. 10h tối mới đi làm về, nhưng để đảm bảo kì thi của con đạt kết quả tốt, bà đã yêu cầu mẹ chồng không được cho cháu đi ngủ, nhất định phải đợi mẹ về. Sau đó bà “ốp” con học tới khuya, khi mà cả cơ thể và đôi mắt của con trĩu xuống vì buồn ngủ bà cũng không tha.
Bà hét lên khiến con co rúm lại vì sợ hãi: “Những đứa trẻ bằng tuổi con, không chỉ tiếng mẹ đẻ mà tiếng Anh cũng biết viết. Tại sao con kém cỏi như vậy?". Cô bé non nớt mới 7 tuổi cầu xin mẹ cho đi ngủ nhưng bà vẫn cứng rắn: “Giờ này con muốn đi ngủ à? Con đi rửa mặt rồi quay lại học tiếp ngay!".
Mỗi khi con đạt được những thành tích mới, bà lại coi đó là cái chuyện chẳng có gì tự hào vì nó vốn dĩ phải như vậy. Con gái đạt 60/100 điểm, bà sỉ nhục con cho rằng đây là số điểm tồi tệ nhất, chưa bao giờ bà thấy ai học dốt như vậy. Bà khiến con gái cảm thấy mình như một kẻ lạc loài trong cái gia đình toàn người xuất chúng. Bà so sánh con với mọi người, khiển trách con không có được sự giỏi giang như gia tộc của bà… Bà thậm chí còn cho rằng con lẽ ra không nên vác mặt về nhà ăn cơm với số điểm tệ hại như vậy.
Trong những cuốn sách của mình, bà thường dạy các phụ huynh phải dành nhiều lời khen cho trẻ. Nhưng thực tế, bà lại mang một trái tim sắt đá khi dạy các con.
Khi con gái được 80/100 điểm, bà cho rằng vì đề thi dễ, khi con đạt 100/100 điểm, bà mặt lạnh lùng: “Chắc gần cả lớp được 100 điểm ấy nhỉ”. Mọi cố gắng của con với bà đều vô nghĩa vì đạt được những điều đó là hết sức bình thường với gia đình toàn người giỏi như bà.
Trong tư duy của bà mẹ chuyên gia hàng đầu về giáo dục ấy, bà cho rằng bằng cách này bà sẽ khiến các con không tự mãn về những gì mình đạt được, các con sẽ phải không ngừng cố gắng, cố gắng và cố gắng để giỏi hơn nữa. Nhưng bà đã lầm. Bà đã găm vào đầu, vào tim các con một nỗi đau, nỗi ám ảnh quá lớn.
Bỏ học, sống bất cần, muốn chết và những lời sỉ nhục mà các con dành cho mẹ như một cách để trả thù
Giữa cái thời điểm bà được tung hô nhiều nhất, được ngưỡng mộ sau khi ra một cuốn sách với thành tích khủng, hàng ngàn người muốn cho con vào học trường của bà thì bất ngờ… cả hai con của bà bỏ học. Nó như một cái tát vào mặt người phụ nữ vốn dĩ chỉ sống trong những lời khen và sự ngưỡng vọng của mọi người. Từ một gia đình kiểu mẫu với các con học tại những ngôi trường nổi tiếng, ai ai cũng ghen tị thì giờ, các con bà đều bỏ học. Từ những đứa trẻ xuất sắc và ngoan ngoãn, giờ đây các con như trở thành kẻ khác, máu lạnh, hỗn hào và bất cần.
Giữa cái thời điểm bà được tung hô nhiều nhất, được ngưỡng mộ sau khi ra một cuốn sách với thành tích khủng, hàng ngàn người muốn cho con vào học trường của bà thì bất ngờ… cả hai con của bà bỏ học.
Dưới áp lực bị người đời cười chê, bà ngất đi cấp cứu ba lần và gặp một số tai nạn nghiêm trọng, bao gồm cả cuộc đại phẫu. Nhưng tồi tệ là ở chỗ, các con bà vẫn xem đó như một màn kịch của một bà mẹ đáng ghê tởm. Ngay cả khi nhìn thấy mẹ ngất xỉu đi, con gái bà vẫn cười nói: “Đây lại là màn kịch gì nữa vậy?”.
Tất cả những gì mà các con bà làm là nghỉ học, ở nhà ăn, ngủ, chơi game, xem ti vi và chọc tức mẹ. Chúng lượn lờ trước mặt bà với thái độ khinh khỉnh và xem thường tất cả mọi thứ.
Bà đã cố gắng nói chuyện với các con, ép buộc các con quay trở lại trường nhưng vô ích. Đáp lại sự thiện chí của bà chỉ là những lời lăng mạ của 2 đứa con mà bà từng kì vọng. Điều gì đã khiến 2 đứa trẻ trở nên như thế này? Bà bắt đầu nhìn lại và bắt đầu suy ngẫm về những gì mình đã làm sai?
Và rồi bà nhận ra, chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ. Chúng mới là những người chịu tổn thương sâu sắc bởi cha mẹ mình. Lần đầu tiên, bà mẹ ấy cúi đầu thừa nhận: Mẹ đã sai! Bà vô cùng hối hận về đứa trẻ, đặt hết lòng tự trọng và tự hào, đấu tranh để thay đổi, để lấy lại tình yêu của đứa trẻ, để cứu lấy tương lai của đứa trẻ.
Lời ước nguyện trên bãi biển…
Đã phải mất rất nhiều thời gian và sự kiên trì với chính bản thân mình, bà mới có thể nói chuyện trở lại được với các con. Con gái của bà đi học trở lại, cô bé học làm bánh, rồi lại bỏ, cô bỏ học tới 2 lần… Bà đã tốn kém rất nhiều tiền để chạy theo sở thích của con nhưng rốt cục cô bé vẫn bỏ ngang chừng khi cảm thấy không thích.
Nếu là trước đây, có lẽ bà sẽ ném vào mặt con những lời cay nghiệt, nhưng bà tự răn mình phải thật bình tĩnh và cố gắng nhẹ nhàng với con. Thật may mắn, sau này, con gái bà đã quyết định đi học trở lại và theo đuổi ngành Tâm lí học. Cô bé quay lại giảng đường không phải vì chiều lòng mẹ mà vì cô bé thấy thích và thấy cần.
Lời nguyện ước giản dị "Tôi muốn có bạn trai" của cô bé cũng đã khiến bà "Cáu tiết" trong lòng. Bà đã tự hỏi: "Chẳng lẽ con chỉ thích có bạn trai, bao giờ thì con mới thích học hành?"
Trong một lần con gái đề nghị đi du lịch, bà dù bận rộn đến mấy cũng cố gắng đi cùng con. Cả nhà đã đi tới đảo Jeju. Tại đây, trên bờ biển, bà đã được nghe những lời tâm sự của con:
“Mẹ biết không, con là một đứa đã có can đảm bỏ học, nhưng ở trường của con, có nhiều bạn đã không có can đảm để làm thế. Và rồi họ phải uống thuốc tâm thần, trầm cảm. Mỗi năm ở trường con vẫn có vài bạn tự tử. Cũng không phải ngẫu nhiên nước ta lại đứng đầu về tỷ lệ tự tử ở độ tuổi thanh thiếu niên. Và con cũng đã từng muốn chết. Mẹ có biết vì sao không?
Mục đích chết của con là để trả thù. Con muốn bố mẹ phải tận cùng đớn đau khi con chết. Nhưng rồi sau đó con đã cố nghĩ về những lí do để mình nên tiếp tục sống. Và giờ con muốn giúp những người như con…”
Nghe con gái nói những điều này, bà đã bối rối và đau lòng cực độ. Bi kịch của con bà không phải vì bố mẹ thờ ơ mà bởi vì phải sinh ra trong một gia đình tri thức cao nên cả tuổi thơ bị chạy thành tích từ bố mẹ.
Thật may mắn, cuối cùng mối quan hệ của ba mẹ con cũng có thể tốt đẹp.
- “Con gái, mẹ xin lỗi con! Xin hãy tha thứ cho mẹ. Mẹ đã tước đi tuổi thơ hạnh phúc và tuổi thiếu niên lẽ ra phải được vui vẻ hồn nhiên của con” – Bà khóc trong nước mắt.
- “Mặc dù hơi muộn nhưng may mắn là mẹ đã nhận ra điều đó. Nhưng có vô số phụ huynh và giáo viên ở nước ta và trên thế giới lại không nhìn ra điều này. Vì thế xin hãy giúp họ nếu có thể” – Con gái bà đã nói.