Đừng ngạc nhiên khi thấy bé yêu luôn ốm yếu, mắc bệnh vặt nếu bố mẹ còn duy trì những thói quen xấu sau đây.
Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn “hồn nhiên” duy trì những lỗi chăm con tai hại dưới đây, khiến hệ thống miễn dịch của bé càng ngày trở nên yếu ớt, khó chống lại được sự xâm nhập của vi khuẩn, vi rút:
Cho con ăn nhiều đồ đóng gói sẵn, đồ ăn nhanh
Những món thức ăn nhanh, đồ hộp, thức ăn liền, thức ăn chế biến sẵn,... chứa hàm lượng chất béo chưa bão hòa, muối và đường cực kì cao. Chất béo chưa bão hòa ngăn cản hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể trẻ. Hàm lượng đường và muối trong cơ thể trẻ nếu quá nhiều cũng gây cản trở sự thực bào – quá trình các tế bào bạch cầu tiêu diệt những vi khuẩn, vi rút có hại.
Do đó, cho con ăn những món ăn tươi ngon, lành mạnh do chính tay cha mẹ chế biến tại nhà là cách tốt nhất để đảm bảo trẻ có đủ năng lượng và dinh dưỡng để chống lại nguy cơ bệnh tật.
Để con thiếu ngủ
Cơ thể không được ngủ đủ giấc sẽ giảm khả năng sản sinh tế bào bạch cầu – tế bào giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn, vi rút. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn thiếu ngủ cũng có xu hướng dễ bị vi rút, vi khuẩn xâm nhập và hay mắc các bệnh vặt, ví dụ như bệnh cảm cúm.
Cơ thể trẻ không được ngủ đủ giấc sẽ giảm khả năng sản sinh tế bào bạch cầu – tế bào giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn, vi rút. (Ảnh minh họa)
Không khuyến khích con vận động
Đừng tưởng chỉ cần cho con ăn no ngủ kĩ là bé sẽ có đủ sức chống lại bệnh tật. Vận động đóng một vai trò cực kì quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tập luyện thường xuyên giúp máu lưu thông tốt hơn, thúc đẩy quá trình đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, củng cố hoạt động của các chất kháng thể và tế bào bạch cầu trong người bé.
Chỉ cần rèn cho con đi bộ khoảng 15 phút mỗi ngày cũng giúp cho hệ miễn dịch của bé làm việc tốt hơn. Đối với các bé nhỏ tuổi hơn, kích thích tay chân bé hoạt động cũng có tác dụng tương tự. Hạn chế để con ngồi lì trong nhà cả ngày chỉ để xem TV hay “dán mắt” vào màn hình cảm ứng - dễ khiến bé ù lì, chậm chạp và khó chống lại được sự xâm nhập của các vi khuẩn, vi rút có hại.
Lạm dụng thuốc kháng sinh cho bé
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã cho thấy dùng thuốc kháng sinh làm giảm lượng cytokine – một loại hooc môn trong cơ thể đặc biệt cần thiết cho hệ thống miễn dịch. Trẻ ốm được uống kháng sinh sẽ khỏi bệnh rất nhanh nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ thể bé sẽ càng yếu hơn, càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh ở những lần sau, giảm khả năng tự chống chịu được với vi khuẩn, vi rút. Vì thế, khi trẻ mới chớm bệnh (ho, sổ mũi, cảm cúm,...), đừng vội cho con uống thuốc kháng sinh ngay mà cần quan sát, đánh giá các biểu hiện của con để quyết định xem liệu trẻ có thể tự kiểm soát tình trạng bệnh của mình hay không.
Dành ít tình cảm, sự quan tâm tới bé
Cái giá của việc để con thiếu thốn tình cảm “đắt” hơn bố mẹ vẫn tưởng. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, con người càng có ít sự kết nối, liên lạc với những người khác (ở nhà, ở trường, ở nơi làm việc,...) thì càng dễ mắc bệnh tật. Vì thế, cha mẹ đừng quên thể hiện sự yêu thương, quan tâm đến bé yêu để bé được cung cấp nguồn “kháng sinh tình yêu” tự nhiên từ những người gần gũi nhất. Bên cạnh đó, việc ôm hôn, vuốt ve, da-tiếp-da với trẻ nhỏ hàng ngày giúp cả người bé và bố mẹ tiết ra hooc-môn oxytocin, một loại hooc-môn “kì diệu”, có tác dụng kích thích tinh thần thư giãn, dễ chịu, giảm các yếu tố gây viêm, thúc đẩy quá trình chữa lành những vết thương trên cơ thể.
Gia đình có người hút thuốc lá
Hút thuốc lá thụ động (hít khói thuốc từ người hút thuốc lá trực tiếp) còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể và dẫn đến một số bệnh nguy hiểm nhiều hơn cả hút thuốc lá chủ động. Vì thế, các gia đình có con nhỏ nên khuyến khích thành viên nghiện thuốc lá nên cai thói quen xấu này và không hút thuốc lá trước mặt trẻ - đối tượng có sức đề kháng yếu ớt nhất.