Suốt một thời gian dài chị Lương cùng con không có tiền đi xe bus, hai mẹ con đã phải đẩy xe đẩy đi bộ từ nhà tới viện để chữa bệnh. Chặng đường đơn thân nuôi con bị bệnh có lẽ chuỗi ngày đầy nước mắt và gian truân.
Video: Bé Bi sau những tháng ngày giành giật sự sống đã tinh nghịch trở lại
28 tuổi từng mang bầu và bị bố của hai đứa trẻ chối bỏ, chị Đồng Thị Lương vẫn quyết tâm sinh con, hiện đang sống và đơn thân nuôi 2 con nhỏ tại thành phố Amagasaki thuộc tỉnh Hyogo, Nhật Bản. Chị đang làm nhân viên chính thức tại một công ty chế biến thực phẩm thuộc nơi mình sống. Với thu nhập ở mức trung bình đủ để chị Lương trang trải nợ nần, cuộc sống của ba mẹ con đã dần ổn định, thoải mái hơn.
Cuộc sống của ba mẹ con đã dần ổn định, thoải mái hơn
Mẹ Việt sống ở Nhật sốc khi con vừa chào đời đã mắc bệnh hiếm
Theo những tâm sự của chị Lương, khi chị mang bầu bé thứ hai (là bé Bi) sức khỏe thai kỳ thời gian đầu vẫn khỏe mạnh như ngày sinh con đầu (là bé Sushi). Chỉ đến khi bước vào tuần thứ 29 chị đi siêu âm 3D liên tục, linh cảm người làm mẹ có những dự cảm không tốt. Tuy nhiên, ở Nhật Bản tính nhân quyền rất cao, thai kỳ ở độ tuổi đã lớn đất nước họ sẽ không cho phép đình chỉ, bởi vậy chị được bác sĩ thông báo thai nhi vẫn phát triển bình thường.
Chỉ tới khi sinh ra, gặp con được đúng 3 tiếng đồng hồ thì con không chịu bú, khóc rất nhiều, chướng bụng. Sau thăm khám chị mới biết con mắc phải một căn bệnh hiếm (căn bệnh mà tỉ lệ mắc phải chỉ ở chiếm 1/5000). Bé sẽ bắt buộc phải trải qua tối thiểu là 3 ca phẫu thuật, tất cả đều là đại phẫu, thời gian tiến hành là ngay sau sinh, sau khi bé đủ 6kg trở lên và sau khi ca phẫu thuật thứ 2 đã ổn định. Thời gian phục hồi, cũng như điều trị của Bi sẽ mất 5-10 năm, còn tuỳ thuộc vào khả năng tự rèn luyện của bản thân con.
Chắc chắn tương lai sẽ là những tháng ngày tươi đẹp để 3 mẹ con cùng nhau rong ruổi đi chơi ở xứ sở hoa đào
Bản thân chị Lương sức khỏe những ngày đầu sau sinh cũng không thể ổn định do cơ thể mệt mỏi cộng thêm biết con bị bệnh hiếm nên rất sốc. Chị Lương nói: “Ngoài việc khóc ra hầu như mình không biết phải làm gì, đầu óc quay cuồng ám ảnh bởi căn bệnh của con. Mình điên loạn lên mạng, tìm hiểu bệnh của con, mọi thông tin đều mờ ảo, mông lung. Làm mình càng sợ, hàng ngày chỉ biết nhìn đồng hồ để chờ tới giờ vào thăm con được nhìn con.
Khoảng 20 ngày đầu con truyền tĩnh mạch nên rất yếu, mình cũng không được phép bế con. Thời điểm đó, hạnh phúc nhất là khi bác sĩ thông báo con đã có tiến triển tốt, là được ôm con vào lòng, là được cho con ti những dòng sữa mẹ. Dần dần sức khoẻ mình cũng ổn, nên được ra viện sớm hơn so với dự định. Hàng ngày mình vắt sữa rồi vào chăm con từ 11h trưa tới 20h tối”.
Tuy thiếu thốn tình thương của cha nhưng hai chị em Shi và Bi cực kỳ tình cảm và thương yêu nhau
Nhắc nhớ lại quá khứ về cuộc sống hôn nhân không mấy hạnh phúc, chị Lương cho biết bố của hai đứa con bé ngay từ khi biết vợ mang bầu bé đầu đã muốn ép chị bỏ con. Nhưng sau tất cả chị đã chấp nhận tất cả và quyết định một thân một mình sinh con.
Dẫu hai người đã hết tình cảm nhưng sau ngày bé Sushi chào đời, bố của bé có qua lại thăm hỏi hai mẹ con. Gặp lại nhau sau tháng ngày bão đã lùi sau cánh cửa, chị Lương và bố của bé Sushi trở nên bình lặng đến lạ thường. Rồi họ bao dung cho nhau, rũ sạch những ganh ghét, giận hờn, anh chị trở lại như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Bé Bi cũng ra đời từ ngày đó. Khi biết có sự xuất hiện của Bi, chị đã khóc rất nhiều nhưng chị lại một lần nữa quyết định sẽ sinh con ra làm mẹ đơn thân. Với chị, lỗi tại người lớn, con trẻ không có tội. Chính bởi suy nghĩ đó mà chị không nỡ bỏ giọt máu của mình được.
Để có đủ tiền trang trải chữa bệnh cho con, chị Lương đã phải lao động cật lực đến kiệt quệ sức khỏe
Ngày mang bầu bé thứ hai chị Lương gửi con về Việt Nam cho ông bà ngoại chăm sóc, một mình chị ở lại Nhật Bản mang bụng bầu đi làm quần quật từ 8h30 sáng đến 18h tối, nghỉ ngơi 30 phút lại bắt đầu công việc khác từ 19:00 tới 24:00 đêm, tuần nào cũng gần như là như vậy đến kín tuần.
Theo lời chị Lương, ngày đón con chào đời biết là con trai nên bố của bé vui mừng. Thế nhưng tới lúc biết Bi bị bệnh, tất cả mọi thái độ đều thay đổi. Người đàn ông chị vẫn coi là bố của hai đứa con chị đã phũ phàng buông bỏ tất cả ra đi, để lại sau lưng là một người phụ nữ vừa mới sinh xong thêm đứa con thơ bệnh tật.
Hiện tại thì con đã dần đi vào ổn định, sức khoẻ con mất khoảng 1,5 năm vất vả
Ngày đi làm, đêm tha con đi viện
Nối tiếp sau đó là năm tháng dài vô tận chị cùng con bồng bế nhau đi bệnh viện. Rào cản lớn nhất mà chị gặp đó chính là bất đồng về ngôn ngữ. Do tiếng Nhật của chị Lương không được tốt nên mỗi khi có vấn đề gì y tá, bác sĩ đều phải viết giấy, tra từ điển hay dùng hình vẽ để chị hiểu.
Nằm viện thấy con quá yếu chị không dám rời con nửa bước, không dám ra ngoài mua đồ ăn. Có những thời điểm trong nhà hết sạch đồ ăn, túi rác, ga, chị cũng không đi siêu thi, chỉ dám ăn cơm rang không cho qua bữa. Phần vì thương con, phần vì uất hận, nên chị cũng không còn tâm trạng để ăn.
Ngày đi làm, đêm tha con đi viện thường xuyên khiến chị mệt mỏi và trầm cảm. Dù trên người không còn một xu dính túi nhưng chị vẫn phải chạy vạy làm thủ tục đón con gái lớn và bà ngoại sang Nhật hỗ trợ. Lúc đó để đỡ vất vả cho bà ngoại, chị Lương đã gửi bé SuShi đi nhà trẻ còn bà ở nhà chăm bé Bi.
Bé Bi và bé Shi không quá chênh lệch nhau về vóc dáng
Cuộc sống của chị Lương lúc đó kiệt tới mức có những hôm giữa trời nóng 37-38 độ của tháng 7, hai mẹ con không có tiền đi bus (khoảng 45.000 đồng tiền Việt Nam) nên đã phải đẩy xe đẩy đi bộ từ nhà tới viện để khám cho con.
Gạt giọt nước mắt lăn dài trên má, chị Lương kể: “Mình đã từng sống trong nước mắt suốt những ngày đó. Vì đau đớn, vì như rơi xuống vực thẳm, mình đã chẳng thiết tha gì, đầu óc mình mụ mị. Sữa ngày càng ít làm cho Bi không đủ ăn, hay cáu. Nghe tiếng khóc của con vì thiếu sữa, lại hết tiền, mình đã giật mình và suy nghĩ lại, có đau, có khóc cũng không thể kéo mọi thứ yên bình lại. Mình đứng dậy cố gắng ăn uống, ngắm nhìn con, và nói chuyện với con mọi lúc có thể để không suy nghĩ nữa”.
Con mắc bệnh hiếm ngốn 5 – 6 tỷ chữa bệnh ở Nhật Bản
Lo lắng cho sức khỏe của con nên chị nỗ lực liên hệ và gửi thư điện tử đến một số bác sĩ ở Việt Nam về bệnh tình của bé. Nhờ được sự giúp đỡ của bạn bè và bác sĩ nên quãng ngày chăm con bệnh tật cũng dần trôi qua.
Thế nhưng điều khủng khiếp hơn cả mà chị đón nhận giờ đây không còn là căn bệnh hiếm của con mà chính là phiếu thanh toán của bảo hiểm với số tiền là 720 man (1,5 tỷ Việt Nam đồng). Nhận phiếu viện phí chị Lương choáng váng ngồi sụp xuống và khóc, chị mất ăn mất ngủ 3 ngày liền. Quá nhiều con số, chị không đọc nổi, chị lên quận hỏi thì nhận được câu trả lời là số tiền đó công ty bảo hiểm chi trả. Lúc này, chị mới dám thở phào, thiết nghĩ nếu không có bảo hiểm chi trả thì không biết tới bao giờ mới có thể trả nổi số nợ lớn như vậy.
Nhiều đêm chị ngồi nhìn 2 đứa con ngủ ngon lành và quyết định thay đổi cách sống tích cực hơn
Lần 2 là 630 man (1,3 tỷ tiền Việt Nam), lần thứ 3 khoảng 520 man (1 tỷ tiền Việt Nam). Mọi số tiền đều được bảo hiểm chi trả, số tiền chị phải chi trả chỉ là tiền ăn, tiền bỉm của con trong viện, tuy không quá lớn nhưng đối với chị lúc đó không hề là một con số nhỏ. Tính đến thời điểm hiện tại tiền bảo hiểm mà Bi được chi trả lên tới khoảng 5 - 6 tỷ tiền Việt Nam. Vì con còn nhập viện do hen phế quản, mỗi lần mất khoảng 120 - 130 triệu Việt Nam đồng. Chưa kể những lần tái khám của con mất khoảng 4 - 5 triệu mỗi lần, có đợt thì con đi tái khám hàng ngày…
Trải qua những biến cố như vậy nên chị Lương vô cùng hoảng sợ. Mỗi lần lên bàn mổ của con, là một lần con đi giành giật lại sự sống, vì con còn quá nhỏ nên những tiên lượng không thể lường trước. Khi đặt bút kí bản cam kết, trái tim chị như vụn vỡ. Rất nhiều lần chị thấy như mình đang đem con ra đùa với tử thần vậy. “Đến ngay cả bác sỹ còn phải sợ mình, vì mình là một người mẹ quá liều lĩnh. Nhưng lúc đó, một là cứu con và cứu cả tương lai sau này của con, hai là dập tắt tất cả mọi thứ. Mình không còn sự lựa chọn nào khác, mẹ bắt Bi phải chiến đầu tới cùng. Giờ đây mình biết, Bi sẽ vì Mình mà kiên cường vượt qua” - mẹ đơn thân nói.
Ngày nghỉ ba mẹ con đi chơi và mua sắm
"Hiện tại thì con đã dần đi vào ổn định. Đi viện tới nỗi một bệnh viện to nhất của tỉnh mà cả tầng 3, tầng 5, khi cấp cứu, ai nhìn thấy con cũng có thể gọi được tên con. Nhưng sau khoảng nửa năm nay, sức đề kháng con đã bắt đầu tốt hơn, những lần ốm ít dẫn. Thời gian hồi phục hoàn toàn của con có thể 5 năm, cũng có thể 10 năm hoặc ngắn hoặc dài hơn thế".
Một mình nuôi con chật vật đã có lúc chị không giữ được cảm xúc quát mắng con vô tội vạ. Đã có lúc chị muốn tự tử, bỏ mặc con. Nhưng khi nhìn thấy SuShi ôm Bi vỗ về, nói bằng giọng trẹo trọ: “Bi ơi, bi đau, shi thương!” chị oà lên khóc như chưa từng được khóc ôm hai đứa con vào lòng. Cả đêm đó ngồi nhìn hai đứa con ngủ ngon lành và chị quyết định thay đổi cách sống theo hướng tích cực hơn. Dần dần cuộc sống của chị cũng ổn định.
Tổ ấm nhỏ - nơi 3 mẹ con sinh sông giờ đây tràn ngập tiếng cười sau những giông bão của cuộc đời
Giờ đây chị đi làm đã đủ trang trải nợ nần, cuộc sống của ba mẹ con đã dần ổn định, thoải mái hơn rất nhiều. Chị đi làm cả ngày còn hai con đi học cả tuần. Ngày nghỉ ba mẹ con đi chơi và mua sắm.
Chị Lương hy vọng, những trải lòng của mình hoàn toàn không phải để nhận lại những thương xót. Sau tất cả mẹ đơn thân ấy muốn những hoàn cảnh tương tự hãy cố gắng và quyết tâm vượt qua. Vì con cái, là thứ quý giá nhất của cuộc đời mỗi ng phụ nữ.