Ở Canada, mình nuôi con 10 năm không thấy ai mua xe tập đi về cho con.
Tháng trước, một cô bạn ở Việt Nam nhắn tin hỏi mình “con 8 tháng rồi, có nên mua xe tập đi cho con chưa nhỉ?”. Ngẫm lại, đúng là ở Việt Nam, cứ khi trẻ được 7,8 tháng, chập chững biết vịn, có bé mới chỉ bắt đầu biết cứng lưng, biết ngồi là các bà các chị đã hớn hở đi mua xe tập đi, loại có khung tròn về để cho con luyện tập. Nhiều cha mẹ tin rằng cứ để trẻ vào trong cái xe tròn đó, cho con tha hồ quẫy đạp là lâu dần “tự dưng biết đi”. Tuy nhiên, mình ở Canada đã 10 năm, nuôi dạy 2 đứa trẻ nên người nhưng chưa bao giờ thấy mẹ Canada dùng xe tập đi loại khung tròn để cho con tập tành.
Ở Bắc Mỹ, hầu hết các chuyên gia và bác sĩ nhi khoa đều cho rằng dùng xe tập đi không có lợi cho trẻ. Năm 2004, Bộ Y tế Canada đã ra lệnh cấm bán hàng tiếp thị, quảng cáo, nói quá về tác dụng của xe tập đi. Thậm chí, một người thực hiện việc buôn bán loại xe này, kể cả xe cũ cũng có thể bị kết án lên đến 10 triệu đô la Canada tiền phạt. Canada là nước đầu tiên trên thế giới ra lệnh cấm với xe tập đi. Ở Mỹ, mặc dù loại xe này không bị cấm nhưng Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, và Hiệp hội quyền lợi người tiêu dùng Mỹ cũng hy vọng chính phủ Mỹ sẽ cấm bán xe tập đi trên thị trừờng.
Ở Canada, mình nuôi con 10 năm không thấy ai mua xe tập đi về cho con. (ảnh minh họa)
Lý do cho việc này là gì?
Quá nguy hiểm
Tháng 6/2003, chính phủ Canada đã cho thực hiện một cuộc khảo sát, kết quả thật đáng kinh ngạc: Mỗi năm có khoảng 1.000 trẻ sơ sinh bị thương trong khi sử dụng xe khung tập đi. Tính đơn giản hơn, mỗi ngày có ít nhất ba trẻ sơ sinh bị thương vì loại xe tròn này. Ngồi xe tròn tập đi những tưởng an toàn, vậy nhưng nó lại mang đến những nguy hại khó ngờ :
- Bởi vì xe tập đi khung tròn có gắn bánh xe, đôi khi xe sẽ bị trẻ đẩy đi với tốc độ quá nhanh. Theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ: tốc độ di chuyển của trẻ trong xe tập đi có thể lên tới 91cm/giây. Trẻ mới học cách bước đi sẽ không thể kiểm soát được tốc độ của xe. Nếu cha mẹ không chú ý, con sẽ rất có thể gặp tai nạn
- Trẻ ngồi trong xe tập đi, do có ghế đỡ nâng cao cơ thể nên bé sẽ dễ dàng chạm vào những vật dụng nguy hiểm ở trong nhà như cốc, chén thủy tinh để trên bàn, ổ điện trên cao hay phích nước, nồi cơm điện, bếp nấu….
Cản trở trí thông minh và khả năng vận dộng ở trẻ sơ sinh
Các giáo sư tâm lý thuộc Đại học AC Seeger Seoul đã tiến hành tìm hiểu, thu thập thông tin, và so sánh khả năng cả về tâm thần và vận động của những em bé tự biết đi và những em bé ngồi xe tập đi. Kết quả cho thấy, trẻ ngồi xe tập đi có chỉ số thông minh và khả năng vận động thấp hơn. Điều này là do:
- Chúng ta đều biết trẻ em lớn lên, phát triển trí não hơn lên thông qua tiếp xúc bàn tay, bàn chân, vị giác, thị giác và thính giác. Cho tự do bé để khám phá không gian sẽ giúp trẻ phát triển trí thông minh. Khi ngồi trong xe tập đi để luyện tập, bé đang bị mắc kẹt trong một không gian nhỏ, mất sự tự do để khám phá không gian xung quanh.
- Khi bé tập đi bằng xe tròn, nó có khung xung quanh để bảo vệ cơ thể, vì vậy bé sẽ không cảm nhận được những trải nghiệm thực sự của việc học đi bộ một cách độc lập. Khi ra khỏi xe, khả năng nắm bắt, làm chủ sự cân bằng và trọng tâm của cơ thể cũng kém hơn.
Chính vì những lý do này, hai con của mình chưa bé nào mình cho con ngồi xe tập đi. Nếu ai có hỏi, mẹ Canada dạy con tập đi như thế nào, mình có thể gợi ý những mẹo sau đây:
- Mẹ hãy tạo điều kiện và giúp con tập đứng, vì việc này sẽ giúp săn chắc, phát triển cơ, xương chân - tiền đề cho những bước đi đầu tiên vững chãi. Mẹ cho con bám vào chân mẹ và tự đứng dậy, sau đó giúp bé gập đầu gối để từ từ ngồi xuống nhằm tránh tổn thương phần mông và xương cột sống.
- Khi cùng con tập đi, mẹ hãy dìu, nâng đỡ con đi từng bước một, nhưng không thúc đẩy hay kéo bé đi theo mình để tránh gây trật cổ tay hay xương vai bé. Thay vào đó, mẹ nên nâng từ khủy tay hay vai bé, như vậy sẽ an toàn hơn. Cũng có thể quỳ gối trước mặt con và đỡ con bằng hai tay giúp bé di chuyển trong nhà. Khi bé đã đi thành thạo, mẹ có thể dùng tay dắt bé đi.
- Một lưu ý nữa, các chuyên gia Canada khuyên chị em không cần phải đi giày cho con khi bé tập đi trong nhà, việc đi lại bằng chân không sẽ giúp bé cảm nhận rõ hơn về từng bước đi và cân bằng hơn. Khi nào bé ra ngoài hoặc trong thời tiết lạnh thì mẹ hãy mang giày cho bé.