Anh chàng hướng dẫn viên du lịch và cô khách Mỹ nên duyên sau tour du lịch, hành trình hơn 3 năm làm rể Mỹ với nhiều điều thú vị.
Là người rất say mê cảnh đẹp Việt Nam và rất được đặt chân đến những vùng đất mới, năm 2014, cô gái Jamie đến từ Las Vegas, Nevada, Mỹ là một trong 8 vị khách đầu tiên được tham gia thám hiểm hang Sơn Đoòng - Quảng Bình khi địa danh này được cấp phép hoạt động. Ít tháng sau, cô tiếp tục quay lại Việt Nam để tham gia một tour khác, trong chuyến đi này, Jamie có cơ duyên làm quen với anh chàng hướng dẫn viên du lịch Văn Thành và đã chớm nở tình cảm.
Gia đình hạnh phúc của cặp đôi chồng Việt - vợ Mỹ nên duyên sau tour du lịch.
Tháng 12/2015, cặp đôi về chung một nhà bằng đám cưới tại quê chồng ở Tuyên Quang. Chưa về Mỹ ngay, vợ chồng Văn Thành đã có quãng thời gian ở lại Việt Nam sinh sống, đến khi con gái đầu lòng được gần 1 tuổi, cả hai mới quyết định về quê hương của Jamie định cư vì bố mẹ cô đã lớn tuổi.
Hơn 3 năm sang Mỹ định cư, gác lại công việc hiện tại để phụ giúp việc kinh doanh của gia đình vợ, đặc biệt là sắp đón thêm con thứ 2 chào đời... Chàng rể Việt - Văn Thành rất hào hứng chia sẻ về cuộc sống của gia đình mình hiện tại, cách vợ chồng anh giáo dục con và gìn giữ hạnh phúc gia đình tại môi trường mới bên Mỹ:
Sang Mỹ định cư cũng đã vài năm, công việc, cuộc sống của anh đã ổn định chưa?
Chúng tôi sống ở Mỹ tính đến thời điểm này cũng đã hơn 3 năm rồi, cuộc sống có thể nói là khá ổn nhưng mới đây, vợ chồng tôi vừa chuyển nhà nên cần thời gian sắp xếp lại cuộc sống. Vì tôi thì làm quản lý ở công ty bất động sản của bố vợ, bà xã cũng làm gia sư, huấn luyện viên cho các khóa học nên cũng khá bận nên chúng tôi đã chuyển đến căn nhà gần trường học của con gái, tiện việc đưa đón con đi học. Ở đây cũng gần nhà thờ để cả nhà đi lễ vào chủ nhật mỗi tuần.
Mỹ ảnh hưởng khá nhiều vì dịch bệnh, cuộc sống của gia đình anh có bị ảnh hưởng không?
Đúng là tình hình dịch bệnh ở Mỹ khiến ai cũng lo lắng và áp lực. Đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn rất may mắn vì công việc không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, thời gian này, vợ chồng tôi làm việc ở nhà nhiều hơn là ra ngoài. Đặc biệt, tôi cũng chủ động thay đổi lối sống của mình, rèn luyện sức khỏe nhiều hơn, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch kĩ lưỡng…
Vì vợ tôi hiện đang mang thai, chúng tôi lại sống cùng bố mẹ vợ đều đã lớn tuổi, họ đều là những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nên việc bảo vệ sức khỏe gia đình trong lúc này là vô cùng quan trọng.
Chi phí nuôi một đứa trẻ ở Mỹ có tốn kém không anh? Vợ chồng anh có được Chính phủ trợ cấp chuyện nuôi con cái?
Hầu hết các chi phí liên quan đến nuôi dạy một đứa trẻ ở Mỹ đều rất đắt đỏ, chi phí về chăm sóc sức khỏe cũng cao hơn rất nhiều so với Việt Nam. Chúng tôi phải trả rất nhiều tiền cho bảo hiểm y tế mỗi tháng dù nó sẽ không bao gồm tất cả các gói chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết như ở Việt Nam.
Kể cả việc tìm trường học cho con gái 4 tuổi cũng không dễ dàng. Nếu cho con học ở trường công lập nơi chúng tôi đang sống thì chất lượng lại không được tốt, vì thế mà chúng tôi phải gửi con ở một trường tư thục nhỏ, chấp nhận bỏ thêm tiền để con được giáo dục tốt hơn. Hiện tại thì cũng may mắn là gia đình tôi chưa cần đến trợ cấp của Chính phủ.
Trong gia đình anh chị thì ai sẽ là người gánh vác kinh tế gia đình? Hai vợ chồng Việt - Mỹ có rạch ròi tài chính không hay chồng vẫn là kinh tế chính trong gia đình như ở các gia đình Việt?
Không riêng gì gia đình tôi đâu mà văn hóa Mỹ thì trong các gia đình, cả vợ và chồng đều cùng đi làm và cùng lo chuyện kinh tế trong nhà. Chúng tôi cũng có những sự điều chỉnh cho phù hợp, cuộc sống thoải mái là được chứ không nhất thiết phải rạch ròi mọi thứ.
Ở Mỹ thì thường người phụ nữ sẽ phải làm việc xuyên suốt thời gian mang thai, họ chỉ được nghỉ khoảng 6 tuần khi bắt đầu làm mẹ. Sau quãng thời gian ít ỏi đó, họ sẽ phải trở lại với công việc, nếu không có sự giúp đỡ từ gia đình thì họ sẽ phải cho con đến nhà trẻ rất sớm.
Lần trước vợ anh có chia sẻ về Mỹ để chăm sóc bố mẹ đã có tuổi. Vậy ở rể đất Mỹ có khác nhiều so với Việt Nam không? Bố mẹ vợ đối với anh và các cháu thế nào?
Tôi sống bên cạnh bố mẹ vợ nhưng có cảm giác không khác gì với bố mẹ ruột mình. Cả bố và mẹ đều rất gần gũi với con rể và tất nhiên họ rất thương cháu. Ông bà năm nay thì người đã 73 tuổi, người 84 tuổi, cả hai đều còn rất minh mẫn và có thể tự chăm sóc bản thân tốt. Tuy nhiên vì bố mẹ ngày càng già đi nên vợ chồng tôi không khỏi lo lắng và muốn ở gần để tiện chăm sóc bố mẹ và cũng có thể chủ động ngay khi họ cần.
Như đã chia sẻ, sau khi sang Mỹ, tôi đã làm việc cho công ty của bố vợ, hầu hết những công việc kinh doanh bố đều giao cho tôi quản lý. Có những ngày bố gọi cho tôi đến 10 cuộc gọi mỗi ngày để trao đổi về công việc, để nói chuyện về gia đình hay đơn giản chỉ là cùng nhau đi uống cà phê.
Con gái anh chị đã có thời gian sống ở môi trường Việt Nam, khi sang Mỹ bé có dễ thích nghi không?
Bé Julian Lynn Dương đã được chúng tôi đưa sang Mỹ khi con mới 1 tuổi vì vậy việc thích nghi với môi trường sống mới không gặp khó khăn nào. Tôi thấy con gái rất gần gũi với mọi người, dễ gần nên bố mẹ cũng không vất vả nhiều.
Anh có thể chia sẻ một chút về bé Juliana hiện tại?
Con gái tôi là đứa trẻ hướng ngoại, hòa đồng và thân thiện với mọi người. Con yêu thiên nhiên và động vật. Hoạt động yêu thích của con chính là đi xe đạp khu vực quanh sân nhà hoặc đi dạo cùng mấy chú chó của nhà tôi nuôi. Bé cũng rất thích đến trường để được gặp gỡ bạn bè. Tốt bụng và vui tính là những điều làm cho con gái được mọi người yêu quý.
Và đặc biệt, không biết những em bé khác thì thế nào nhưng Julian khi nghe tin sắp có thêm em thì rất vui mừng, con gái thể hiện rõ sự hạnh phúc khi sắp lên chức chị hai vào đầu năm sau.
Anh thường giao tiếp với con bằng ngôn ngữ nào? Và có dạy thêm tiếng Việt cho bé không?
Thời gian đầu khi chuyển về Mỹ sống, khả năng giao tiếp tiếng anh của Julian khá kém nên chúng tôi chỉ nói tiếng Anh để con bắt đầu hòa nhập cuộc sống mới. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tôi lơ là việc nói ngôn ngữ Việt với con, hiện tại tôi vẫn đang dạy con nói tiếng Việt mỗi ngày.
Ngoài ra, vợ chồng tôi cũng mong muốn cả 2 con đều có thể nghe và hiểu tiếng Việt nên chúng tôi sẽ nói tiếng Việt nhiều hơn nữa mỗi ngày với con.
Anh cảm thấy bản thân đã thay đổi ra sao từ khi sang Mỹ, nhất là khi sắp có em bé thứ 2?
Bản thân tôi thì thấy mình không thay đổi nhiều lắm nhưng với Jamie, cô ấy lại nhận thấy tôi thay đổi rõ rệt. Vợ tôi nhận xét tôi tự tin hơn khi nói chuyện với mọi người, nói tiếng Anh cũng tốt hơn. Trước đó dù khả năng tiếng Anh của tôi cũng đã khá ổn nhưng tôi vẫn không khỏi cảm giác ngại ngùng khi đến môi trường mới, mỗi ngày sẽ nói toàn tiếng Anh. Ban đầu tôi còn có cảm giác cô đơn, khó làm quen với mọi người nhưng bây giờ khi tôi đã hiểu rõ về người Mỹ thì mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn nhiều, bây giờ tôi kết bạn rất dễ.
Còn về việc sắp làm bố lần 2 thì đây cũng là trải nghiệm với tôi. Dù đã có con gái nhưng lần đó vợ chồng tôi sinh con và nuôi con ở Việt Nam, còn lần này sẽ hoàn toàn khác khi em bé sẽ chào đời ở Mỹ.
Mọi người vẫn nghĩ những bất đồng trong văn hoá sẽ dễ gây mâu thuẫn trong gia đình, với anh chị điều này có ảnh hưởng không?
Những hiểu lầm do khác biệt văn hóa thì có nhưng những mâu thuẫn của chúng tôi hầu như không bắt nguồn từ sự khác biệt văn hóa. Tuy nhiên chúng tôi lại có những hiểu lầm nhỏ vì tiếp cận các tình huống khác nhau và cách giải quyết vấn đề cũng khác nhau. Những điều này đòi hỏi cả hai phải biết tiết chế và có sự thay đổi để phù hợp hơn và vợ chồng tôi đã làm được điều này. Sau những mâu thuẫn, chúng tôi càng bền chặt hơn và trân trọng gia đình nhỏ của mình hơn.
Đặc biệt là cả Jamie và tôi đều rất tôn trọng nền văn hóa của nhau, những điểm tích cực, điểm tốt ở mỗi nền văn hóa, chúng tôi vẫn cố gắng học hỏi để bản thân mình tốt lên mỗi ngày.
Vợ anh cũng đã từng sống ở Việt Nam vài năm, anh thấy cô ấy có ảnh hưởng chút nào từ văn hoá Việt mà khi sang Mỹ rồi vẫn giữ không? Ví dụ?
Vợ tôi là một người rất yêu Việt Nam, khi về Mỹ, cô ấy còn tìm được một nhà thờ có tổ chức các nghi lễ như Việt Nam để chúng tôi có thể tham dự. Jamie tham gia học tiếng Việt ở nhà thờ 1 buổi/tuần, cô ấy còn tham gia lớp học tiếng Việt trực tuyến cũng mỗi tuần 1 buổi với lớp học ở Hà Nội.
Ngoài ra, với những gì đã học được về văn hóa Việt suốt thời gian ở Việt Nam, cô ấy cũng mang sang Mỹ. Những dịp lễ Tết Việt, vợ tôi đều tổ chức để cả gia đình quây quần bên nhau, cô ấy và con gái cũng mặc áo dài truyền thống trong những dịp đặc biệt. Chúng tôi cũng thường làm những món ăn Việt Nam như: chả giò, phở… và mời bạn bè đến thưởng thức.
Đặc biệt, tôi nghĩ điểm thú vị ở gia đình mình chính là vợ chồng tôi vẫn thích ngồi ăn tối trên chiếu cùng nhau thay vì ngồi vào bàn ăn như các gia đình ở Mỹ khác.
Anh có dự định đưa các con về thăm quê hương hay kế hoạch bao nhiêu năm sẽ về Việt Nam 1 lần để con được trải nghiệm nhiều hơn không?
Từ khi sang Mỹ định cư, năm nào vợ chồng tôi cũng đưa con về thăm Việt Nam 1 lần vào kì nghỉ hè. Mùa hè năm ngoái, gia đình tôi đã ở lại Việt Nam 1 tháng và cũng muốn làm điều tương tự trong năm nay vì con gái đã có mùa hè tuyệt vời, bé rất thích và đã rất khó để trở về Mỹ. Tuy nhiên vì tình hình dịch bệnh nên kế hoạch đành hủy bỏ, có lẽ phải đến mùa hè năm sau tôi và vợ con mới có thể về Việt Nam lại được.
Thật ra hai vợ chồng đều dành rất nhiều tình cảm cho Việt Nam, chúng tôi cũng muốn các con được có cơ hội hiểu biết, thêm yêu quê hương của bố nên muốn dành nhiều thời gian về Việt Nam hơn trong những năm tới. Thậm chí chúng tôi cò dự tính chia đôi thời gian ở Mỹ và Việt Nam nhưng điều này là không thể vì ở Mỹ còn trách nhiệm với công việc, gia đình và chăm sóc thú cưng nữa.
Cảm ơn anh về những chia sẻ này!